Năm nay có thể nói là một năm thảm họa tại Trung Quốc, một vụ sập hầm mỏ vừa xảy ra làm 29 công nhân bị mắc kẹt, chưa đầy một tuần sau vụ thảm họa lở đất chôn vùi 33 tòa nhà tại Thâm Quyến hôm 20.12.
Lực lượng cứu hộ Trung Quốc cho biết tính đến sáng 26.12, 11 công nhân trong số 29 người bị mắc kẹt trong một vụ sập hầm mỏ thạch cao tại miền đông nước này, đã được giải cứu.
Vụ sập hầm mỏ đã xảy ra vào sáng 25.12 tại huyện Bình Ấp, tỉnh Sơn Đông khiến 29 công nhân bị mắc kẹt dưới hầm.
10 công nhân đã được giải cứu trong ngày 25.12, một người khác được giải cứu vào sáng 26.12. Đội cứu hộ đã xác định được vị trí mà 18 công nhân vẫn bị mắc kẹt tại 2 điểm khác nhau trong hầm.
Tuy nhiên, công tác cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn do cấu trúc đường hầm tiếp tục biến dạng và đất đá rơi xuống. Nguyên nhân của vụ sập hầm đang được điều tra.
Theo Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc, vụ sập hầm mỏ này đã gây ra rung chấn có cường độ tương đương trận động đất mạnh 4 độ Richter tại huyện Bình Ấp, ảnh hưởng tới dịch vụ đường sắt ở địa phương.
18 chuyến tàu hỏa phải ngừng và hoãn hoạt động vào sáng 25.12. Mọi dịch vụ đường sắt đã được nối lại hoạt động vào chiều cùng ngày.
Thạch cao là một loại khoáng sản mềm được sử dụng nhiều trong ngành xây dựng. Vụ sập hầm mỏ này diễn ra chỉ 6 ngày sau vụ lở đất kinh hoàng tại Thâm Quyến, khiến 75 người đến nay vẫn còn mất tích và được xem như tử vong.
Trước đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã tuyên bố rằng vụ lở đất ở Thâm Quyến không phải là một vụ thảm họa tự nhiên, mà là một tai họa do con người gây ra do không làm chủ độ an toàn công trình.
Sập hầm mỏ là một nguyên nhân gây tử vong lớn tại Trung Quốc, dù số người chết do những vụ sập hầm mỏ đã được giảm thiểu trong những năm qua. Năm 2014 có tới 931 công nhân bị chết trong các vụ sập hầm mỏ tại Trung Quốc, con số đã giảm rất nhiều nếu so với gần 7.000 công nhân thiệt mạng hồi năm 2002.
Thiên Hà (theo AP)