Sau khi CHDCD Triều Tiên phóng thử quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thứ hai lúc khuya 28.7, một chuyên gia khẳng định: tên lửa ICBM Triều Tiên dư sức ‘hôn vĩnh biệt’ Tháp Trump ở New York.

Triều Tiên thử tên lửa, chuyên gia bình luận: 'Tên lửa ICBM dư sức hủy diệt tháp Trump'

29/07/2017, 15:32

Sau khi CHDCD Triều Tiên phóng thử quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thứ hai lúc khuya 28.7, một chuyên gia khẳng định: tên lửa ICBM Triều Tiên dư sức ‘hôn vĩnh biệt’ Tháp Trump ở New York.

Triều Tiên khoe tên lửa-Ảnh KCNA

Sáng 29.7, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố vụ thử thứ hai có thấy “Bình Nhưỡng có thể bất ngờ phóng ICBM đến bất kỳ khu vực nào vào bất kỳ lúc nào, và rõ ràng cho thấy toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của CHDCND Triều Tiên”.

Ông Kim còn nói: “Tiến hành ngăn chặn chiến tranh mạnh mẽ để bảo vệ tổ quốc là một giải pháp chiến lược không thể tránh được, và là một tài sản chiến lược quý giá. Nếu bọn Mỹ giương gậy hạt nhân trên vùng đất này lần nữa, bất chấp những lần cảnh cáo liên tục của chúng ta, chúng ta sẽ dạy chúng cách cư xử bằng lực lượng hạt nhân chiến lược”.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên nói vụ phóng thử cũng dùng quả ICBM Sao Hỏa 14 (Hwasong -14) như đã dùng ở lần phóng thử quả ICBM thứ nhất mà Triều Tiên gọi là ‘làm quà’ mừng Lễ Độc lập 4.7 của Mỹ.

Nhưng họ nói quả thứ hai “có thể mang một đầu đạn hạt nhân hạng nặng và lớn”, và đã điều chỉnh tọa độ rất cao để không tác động đến các nước láng giềng.

Quả thứ nhất đã bay cao 2.802km, xa 933km trong 43 phút. Ngay sau đó, nhiều chuyên gia đã công nhận Triều Tiên có vũ khí có thể tấn công nước Mỹ.

Tên lửa Triều Tiên bắn nước Mỹ tứ tung

Theo các quan chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, tên lửa ICBM Triều Tiên có thể mang đầu đạn hạt nhân, được phóng lúc 23 giờ 41 phút (giờ địa phương) từ bên trong một quả núi, bay hơn 45 phút, xa khoảng 1.000km và đạt độ cao 3.700km trước khi rớt xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật.

Các chuyên gia nói tên lửa này được phóng thẳng đứng, thay vì phóng ngang, có nghĩa tầm bắn đã giảm.

Tiến sĩ David Wright, đồng chủ nhiệm Chương trình an ninh toàn cầu của Liên đoàn các nhà khoa học có quan tâm (USD) nói nếu các số liệu cho thấy tầm bắn và độ cao chính xác, thì nó có tầm bay 10.400km.

Điều này có nghĩa các thành phố Mỹ như Los Angeles, Denver và Chicago, Boston, New York và thủ đô Mỹ đều bị đặt trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.

Theo báo Independent, ông Jeffrey Lewis, một chuyên gia về tên lửa và không phổ biến vũ khí hạt nhân (VKHN) của Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (ở bang California) nói Triều Tiên nay đã có khả năng ‘bắn tứ tung các mục tiêu ở nước Mỹ, từ Los Angeles cho đến thủ đô Washington”, ngược với trước đây Mỹ lo ngại tầm bắn của nó đến bang Alaska và Hawaii.

Ông cũng nói Mỹ nay phải chấp nhận một thực tại mới là bị phơi trần trước khả năng tên lửa của Bình Nhưỡng, phải chấp nhận Triều Tiên đã có VKHN mà Mỹ không thể tịch thu được.

Vì thế, Mỹ phải đối xử với Triều Tiên theo cách họ đã có VKHN, Mỹ cần chú trọng kéo giảm căng thẳng với Triều Tiên, thay vì o ép nước này.

Ông Lewis nói rõ: viễn cảnh ‘thay đổi chế độ’ ở Bình Nhưỡng-như một số chính khách diều hâu và quan chức quốc phòng Mỹ cổ động-không thể là một giải pháp nữa: “Thay đổi chế độ của Triều Tiên có nghĩa là hôn vĩnh biệt Tháp Trump”.

Tiến sĩ John Nilsson-Wright, nhà nghiên cứu cấp cao ở chương trình Châu Á thuộc Viện Chatham, nói vụ phóng thử ICBM thứ hai của Triều Tiên là chứng cứ nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là ‘không đạt hiệu quả”, và ông Trump bị yếu thế.

Ông Lewis nói: “Khi chúng ta nói đó là sự khiêu khích, nó thật sự có nghĩa chúng ta từ chối chấp nhận chứng cứ bày ra ngay trước mặt chúng ta từ lâu”.

Ông nhấn mạnh vụ phóng thử thứ hai không là sự gia tăng của chương trình vũ khí Triều Tiên, mà là sự tiếp nối lần phóng thử đầu: “Rõ ràng họ muốn chứng tỏ khả năng và chúng ta không biết”.

Tiến sĩ Nilsson - Wright kết luận: “Nó khẳng định Triều Tiên sẽ còn tiếp tục theo đuổi đường lối của họ. Họ đã muốn phát triển VKHN từ những năm 1960, 10 năm sau khi bán đảo Triều Tiên bị chia thành hai miền sau cuộc nội chiến tàn khốc 1950-1953”.

Ông còn nói vụ phóng thử cho thấy các đời chính phủ Mỹ liên tiếp cùng cộng đồng quốc tế đều không thể áp dụng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thành công, và những “phần thưởng” để Bình Nhưỡng ngưng chương trình này đều vô ích:

“Nước này luôn cho thấy họ sẵn sàng vả vào mặt cộng đồng quốc tế”, vị tiến sĩ nói.

Hầu hết các nhà phân tích đều tin mục tiêu hiện nay của Triều Tiên không phải là tấn công Mỹ, nhưng là muốn tìm khả năng này.

Theo Tiến sĩ Nilsson-Wright, Triều Tiên muốn thế vì nhiều lý do, như tăng cường khả năng phòng thủ, giữ vững chế độ và phô trương Triều Tiên vẫn mạnh.

Vậy cộng đồng quốc tế sẽ làm gì? Theo ông Lewis, cơ hội Triều Tiên ngưng chương trình vũ khí thông qua ngoại giao đã trôi qua: “Chúng ta chẳng thể làm gì. Không thể sửa đổi được gì. Đành chấp nhận một thực tế mới mà thôi”.

Tổng thống Trump đã hứa “xử lý” chương trình vũ khí của Triều Tiên, xem đó là mục tiêu đối ngoại hàng đầu.

Các quan chức của ông nói tất cả các giải pháp đều đặt trên bàn, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chiến lược nào.

Sau vụ phóng thử ICBM thứ hai, trung tướng Thomas Vandal, chỉ huy quân bộ binh Mỹ ở Hàn Quốc nói Mỹ “sẵn sàng đánh tối nay, sẽ ngăn chặn sự khiêu khích của Triều Tiên và nếu cần thiết thì bảo vệ Hàn Quốc”.

Nhà Trắng lên án vụ phóng thử là “ẩu và nguy hiểm, nói Mỹ sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ an ninh lãnh thổ Mỹ và bảo vệ các đồng minh khu vực.

Các chuyên gia còn nói Triều Tiên đạt tiến bộ lớn về khả năng thu nhỏ một thiết bị hạt nhân trên một đầu đạn tên lửa, để xử lý quá trình bay từ bầu khí quyển trở lại trái đất.

Chủ tịch Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry (đảng Cộng hòa) nói đây là lý do cần khẩn cấp xử lý mối đe dọa từ Triều Tiên.

Tuần trước, tướng Joe Dunford, Chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ nói Mỹ có các giải pháp quân sự nếu cần thiết, và nhiệm vụ của ông là không cho phép xảy ra một loại VKHN đánh xuống Denver ở bang Colorado.

Vĩnh Thụy (theo Independent)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên thử tên lửa, chuyên gia bình luận: 'Tên lửa ICBM dư sức hủy diệt tháp Trump'