Một nghiên cứu mới của các nhà côn trùng học Đại học Maryland cho thấy tuổi thọ của các cá thể ong mật được nuôi trong phòng thí nghiệm ngắn hơn một nửa so với những năm 1970.
Sự luân chuyển của đàn ong là một yếu tố được chấp nhận trong ngành kinh doanh nuôi ong, vì đàn ong tự nhiên sẽ già và chết đi. Nhưng trong thập kỷ qua, những người nuôi ong ở Mỹ đã báo cáo một tỷ lệ hao hụt cao, điều này có nghĩa họ phải thay thế nhiều đàn ong hơn để duy trì hoạt động.
Trong nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân của việc này, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, bệnh tật, ký sinh trùng, việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu và dinh dưỡng của đàn ong. Nghiên cứu cho thấy sự suy giảm tổng thể về tuổi thọ của ong mật có khả năng không phụ thuộc vào các yếu tố môi trường, mà yếu tố di truyền có thể là nguyên nhân gây ra việc này. Nghiên cứu được công bố ngày 14.11 trên tạp chí Scientific Reports.
Tiến sĩ Anthony Nearman thuộc Khoa Côn trùng học Đại học Maryland và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi cách ly ong khỏi đời sống bầy đàn ngay trước khi chúng trưởng thành, vì vậy bất cứ điều gì làm giảm tuổi thọ của chúng đều xảy ra trước thời điểm đó”.
“Điều này mang đến ý tưởng về một thành phần di truyền. Nếu giả thuyết này đúng, nó cũng chỉ ra một giải pháp khả thi để cải thiện tuổi thọ đàn ong. Nếu chúng ta phân lập một số yếu tố di truyền thì có thể nhân giống cho những con ong mật sống lâu hơn”, Nearman nói thêm.
Lần đầu tiên Nearman nhận thấy sự suy giảm tuổi thọ của ong mật khi thực hiện một nghiên cứu với Phó giáo sư côn trùng học Dennis van Engelsdorp về các quy trình tiêu chuẩn để nuôi ong trưởng thành trong phòng thí nghiệm. Nhân rộng các nghiên cứu trước đó, các nhà nghiên cứu đã thu thập nhộng ong từ tổ ong mật trong vòng 24 giờ sau khi chúng nhú ra khỏi tế bào sáp mà chúng được nuôi.
Nearman đã bổ sung chế độ ăn nước đường pha với nước lã cho những con ong để bắt chước điều kiện tự nhiên. Ông nhận thấy rằng bất kể chế độ ăn uống nào, tuổi thọ trung bình của ong chỉ bằng một nửa so với những con được nuôi trong thí nghiệm tương tự vào những năm 1970. Điều này thúc đẩy việc xem xét sâu hơn các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã được công bố trong 50 năm qua.
Mặc dù môi trường trong phòng thí nghiệm rất khác với tự nhiên, nhưng hồ sơ lịch sử về ong nuôi trong phòng thí nghiệm cho thấy tuổi thọ của chúng đã giảm hơn một nửa. Các nhà khoa học cũng cho rằng các yếu tố làm giảm tuổi thọ trong môi trường này cũng sẽ xảy ra ở môi trường khác.
Ngoài ra, các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng trong thế giới tự nhiên, tuổi thọ của ong mật ngắn hơn tương ứng với thời gian kiếm ăn ít hơn và sản lượng mật ong thấp hơn mà những người nuôi ong ở Mỹ đã thấy trong những thập kỷ gần đây.
Khi nhóm nghiên cứu mô hình hóa ảnh hưởng của việc giảm tuổi thọ đối với hoạt động nuôi ong, nơi các đàn ong bị mất được thay thế hàng năm, tỷ lệ hao hụt là khoảng 33%. Điều này rất giống với tỷ lệ thất thoát trung bình hàng năm và trong mùa đông là 30% và 40%, được những người nuôi ong báo cáo trong 14 năm qua.
Nearman và Dennis van Engelsdorp lưu ý rằng những con ong được nuôi trong phòng thí nghiệm có thể bị nhiễm vi rút ở mức độ thấp hoặc tiếp xúc với thuốc trừ sâu trong giai đoạn ấu trùng, khi chúng được ấp trong tổ và ong thợ đang cho chúng ăn. Nhưng những con ong đã không biểu hiện các triệu chứng rõ ràng và một thành phần di truyền ảnh hưởng đến tuổi thọ đã được tìm thấy ở các loài côn trùng khác như ruồi giấm.
Các bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu sẽ là so sánh các xu hướng về tuổi thọ của ong mật trên khắp nước Mỹ và ở các quốc gia khác. Nếu họ tìm thấy sự khác biệt về tuổi thọ, họ có thể phân lập và so sánh các yếu tố góp phần tiềm ẩn như di truyền, sử dụng thuốc trừ sâu và sự hiện diện của vi rút trong đàn ong địa phương.