Về hình thức xử lý đối với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản, ĐBQH cho rằng đây là quan hệ dân sự. Trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá.

Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: Phải tôn trọng quyền được từ bỏ tài sản của người trúng?

Lam Thanh | 28/11/2023, 11:00

Về hình thức xử lý đối với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản, ĐBQH cho rằng đây là quan hệ dân sự. Trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá.

Ngày 28.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá

Về chế tài, hình thức xử lý đối với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng đây là quan hệ dân sự.

"Trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá", ông Thịnh nói và cho rằng chỉ nên điều chỉnh bằng các quan hệ khác, trong trường hợp này, cần điều chỉnh về tiền đặt trước.

Theo ông Thịnh, khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho phép điều chỉnh giá đặt trước. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế.

dau-gia-1.jpeg
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Đại biểu cũng lưu ý, quy định về tiền đặt trước này chỉ nên đặt ra đối với tài sản nhà nước mang ra đấu giá, không nên điều chỉnh đối với các tài sản khác.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) thống nhất về mức tiền đặt trước từ 5-20% đối với tài sản đặc thù, tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị giữ quy định như hiện hành. Đại biểu cho rằng nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá, dù thực tế có một số đối tượng tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc.

dau-gia-5.jpeg
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An)

Từ thực tế trên, đại biểu đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Cần xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) quan tâm đến việc đấu giá tài sản có giá trị lớn, khó định giá hay tài sản dạng "phi vật thể" như: quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng…

Theo ông Khải, việc đấu giá tài sản này rất khác biệt, có nhiều bất cập cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn. Đặc biệt là các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản như đấu giá quyền sử dụng đất...

Đại biểu Khải cho rằng, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang là phổ biến. Trong luật đấu giá tài sản hiện hành, khoản 5 Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá.

“Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp "dựa hoàn toàn" vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc. Hay trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trễ… Đây là vấn đề rất nghiêm trọng đã xảy ra phổ biến, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất”, ông Khải nêu.

dau-gia-2.jpeg
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam)

Theo ông Khải, trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính “vốn thực có” của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngăn chặn thông đồng, “dìm giá” trong đấu giá thế nào?

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị rà soát xem những tài sản phải đấu giá như dự thảo luật đã đầy đủ chưa, có chồng chéo với các luật chuyên ngành không? Có những loại tài sản có thể phát sinh mới trong cuộc sống mà không được ghi vào luật thì được đấu giá hay không?

Về quy định nợ xấu và tài sản đảm bảo của các tổ chức ngân hàng cũng thuộc loại tài sản đấu giá, đại biểu Hòa cho rằng nên có sự cân nhắc, giao cho tổ chức hoặc cá nhân muốn có sở hữu bán hoặc thỏa thuận cho chủ sở hữu và nhà đầu tư vì loại tài sản này đưa ra đấu giá rất khó có người tham gia đấu giá, làm mất thời gian và tốn kém.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân góp ý về trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản quy định tại khoản 2a Điều 38 của luật này nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc.

Như vậy, theo bà Ngân, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá (15 ngày trước ngày đấu giá) cho đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước (1 ngày trước ngày đấu giá) là một khoảng thời gian tương đối dài. Quy định này có thể dẫn đến việc người tham gia đấu giá thông đồng, thỏa thuận với nhau.

dau-gia-3-ngan.jpeg
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân phát biểu

“Khi nộp hồ sơ thì có thể rất đông người nộp hồ sơ, “tạo cơn sốt thị trường ảo”. Tuy nhiên khi nộp tiền đặt trước thì lại chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản gây nên tình trạng hồ sơ “ảo” khó kiểm soát, “dìm giá” (trong đó có thể có những trường hợp mặc dù đủ điều kiện nhưng họ sẽ không nộp tiền đặt trước)”, bà Ngân nêu.

Đặc biệt, bà Ngân cho rằng việc quy định nộp tiền đặt trước chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc là thời gian quá sát, gấp. Điều này sẽ gây khó khăn cho tổ chức đấu giá cũng như đơn vị có tài sản và các đơn vị liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ cho cuộc đấu giá đối với tài sản đông người đăng ký tham gia đấu giá.

Để thống nhất trong quy định, thuận lợi và dễ áp dụng trên thực tiễn, tránh việc mỗi trường hợp, mỗi loại tài sản lại quy định khác nhau, gây khó hiểu và khó áp dụng, đồng thời để hạn chế việc thông đồng, tình trạng “hồ sơ ảo”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu, không chia quá nhiều trường hợp như dự thảo.

Theo đó, cần quy định theo hướng: Tất cả các trường hợp đấu giá, không phụ thuộc loại tài sản, cứ nộp hồ sơ là nộp tiền đặt trước. Trường hợp khi thẩm định, xét duyệt không đủ điều kiện thì sẽ được trả lại tiền đặt trước. Thời hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước quy định khoảng thời gian hợp lý, thống nhất với nhau. Thông báo cả người đủ và người không đủ điều kiện tham gia đấu giá, lý do không đủ điều kiện để những người đã nộp hồ sơ tham gia đấu giá đều nắm được, đảm bảo công khai, khách quan.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: Phải tôn trọng quyền được từ bỏ tài sản của người trúng?