Trang tin 81.cn của quân đội Trung Quốc ngày 26.6 đưa tin một đội tàu chiến nước này tập trận trong hơn một tuần nay tại vùng biển gần Đài Loan. Thông tin được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bắt đầu chuyến công du Bắc Kinh 3 ngày của mình.
Kể từ ngày 17.6, đội tàu gồm tàu hộ vệ tên lửa Type 054A và tàu khu trục Type 052C đã tiến hành nhiều bài tập tại eo biển Ba Sĩ, eo biển Đài Loan, trang 81.cn cho biết. Hiện vẫn chưa rõ cuộc tập trận đã kết thúc hay chưa.
Cũng theo 81.cn: “Cuộc tập trận này giúp kiểm tra khả năng quân sự lẫn huấn luyện của tàu chiến, cũng như của các lực lượng không quân, bảo vệ bờ biển, thông qua việc tổ chức huấn luyện chiến đấu thực trên nhiều vùng biển”.
Phía cơ quan quốc phòng Đài Loan tuyên bố theo dõi chặt chẽ đội tàu tập trận của Bắc Kinh, và hiện chưa phát hiện có dấu hiệu bất thường gì.
Thông tin tập trận được công bố đúng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sang thăm Trung Quốc với mục đích cải thiện đối thoại an ninh song phương, trong lúc hai nước đang “hục hặc” nhiều vấn đề, từ chuyện Mỹ thúc đẩy quan hệ với Đài Loan đến căng thẳng thương mại, phi hạt nhân hóa CHDCND Triều Tiên, tranh chấp Biển Đông.
Chính quyền Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thế tách rời và nóisẽ có ngày thống nhất. Tuy nhiên, phía chính quyền Đài Bắc kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm lãnh đạo đã từ chối thừa nhận “nguyên tắc một Trung Quốc”, cứ theo đuổi chính sách đòi độc lập. Quan hệ hai bờ vì vậy mà trở nên căng thẳng.
Trong khi đó, tuy đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng chính quyền Washington gần đây có nhiều động thái thắt chặt quan hệ trên nhiều lĩnh vực khác với Đài Loan như ban hành đạo luật đi lại cho phép quan chức mọi cấp của Mỹ và Đài Loan tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau, đồng ý cấp giấy phép tiếp thị (marketing license) để các công ty Mỹ có thể cung cấp thiết bị hay công nghệ nhạy cảm cho chương trình tự phát triển tàu ngầm của chính quyền Đài Bắc, cử quan chức ngoại giao cấp cao đến dự lễ khánh thành trụ sở mới của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT), tổ chức phi chính phủ được thành lập dưới sự bảo trợ của Washington. Những động thái trên đều nhận phải phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Còn trong vấn đề Biển Đông, Mỹ thời gian qua đã có nhiều hành động lẫn phát ngôn cứng rắn nhằm phản đối hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc. Lầu Năm Góc cuối tháng 5 đã rút lại lời mời cường quốc châu Á tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La đầu tháng 6, Bộ trưởng Mattis khẳng định mặc dù sẵn sàng làm việc để có quan hệ đem lại kết quả tốt với Trung Quốc, nhưng Washington phản đối chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông và sẽ “quyết liệt” nếu cần thiết. Lời phản đối có thể sẽ được ông nhắc lại trong chuyến thăm đang diễn ra.
Đặc biệt, trong ngày 26.6, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã có mặt tại vịnh Manila sau khi tuần tra trên Biển Đông. Thiếu tướng Marc Dalton, chỉ huy tàucho biết: “Những quốc gia lo ngại về cam kết của Mỹ với khu vực có thể xem sự hiện hiện thường trực của Ronald Reagan như là lời đảm bảo. Hải quân của chúng tôi đã hoạt động trên Thái Bình Dương trong bảy thập niên. Đây là sứ mệnh kéo dài và sẽ không thay đổi”.
Cẩm Bình (theo Channel News Asia)