Dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đang bước vào một giai đoạn cực kỳ phức tạp. Các chuyên gia nhận định, 2 tuần tới sẽ là thời gian quan trọng quyết định thành bại của cuộc chiến chống dịch COVID-19 này. Và có cơ sở để tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ chiến thắng được dịch bệnh này với những gì đã, đang và sẽ làm trong thời gian tới.
Bệnh viện Chợ Rẫy sáng chế ra tấm chắn ngăn giọt bắn để phòng COVID-19
Kit chẩn đoán COVID-19 của Việt Nam đạt chất lượng, hiệu quả đến đâu?
Chẩn đoán COVID-19: Những ai cần làm xét nghiệm?
Người chưa phát bệnh COVID-19 gần như không thể lây bệnh
TP.HCM ra thông báo khẩn truy tìm hành khách trên 3 chuyến bay
56 người ở TP.HCM tiếp xúc với 1 bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên chuyến bay VN0054
Dịch COVID-19: Bình Thuận đóng cửa các điểm giải trí, thể thao
TP.HCM không cho nhập cảnh tàu Silver Spirit chở hơn 800 khách nước ngoài
Việt Nam chủ động vào trận chiến với "giặc COVID-19"
Đại dịch COVID-19 như một bóng ma lan rộng và bao phủ toàn thế giới trong hơn 3 tháng qua, làm cho hơn 620.000 người mắc bệnh và hơn 30.000 người tử vong tính cho tới hôm nay. Con số này vẫn sẽ còn tăng lên trong những ngày sắp tới. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tại Việt Nam, tính từ ca nhiễm COVD-19 đầu tiên vào ngày 22.1.2020 đến nay thì đã hơn 2 tháng chỉ có chưa đầy 200 người mắc COVID-19, trong đó có hơn 20 người đã khỏi bệnh, xuất viện và chưa có trường hợp nào tử vong.
Đó là một sự thành công rất lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, cho dù chúng ta đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế cũng như chất lượng y tế còn thấp so với nhiều quốc gia phát triển khác.
Chia sẻ về điều này, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - người đã trực tiếp chỉ đạo điều trị thành công 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam cho rằng, đó là do Việt Nam vào trận chiến với “giặc COVID-19” trong tâm thế chủ động. Chúng ta biết rõ chúng ta là ai, tiềm năng kinh tế ra sao, sự hạn chế về chăm sóc y tế như thế nào… nên nếu để bị động có thể sẽ “vỡ trận” ngay khi bệnh dịch lây lan trong cộng đồng trên diện rộng với số người nhiễm bệnh khoảng vài ngàn người.
Chính vì lẽ đó, ngay từ đầu dịch, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt những biện pháp để toàn dân cùng áp dụng, cùng chung tay phòng chống dịch bệnh.
Hơn nữa, những biện pháp đó cũng thường xuyên được bổ sung hay thay đổi mức độ tùy theo tình hình cụ thể trong từng giai đoạn. Nói theo cách dân dã là chúng ta biết sợ trước nguy cơ của đại dịch do vậy tới nay chúng ta đang chiến thắng.
Vấn đề quan trọng nhất chính là sự đồng lòng, ý thức của người dân trước dịch bệnh COVID-19. Dù vẫn còn đâu đó một số ít người dân chưa ý thức đầy đủ việc bảo vệ mình và cộng đồng trước dịch bệnh, nhưng phần đông người dân Việt Nam luôn có ý thức, tự giác cách ly, đeo khẩu trang cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa khác để tránh lây lan dịch bệnh; đặc biệt là biết chia sẻ về dịch bệnh.
Ngoài ra, nhờ những bước đi chính xác của Chính phủ đã giúp cho Việt Nam tránh phải đầu tư những khoản tiền ngoài khả năng để dập dịch. Với những gì đang có, bác sĩ Hùng tin tưởng, với tinh thần cầu thị, Việt Nam sẽ dõi theo các quốc gia khác để có thể tìm ra những bài học quý giá, phù hợp để bổ sung cho chiến lược ngăn chặn COVID-19 trong giai đoạn mới tại Việt Nam
Chúng ta sẽ chiến thắng, nếu biết sợ đúng cách
Phần lớn các chuyên gia đều khẳng định 2 tuần tới sẽ là thời gian quyết định đến sự thành bại của cuộc chiến. Điều này không có nghĩa, nếu thành công sau 2 tuần nữa dịch bệnh COVID-19 sẽ được ngăn chặn hoàn toàn mà chỉ là chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh, khống chế nó, không để lan tràn nhanh như trước. Để hoàn toàn loại bỏ được dịch bệnh này có lẽ chúng ta phải cần thêm vài tháng nữa.
Tuy nhiên, với những gì mà Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đến lúc này, chúng ta có quyền tự hào vì những quyết sách đúng đắn của Chính phủ, và sự đoàn kết chung tay của người dân cả nước để khống chế tốt dịch bệnh.
Bác sĩ Hùng cho rằng, mặc dù chúng ta cũng có những sai lầm trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 này (ngăn chặn lây nhiễm chưa hẳn đã thật tốt trong các khu vực cách ly tập trung, chậm trễ trong điều hành làm tập trung một số lớn kiều bào kéo dài trong một khu vực chật hẹp; chậm trễ áp đặt lệnh cách ly tập trung bắt buộc đối với người từ các vùng dịch trở về; phân tuyến tiếp nhận bệnh nhân và phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện…) đã gây không ít những tổn thất về sức người, sức của nhưng đã kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình, góp phần tạo niềm tin cho người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Đối với một “địch thủ” mới, vô hình, chưa rõ bản chất, những sai lầm kể trên có lẽ khó có thể tránh khỏi. Vấn đề quan trọng là chúng ta đã nhanh chóng nhận ra sai lầm và điều chỉnh nhanh nhất có thể. Điều này đã làm gia tăng niềm tin vào sự lãnh đạo của Chính phủ. Sự thành công trong cuộc chiến này với tổn thất tối thiểu trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu có thể sẽ là bàn đạp cho Việt Nam phát triển mạnh trong tương lai.
Bên cạnh những lo toan về phòng chống dịch bệnh trên toàn quốc, giải quyết hậu quả do thiên tai mưa đá ở miền Bắc, tìm hướng thoát khó khăn do hạn mặn kéo dài ở miền Nam, tìm đối sách tối ưu trong quan hệ quốc tế trong giai đoạn mới... chúng ta cũng không thể sao lãng theo dõi những biến chuyển mới trên biển Đông trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Hàng núi công việc đang đè nặng lên vai Chính phủ, do vậy người dân chúng ta hơn lúc nào hết cần phải hỗ trợ hết sức để Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để làm được điều đó chúng ta hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính phủ, cùng nhau thực hiện tốt những quy định về phòng chống bệnh dịch; theo dõi dịch bệnh và những quy định mới của Chính phủ; mạnh dạn góp ý với tinh thần xây dựng để góp phần hoàn thiện hơn công tác phòng chống dịch ở cơ quan, tổ chức hay nơi mình đang sinh sống; quan tâm, động viên, cùng nhau giám sát, phát hiện, bàn thảo và điều chỉnh những sai phạm xảy ra xung quanh mình.
Theo bác sĩ Hùng, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh COVID-19, nếu biết sợ đúng cách.
“Mỗi người dân hãy vì quyền lợi chung của cộng đồng mà chấm dứt ngay những hành động vì tư lợi kinh tế, vì những nhu cầu vật chất cá nhân, vì thiếu hiểu biết hay vì bất cứ mục đích không chính đáng nào; tìm tòi sáng tạo những biện pháp mới, hữu hiệu để hoàn thành nhiệm vụ của chính mình; tìm sự giúp đỡ của chuyên viên y tế khi cần, không tự ý thực hiện những biện pháp phòng ngừa hay điều trị bệnh”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Hồ Quang