Chính quyền Trump vẫn trừng phạt Trung Quốc vì sai trái ở Biển Đông. Dư luận đang chờ xem phản ứng từ chính quyền Biden sau này.

Trong tuần cuối nhiệm kỳ, Trump đẩy mạnh trừng phạt Trung Quốc vì sai trái ở Biển Đông

Anh Tú | 15/01/2021, 11:28

Chính quyền Trump vẫn trừng phạt Trung Quốc vì sai trái ở Biển Đông. Dư luận đang chờ xem phản ứng từ chính quyền Biden sau này.

Chính quyền Trump trong những ngày cuối nhiệm kỳ đã thực hiện một cú đánh mạnh tay đối với Trung Quốc và các công ty hàng đầu của họ. Vào thứ năm, Nhà Trắng đã áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và công ty vì cáo buộc có hành vi sai trái ở Biển Đông và áp đặt lệnh cấm đầu tư đối với 9 công ty khác.

Các động thái này sẽ càng làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, đối thủ chiến lược của Washington ở châu Á, nhất là trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Joe Biden chờ nhậm chức vào thứ tư. Nhóm chuyển tiếp Biden đã không trả lời phản hồi với báo chí về diễn biến trên.

Các giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước, các quan chức của đảng cầm quyền Trung Quốc và quân đội, cùng với tập đoàn dầu mỏ khổng lồ CNOOC sẽ phải đối mặt với những hạn chế mới vì cáo buộc sử dụng biện pháp áp bức đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Ngoài ra, 9 công ty Trung Quốc đã được Lầu Năm Góc thêm vào danh sách các công ty bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc, gồm cả nhà sản xuất máy bay Comac và nhà sản xuất điện thoại Xiaomi Corp. 

Các công ty này sẽ phải tuân theo lệnh cấm đầu tư mới của Mỹ, buộc các nhà đầu tư Mỹ phải thoái vốn khỏi các công ty trong danh sách đen trước ngày 11.11.2021.

Ngoài Comac và Xiaomi, Lầu Năm Góc còn bổ sung Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc, Luokung Technology Corp, Beijing Zhongguancun Development Investment Center, GOWIN Semiconductor Corp, Grand China Air Co Ltd, Global Tone Communication Technology Co Ltd và China National Aviation Holding Co Ltd vào danh sách.

Đại sứ quán Trung Quốc đã lên tiếng bằng việc đề cập đến các bình luận của Bộ Ngoại giao ngày 7.1 cáo buộc Washington “gắn nhãn chính trị và ý thức hệ vào các vấn đề kinh tế và thương mại và lợi dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty nước ngoài, với lý do an ninh quốc gia”.

Mỹ từ lâu đã phản đối các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, một khu vực giàu tiềm năng tài nguyên và cũng là một tuyến đường thương mại chiến lược. Washington cáo buộc Bắc Kinh đe dọa các quốc gia như Việt Nam và Philippines vốn đã tuyên bố chủ quyền ở đó.

Trung Quốc cáo buộc Washington đang cố gắng gây bất ổn khu vực bằng cách điều tàu chiến và máy bay đến Biển Đông.

“Mỹ sát cánh với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á đang tìm cách bảo vệ các quyền và lợi ích chủ quyền của họ, phù hợp với luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong thông báo về các lệnh trừng phạt.

Pompeo cho biết Washington đang áp đặt các hạn chế về thị thực đối với giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và các quan chức đảng cầm quyền Trung Quốc và hải quân.

Ông cho biết các biện pháp trừng phạt nhằm vào những người “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với việc tác động, xây dựng hoặc quân sự hóa quy mô lớn ở các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, hoặc sử dụng hành vi chèn ép các bên tranh chấp ở Đông Nam Á để ngăn cản khả năng nước khác tiếp cận tài nguyên".

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc CNOOC quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, “với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài quan tâm, trong đó có cả Việt Nam”.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tiếp tục gây áp lực trong những ngày cuối cùng của mình, nhắm vào những gì Washington coi là nỗ lực của Bắc Kinh trong việc sử dụng các tập đoàn viễn thông như một phương tiện để khai thác công nghệ dân sự cho các mục đích quân sự.

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết CNOOC đã hành động như “một kẻ bắt nạt được quân đội bảo kê để đe dọa các nước láng giềng” và quân đội Trung Quốc “tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách hợp nhất dân - quân của chính phủ cho các mục đích tồi”.

Bộ thương mại đã thêm CNOOC vào “Danh sách pháp nhân” yêu cầu các công ty phải được cấp giấy phép đặc biệt trước khi có thể nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao từ các nhà cung cấp của Mỹ.

Công ty hàng không Trung Quốc Skyrizon đã được thêm vào Danh sách quân sự chung quy (MEU) nhờ khả năng phát triển các sản phẩm quân sự bao gồm động cơ máy bay. Công ty này cũng bị hạn chế khả năng tiếp cận hàng xuất khẩu của Mỹ.

Đại diện của các công ty Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trong tuần cuối nhiệm kỳ, Trump đẩy mạnh trừng phạt Trung Quốc vì sai trái ở Biển Đông