Dân mình rất hào phóng khi có niềm tin dù nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Nếu có thời cơ để được đóng góp cho màu cờ sắc áo đầy vinh quang của dân tộc Việt, họ luôn sẵn sàng.

Từ số tiền ủng hộ đội U.23, nghĩ về nguồn lực trong xã hội

29/01/2018, 07:20

Dân mình rất hào phóng khi có niềm tin dù nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Nếu có thời cơ để được đóng góp cho màu cờ sắc áo đầy vinh quang của dân tộc Việt, họ luôn sẵn sàng.

Người dân nồng nhiệt ủng hộ đội U.23 Việt Nam - Ảnh: Tiểu Vũ

Lan man chuyện bóng đá lúc này quả là điều khó kiềm chế đối với cá nhân tôi bởi những cảm xúc trào dâng không thể tả nổi. Điều mà tôi suy nghĩ và muốn đề cập trong bài viết này là nhân chuyện bóng đá vừa gặt hái thành công bước đầu sau khi một số doanh nghiệp tư nhân chúng ta đầu tư đào tạo bóng đá trẻ căn cơ, nay đã được thu về trái ngọt. Từ đó cho thấy nguồn lực trong xã hội của chúng ta rất lớn. Phải chăng chúng ta chưa có cách khai thác hiệu quả mà thôi. Đương nhiên, để mọi người tin vào nhà nước, chấp nhận đem nguồn lực nói trên cho nhà nước vay (thậm chí tài trợ cho lĩnh vực bóng đá khi thấy tiềm năng, hay là vui vẻ ủng hộ rất hào phóng về vật chất cho đội U.23 Việt Nam như mấy ngày qua) là cả một vấn đề từng không hề dễ và rồi lại đến lúc rất dễ...

Muốn làm được, huy động được nguồn lực này trong dân, chúng ta phải tạo cho người dân có một niềm tin như họ vừa có niềm tin vào đội U.23. Cần giúp họ có niềm tin vào những đồng tiền họ bỏ ra đầu tư trong kinh tế thì không được phép để rơi vãi khiểu như chúng ta từng để xảy ra dạng như gần chục công trình của Bộ Công Thương làm xong (hoặc chưa làm xong, bị đội vốn ) khiến các công trình đã phải đắp chiếu.

Việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí đồng vốn (dù là vốn ngân sách hay vốn vay thì cũng vậy) cũng không ở riêng một bộ ngành, tỉnh thành nào những năm qua đã khiến cho kinh tế đất nước đã khó lại khó thêm bội phần. Nợ công đã tăng chạm trần nếu không nói đã đến mức báo động khi được biết cũng có cách tính trên thế giới hiện nay thì chúng ta đã vượt ngưỡng.

Dù năm vừa qua, kinh tế nước nhà đã có nhiều khởi sắc, thậm chí rất bất ngờ, khó khăn là vậy nhưng nhiều chỉ số tăng trưởng rất tích cực, trong đó có dự trữ ngoại hối đã tăng lên đến 56 tỉ USD. Đó là chuyện chưa khi nào có được nguồn ngoại tệ dự trữ cao như vậy. Song không phải vì thế mà không cần huy động vốn nhàn rỗi trong dân bởi nguồn vốn này vẫn rất lớn.

Tôi vừa được nghe Giáo sư-tiến sĩ Phan Đăng Tuất,nguyên Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương cho biết, theo điều tra gần đây thì vốn trong dân Việt Nam hiện có thể có khoảng 70 tỉ đô la Mỹ. Đây là một con số rất lớn nếu chúng ta vận động thuyết phục được dân mang ra đầu tư. Nếu làm tốt thì không nên huy động vốn nước ngoài khi chúng ta cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước làm ăn tốt dạng như Sabeco (Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn) vừa qua.

Theo ông, với tư cách là người từng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sabeco trước đây, ông cho rằng những thương hiệu uy tín làm ra tiền như vậy cần cân nhắc khi cổ phần hóa, đối tượng tham gia nên là doanh nghiệp trong hay ngoài nước bởi không ai dám chắc, liệu thương hiệu bia Sài Gòn đầy kiêu hãnh trong lĩnh vực đồ uống của chúng ta rồi sẽ còn không khi nó đã thuộc nhà đầu tư ngoài nước?

Giáo sư tiến sĩ Phan Đăng Tuất còn ví von rằng với mỗi nước họ cũng có những ngành, lĩnh vực sản xuất được coi như là "quốc nghiệp" cần gìn giữ, tránh vì cái lợi trước mắt mà về lâu dài có khi lại là thua thiệt. Bài học của Hungary, Bulgaria... khi họ cổ phần hóa những doanh nghiệp nổi tiếng sau khi CNXH ở Đông Âu sụp đổ đến nay đã cho thấy rõ điều này khi thương hiệu nổi tiếng của đất nước họ ngày xưa đã không còn nữa .

Một lần ông Tuất trả lời phỏng vấn trên báo Công an Nhân dân rồi ông mách tôi nên tìm đọc nếu muốn viết về những thương hiệu Việt cần gìn giữ, tôi thấy ông rất có lý khi bảo: "Ngay cả một đất nước tự do như Mỹ mà Tổng thống Trump vừa rồi còn cấm bán một công ty công nghệ cho nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia. Cho nên, trở lại điều tôi đã nói ban đầu. Phải ngồi tính lại cho kỹ, có tiêu chí đàng hoàng là ngành nào, quy mô nào, thương hiệu nào, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và các vấn đề xã hội như thế nào, thì ta bán cho nước ngoài, bán sạch; ngành nào, thương hiệu nào ta giữ lại, bán cho trong nước, bám theo tiêu chí của cổ phần hóa mà Chính phủ đã vạch ra. Một đất nước vẫn cần phải có thương hiệu lớn và phải trả lời được câu hỏi quốc nghiệp của mình là gì".

Tôi hiểu cái sâu xa mà ông muốn bày tỏ quan điểm, đó là phải tìm mọi cách huy động vốn trong dân sao đó để họ tin tưởng, họ bỏ ra đầu tư thì đó mới là cốt lõi bền sâu và mới có thể giữ được thương hiệu truyền thống của nước mình, nếu không sẽ rất dễ mất và không lấy gì đảm bảo họ giữ lại cho ta. Nếu để các nước thâm nhập được vào các "quốc nghiệp" Việt Nam theo cách nhìn của ông Tuất, e rằng trước mắt thì cũng được ở góc độ tài chính (kiểu như ta bán cổ phần Sabeco cho một tỷ phú Thái Lan để họ chiếm giữ 53% vốn chủ sở hữu Sabeco) chắc gì gần nửa triệu người lao động đang sống từ bia Sài gòn nhiều thập niên nay liệu có thể bền vững mãi không một khi họ có quyền thay người với giá nhân công rẻ hơn nữa thì sao?

Vốn trong dân đúng là cực lớn, trong khi Chính phủ ta thì phải đi vay, nhiều khi vì vay của nước người ta cho nên cũng bị lệ thuộc về đối tác buộc là của họ. Vì thế, gần như chúng ta phải chịu chỉ định thầu rất thiệt thòi. Giá như chúng ta tranh thủ nhân sự kiện bóng đá trẻ thành công vang dội những ngày qua đã góp phần khích lệ tinh thần dân tộc và tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam. Từ đó sẽ tạo nên một luồng sinh khí mới, với niềm tin sâu sắc của mọi người, không kể là người dân trong nước hay kiều bào ta ở nước ngoài, tất cả cùng vì đất nước Việt Nam phồn vinh, nguyện mang hết tài năng, vật chất sẵn có cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Chúng ta tin rằng Việt Nam trong tương lại không xa sẽ thực sự là một con hổ đích thực của châu Á. Chỉ có những cú hích tương tự như bóng đá Việt Nam mấy ngày qua, tính tự hào dân tộc mới có cơ hội được nhen nhóm và thổi bùng lên mạnh mẽ sang nhiều lĩnh vực khác.

Theo thông tin mà tôi nắm được qua báo chí và cả người am tường vấn đề này thì tổng số tiền và vật chất quy ra tiền mà người hâm mộ đã ủng hộ tập thể đội U.23 Việt Nam cũng như trao tặng riêng cho cá nhân (chẳng hạn như riêng ông HLV người Hàn Quốc, ngoài chiếc ô tô được tặng riêng, ông Park còn được 4 doanh nghiệp tặng nhà (một nhà liền kề ở Đà Nẵng, một căn hộ chung cư ở Long An, một căn hộ ở Hà Đông, Hà Nội với tổng trị giá của 4 thứ đã hơn 5 tỉ đồng). Đến nay, số tiền và vật chất ủng hộ nói chung cho tập thể và riêng vài cá nhân đã lên đến con số khoảng ba chục tỉ đồng. Tôi tin rằng đó vẫn chưa phải là con số kết thúc.

Điều đó gián tiếp nói lên nguồn lực trong dân rất dồi dào và qua đây cho thấy dân mình cũng rất hào phóng khi có niềm tin dù nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Nếu có thời cơ để được đóng góp cho màu cờ sắc áo đầy vinh quang của dân tộc Việt, họ luôn sẵn sàng.

Tinh thần thể thao cũng chính là thứ giúp con người có cùng nguồn cội dân tộc xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn, đoàn kết lại với nhau hơn mà khó có thứ gì làm được. Thể thao cũng là cú hích quan trọng như tôi vừa nói, nó sẽ giúp đất nước có một khát khao mãnh liệt hơn, tự tin hơn để vươn tới những gì tưởng như không thể trở thành có thể, trong đó có tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ số tiền ủng hộ đội U.23, nghĩ về nguồn lực trong xã hội