Tình trạng lũ lụt cùng hạn hán cực đoan sẽ trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn đe dọa sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).

Biến đổi khí hậu đe dọa tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc

Cẩm Bình | 13/08/2021, 12:28

Tình trạng lũ lụt cùng hạn hán cực đoan sẽ trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn đe dọa sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).

Báo cáo công bố đầu tuần qua lưu ý rằng biến đổi khí hậu làm gia tăng chu kỳ nước - vòng lưu chuyển liên tục của nước trong Trái đất và bầu khí quyển dưới dạng mưa, tuyết, mây. Giáo sư Vương Văn thuộc Đại học Hà Hải (TP.Nam Kinh) là người tham gia soạn thảo báo cáo phát biểu: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt cùng hạn hán cực đoan là mối đe dọa tồi tệ nhất đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc”.

Ông Vương nhắc nhở để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, các ngành công nghiệp, trung tâm dân cư trước thời tiết cực đoan thì giới chức trách cần xây dựng hệ thống trữ nước, cung cấp và thoát nước tốt hơn nhằm nâng cao khả năng phục hồi khi bị lũ lụt hay hạn hán. Hệ thống cảnh báo sớm, giám sát và dự báo khí tượng thủy văn cũng quan trọng không kém.

china00.png
Thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc) hứng chịu một cơn bão vào ngày 25.7 - Ảnh: SCMP

Theo báo cáo, nhiệt độ toàn cầu cứ tăng 1 độ C thì cường độ các hiện tượng giáng thủy cực đoan (mưa, sương, tuyết rơi) hằng ngày tăng 7%. Hoạt động của con người đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu thêm 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, có thể tới 1,5 độ C vào khoảng năm 2040.

Nếu thế giới không đẩy mạnh nỗ lực hay thực hiện chính sách loại bỏ khí thải, thì nhiệt độ Trái đất có nguy cơ tăng thêm từ 2,7 - 4,4 độ C vào năm 2100 (theo dự báo tích cực nhất).

Cô Yuehai sống tại thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam hiểu rất rõ ảnh hưởng của mưa lớn. Khu dân cư cô sống ngập trong nước vì trận lũ lịch sử.

“Gia đình tôi thuộc số may mắn còn có điện và nước sạch. Ở một số nhà nằm vị trí thấp hơn, điện bị cắt và nước ngập tầng hầm. Một người bạn của tôi phải leo cầu thang mỗi ngày để lấy nước sạch”, Yuehai kể lại.

Trận lũ càn quét ở Hà Nam đã cướp đi sinh mạng 302 người, khiến gần 1 triệu người phải di dời, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp lên đến hơn 20 tỉ USD. Ngành công nghiệp tỉnh Hà Nam hứng chịu một đòn nặng nề: khoảng 2,6 triệu mẫu đất trồng trọt bị ngập lụt, trong đó gần 1 triệu mẫu mất mùa hoàn toàn, hàng triệu gia súc và gia cầm bị chết.

china02.jpg
Ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam thiệt hại nặng do thiên tai - Ảnh: SCMP

Ngoài lũ lụt cùng hạn hán, Trung Quốc còn phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt vùng duyên hải do nước biển dâng cao và bão gia tăng.

Với tình trạng phát thải hiện tại, ước tính dễ chịu nhất là mực nước biển toàn cầu dâng thêm 60cm vào năm 2100.

Nhà khoa học Tamsin Edwards thuộc Đại học King (London, Anh), một trong số các tác giả soạn thảo báo cáo IPCC cho biết: “Mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao ngay cả khi chúng ta hạn chế và giảm lượng khí thải một cách mạnh mẽ, dự kiến tăng 10 - 25cm so với hiện tại vào năm 2050. Như vậy lũ lụt duyên hải vốn thường xảy ra 1 lần mỗi thế kỷ có thể trở thành thiên tai xảy ra hằng năm”.

Dự báo mực nước biển dâng thêm 60cm có thể giảm 1/3 nếu khí thải nhà kính toàn cầu ở mức thấp nhất trong 5 kịch bản dự báo, là giới hạn nhiệt độ toàn cầu chỉ ấm lên 1,5 độ C.

“Nhưng nếu chúng ta có lượng khí thải rất cao, đặc biệt nếu mất đi nhiều băng hơn thì mực nước biển dâng trong thập niên này có thể lên đến 1 - 2 mét”, ông Edwards nhắc nhở.

Bài liên quan
Biến mỗi ngôi nhà là một bể chứa carbon để chống biến đổi khí hậu
Việc xây dựng thường được cho là một phần gây ra biến đổi khí hậu mà chủ yếu đến từ việc khai thác vật liệu xây dựng. Nhưng chúng ta có thể biến vật liệu xây dựng từ kẻ thù thành đồng minh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến đổi khí hậu đe dọa tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc