Theo CNN, một trong những bi kịch lớn nhất của Ukraine khi nước này theo đuổi cuộc phản công cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính mình và phương Tây.

Triển vọng chính trị ở Mỹ tác động thế nào đối với Ukraine?

Hoàng Vũ (theo CNN) | 11/08/2023, 13:11

Theo CNN, một trong những bi kịch lớn nhất của Ukraine khi nước này theo đuổi cuộc phản công cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính mình và phương Tây.

Trong khi những hy sinh trên chiến trường sẽ quyết định việc Kyiv thu hồi được bao nhiêu lãnh thổ bị phía Nga kiểm soát, kết quả của cuộc chiến cũng sẽ được định hình bởi các yếu tố bên ngoài, bao gồm cả sự thay đổi của các lực lượng chính trị ở Mỹ, Nga và châu Âu.

Chẳng hạn, một cuộc phản công đình trệ và bế tắc trong mùa đông sẽ gây những tác động cụ thể đối với Mỹ vì nó có thể làm dấy lên câu hỏi về sự ủng hộ của Washington đối với Ukraine như thế nào khi cuộc bầu cử 2024 diễn ra.

biden-and-zelensky2.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: FT

Người Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc đụng độ tiềm năng giữa Tổng thống Joe Biden, người đã hồi sinh liên minh phương Tây và là người ủng hộ quan trọng nhất đối với Ukraine, và cựu Tổng thống Donald Trump, một người hoài nghi NATO, “tôn trọng” Putin và đã cam kết có thể chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ. Ngay cả khi ông Trump không phải là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 2024, việc giảm bớt sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc chiến tại Ukraine có thể gây tổn hại cho chính quyền Biden.

Do đó, các lý do chính trị cũng như chiến lược đã tạo áp lực rất lớn đối với cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine vào mùa hè này nhằm tạo ra những bước đột phá quan trọng trên chiến trường. Nhưng cho đến nay, cuộc phản công giống như một khẩu hiệu hơn là một cuộc tấn công chớp nhoáng, làm tăng khả năng chiến tranh có thể kéo dài ít nhất là vào năm tới. Nếu vậy, tình hình sẽ còn căng thẳng hơn, cả Nga và Ukraine đều chịu thương vong nặng nề.

Theo CNN, giới chức cấp cao Mỹ và phương Tây đã đề cập đến những đánh giá ngày càng "nghiêm túc" về khả năng giành lại lãnh thổ quan trọng của Ukraine. Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây đã nói rằng mặc dù có cơ hội để Ukraine đạt được tiến bộ, điều đó “cực kỳ khó, rất khó xảy ra”. Các quan chức cả trong và ngoài Ukraine giờ đây cũng thừa nhận những bước tiến trong cuộc tấn công đang đến chậm hơn so với những gì họ mong đợi.

Cuộc đấu tranh của Ukraine, và những tổn thất nặng nề trong chiến đấu, một phần do các vị trí phòng thủ kiên cố, nhiều lớp, chiến hào và bãi mìn mà Nga đã có nhiều tháng xây dựng. Nhưng liệu phương Tây có đủ kiên nhẫn để cho Ukraine thời gian cần thiết? Việc thiếu những bước đột phá lớn chống lại Nga trong những tuần tới sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây có ít lựa chọn để xem xét bối cảnh chính trị rộng lớn hơn của cuộc chiến, ngay cả khi không có hồi kết.

Dù một hội nghị quốc tế cấp cao ở Ả Rập Saudi diễn ra vào cuối tuần để tìm ra các giải pháp hòa bình tiềm năng, cho đến nay vẫn chưa có con đường rõ ràng nào dẫn đến một lệnh ngừng bắn. Ukraine không muốn nhượng bộ, bởi họ muốn khôi phục hiện trạng biên giới năm 1991 - mục tiêu đòi hỏi phải trục xuất các lực lượng Nga khỏi Crimea - điều có vẻ khó xảy ra ngay bây giờ.

Bên cạnh đó, khả năng chịu đựng những tổn thất nặng nề trên chiến trường của cả Nga và Ukraine sẽ rất quan trọng trong việc quyết định theo đuổi cuộc chiến đến cùng hay dừng lại khi mà cả hai nhận ra rằng cái giá phải trả để tiếp tục lớn hơn nhiều so với những gì họ đạt được.

Thời điểm cuộc chiến kết thúc có thể liên quan nhiều đến sự hỗ trợ liên tục lâu dài hoặc mong manh của Mỹ - điều quan trọng không chỉ đối với việc trang bị vũ khí cho Ukraine mà còn để duy trì sự thống nhất của NATO và quyết tâm của châu Âu.

Dù có đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 hay không, di sản của tổng thống Biden sẽ bị chi phối bởi vai trò của ông trong việc đối phó với cuộc chiến tại Ukraine. Biden đang nghiên cứu một dự luật tài trợ bổ sung mới có thể sẽ sẵn sàng để quốc hội Mỹ xem xét vào cuối năm nay.

Động thái sẽ là phép thử quan trọng nhất đối với sự sẵn sàng trong việc chấp thuận chi thêm hàng tỉ USD viện trợ Ukraine của Hạ viện Mỹ, nơi đảng đối lập Cộng hòa chiếm đa số. Vì vậy, bất kỳ thực tế nào cho thấy cuộc tấn công của Ukraine bị sa lầy sẽ làm sâu sắc thêm sự hoài nghi đối với cam kết kéo dài của Mỹ cho cuộc chiến Ukraine.

Mặc dù chính sách đối ngoại hiếm khi là yếu tố quyết định trong các cuộc bầu cử tổng thống và cuộc chiến ở Ukraine không phải là vấn đề chi phối trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, một số người ủng hộ ở các bang bỏ phiếu sớm như Iowa và New Hampshire đã nêu vấn đề này và đặt câu hỏi về sự hào phóng của Mỹ sau nhiều tháng lạm phát cao, đã góp phần tạo nên cái nhìn ảm đạm dai dẳng về nền kinh tế Mỹ.

Một cuộc thăm dò mới của CNN/SSRS vào tuần trước đã phản ánh sự phức tạp chính trị ở Mỹ đối xung đột Ukraine, với 55% cử tri hiện cho rằng quốc hội không nên cho phép tài trợ thêm để hỗ trợ Kyiv. Khoảng 51% nói rằng Mỹ đã làm đủ để giúp đỡ, trong khi 48% nói rằng Washington nên làm nhiều hơn nữa.

Việc ủng hộ một nỗ lực chiến tranh bị phân cực sâu sắc tại Mỹ. Cuộc thăm dò của CNN cho thấy 71% đảng viên Cộng hòa nghĩ rằng quốc hội không nên tiếp tục cho phép tài trợ cho Ukraine trong khi 62% đảng viên Dân chủ cho rằng nên làm như vậy.

Kết quả cuộc thăm dò cho thấy dù có đủ sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với nguồn tài trợ mới cho Ukraine, câu hỏi đặt ra là liệu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy có sẵn sàng thông qua một dự luật viện trợ lớn trên cơ sở đồng thuận lưỡng đảng hay không.

Ông McCarthy nhiều lần cảnh báo các khoản viện trợ có thể bị rút lại một phần vì chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phớt lờ các vấn đề trong nước mà đảng Cộng hòa cho là ưu tiên như đảm bảo an ninh tại biên giới phía nam. McCarthy cho rằng Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ không tiếp tục cung cấp những tờ séc trống cho Ukraine.

Các động lực chính trị trong Hạ viện thể hiện một nền tảng khá bấp bênh cho sự hỗ trợ quan trọng của Mỹ đối với Ukraine. Điều này nhấn mạnh lý do tại sao cuộc phản công bị đình trệ có thể gây ra một thảm họa chính trị cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Mỹ cũng như một tổn thất chiến lược cho Ukraine ở quê nhà.

Tuy vậy, Nhà Trắng đang hạ thấp ý kiến cho rằng Ukraine đang mất đà và hiện tại có thừa thời gian. John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia, nói với chương trình Wolf Blitzer của CNN hôm 8.8 rằng Ukraine đang đạt được một số tiến bộ và ám chỉ rằng một gói hỗ trợ mới, có khả năng bao gồm thiết bị quét mìn và bộ pháo HIMARS, có thể sẽ đến trong tuần này.

Tuy nhiên, do sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc chiến đang giảm sút, Tổng thống Joe Biden có thể phải đối mặt với một nhiệm vụ phức tạp trong việc giải thích sự ủng hộ kéo dài của Mỹ dành cho Ukraine khi ông tái tranh cử vào năm tới.

Quân đội Mỹ hiện không tham gia trực tiếp cuộc chiến, và Tổng thống Biden từ lâu đã phản đối sự tham gia của Washington vào các vấn đề ở nước ngoài. Thêm vào đó, ông chủ Nhà Trắng coi việc tránh một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Mỹ và Nga là trọng tâm trong chiến lược của mình, song đối thủ của Biden là Donald Trump có thể vẫn nhìn thấy sơ hở.

Cựu tổng thống Mỹ đã lớn tiếng cảnh báo rằng lập trường của Biden đối với Ukraine có thể dẫn đến Thế chiến 3 và xung đột hạt nhân. Vì vậy, khi các cử tri Mỹ quyết định tương lai của chính họ vào tháng 11.2024, rất có thể họ cũng sẽ đóng một vai trò lớn trong việc định đoạt số phận của Ukraine.

Bài liên quan
'Chuyên gia' thẩm mỹ Mr Lee bị bắt vì xúc phạm người khác
Ngày 18.1, Trương Thanh Tịnh bị Công an TP.Thủ Đức khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển vọng chính trị ở Mỹ tác động thế nào đối với Ukraine?