Quan hệ Trung Quốc – Lithuania trở nên căng thẳng không chỉ gói gọn ở phạm vi hai quốc gia mà còn có thể mở rộng thành căng thẳng giữa các khối quốc gia.

Trung Quốc đánh tiếng rủ Nga đối phó với tiền đồn của NATO ở Baltic

Anh Tú | 14/08/2021, 13:10

Quan hệ Trung Quốc – Lithuania trở nên căng thẳng không chỉ gói gọn ở phạm vi hai quốc gia mà còn có thể mở rộng thành căng thẳng giữa các khối quốc gia.

Trung Quốc tức giận với Lithuania

Trong một bài xã luận hôm 11.4, Thời báo Hoàn cầu, phụ san của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã mô tả quyết định của chính phủ Lithuaniakhi cho phép mở “Văn phòng Đại diện Đài Loan” - mang tên hòn đảo thay vì Đài Bắc như thông lệ là "hành vi cực kỳ liều lĩnh sẽ làm lung lay quan hệ Trung Quốc - Lithuania".

Vào năm 1991, sau khi tách khỏi Liên Xô, Lithuania thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc và cho biết việc để Đài Loan thành lập văn phòng không chính thức phù hợp với chính sách "một Trung Quốc". Liên minh Châu Âu và Mỹ tán thành lập trường này nhưng Trung Quốc không nghĩ vậy.

Trung Quốc ngày 10.8 yêu cầu Lithuania triệu hồi đại sứ tại Bắc Kinh, đồng thời cho biết sẽ triệu hồi đại sứ của họ tại Vilnius vì quốc gia châu Âu này cho Đài Loan mở văn phòng đại diện ngoại giao, động thái Bắc Kinh coi là vi phạm chính sách “một Trung Quốc”.

Sau đó, Lithuania đáp lễ bằng việc tuyên bố sẽ triệu hồi đại sứ ở Bắc Kinh Diana Mickevicien về nước "theo đúng nghi thức, vốn đang gặp trở ngại bởi thực tế bà ấy đang phải cách ly".

Thời báo Hoàn cầu đã gọi Lithuania là "quốc gia nhỏ bé, mất trí", đồng thời mô tả quốc gia Baltic là quốc gia "chống Trung Quốc" và "chống Nga" nhất ở châu Âu. Là thành viên của Liên Xô cũ nhưng Lithuania được coi là một trong những tiền đồn của NATO sát biên giới Nga.

"Trung Quốc phải có các biện pháp đáp trả mạnh mẽ đối với Lithuania. Nếu Lithuania vẫn tiếp tục, Trung Quốc phải chuẩn bị cho sự rạn nứt trong quan hệ", Hoàn cầu thời báo cảnh cáo.

Đồng thời, Hoàn cầu thời báo đề xuất sử dụng mối quan hệ của Trung Quốc với Nga như một công cụ chống lại Vilnius. "Trung Quốc nên chung tay với Nga và Belarus, hai quốc gia có biên giới với Lithuania, và trừng phạt nước này."

"Trung Quốc và Nga nên tận dụng cơ hội thích hợp để tấn công một quốc gia đã mất trí. Đây phải là nội dung và hướng dẫn mới cho hợp tác chiến lược Trung-Nga", bài báo cho biết, mà không nói rõ về cách thức thực hiện. Không có dấu hiệu nào cho thấy lời kêu gọi của tờ báo khiến Nga chú ý.

Mỹ ủng hộ cho Lithuania

Tại một cuộc họp báo thường kỳ, hôm 10.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã vạch ra sự khác biệt giữa chính sách "một Trung Quốc" của mỗi nước Ông nói: "Chúng tôi ủng hộ các đối tác châu Âu và các đồng minh của chúng tôi khi họ phát triển các mối quan hệ cùng có lợi với Đài Loan và chống lại hành vi ép buộc".

Ông nói thêm: "Mỗi quốc gia có thể xác định các lằn ranh của chính sách 'một Trung Quốc' của riêng mình mà không có sự ép buộc từ bên ngoài. Chúng tôi đã làm được điều đó".

Nga có kế hoạch tổ chức 2 cuộc tập trận liên tiếp với hàng nghìn binh lính tham gia cùng Trung Quốc và Belarus dọc biên giới phía đông và phía tây, giữa bối cảnh căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng.

Cuộc tập trận đầu tiên mang tên Zapad-Interaction, hay West-Interaction 2021 dự kiến bắt đầu ngày 9.8 tại Căn cứ Huấn luyện Tác chiến chung Thanh Đồng Hạp ở khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc. Cuộc tập trận chung này đã được quân đội Nga và Trung Quốc thông báo vào tuần trước với quy mô khoảng 10.000 binh lính cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị từ hai bên.

Hiện nay, Moscow và Bắc Kinh trở nên thân thiết hơn bao giờ hết và đang chủ động thể hiện sự đoàn kết đó khi hai bên cùng nhau giải quyết những vấn đề quốc tế chung, trong đó có mối đe dọa từ sự bất ổn ở Afghanistan, hiện có thể lan ra Trung Á khi những binh lính Mỹ cuối cùng rời đi vào cuối tháng này.

Cũng trong tháng 9, Nga có những kế hoạch cho cuộc tập trận lớn cách Đông Âu hàng nghìn km.

Bắt đầu từ 10.9, một cuộc tập trận khác mang tên Zapad sẽ diễn ra ở Belarus. Các cuộc diễn tập dự kiến sẽ có khoảng 12.800 binh lính tham gia, chủ yếu đến từ Belarus và khoảng 2.500 binh lính Nga thuộc Quân khu phía Tây, cùng với 50 binh lính của Kazakhstan đóng góp vào Lực lượng Phản ứng nhanh Tập thể thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một liên minh gồm 3 quốc gia trên cùng với Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
23 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đánh tiếng rủ Nga đối phó với tiền đồn của NATO ở Baltic