Các quan chức Úc-New Zealand sẽ đạt một thỏa thuận an ninh mới với các đảo quốc láng giềng ở Thái Bình Dương vào tháng 9 tới, khi Trung Quốc ngày càng tăng ảnh hưởng tại khu vực này.

Úc ủng hộ thỏa thuận an ninh Thái Bình Dương, đề phòng Trung Quốc

Trần Trí | 07/07/2018, 20:52

Các quan chức Úc-New Zealand sẽ đạt một thỏa thuận an ninh mới với các đảo quốc láng giềng ở Thái Bình Dương vào tháng 9 tới, khi Trung Quốc ngày càng tăng ảnh hưởng tại khu vực này.

Báo Australian ngày 6.7 cho biết Thỏa thuận an ninh gồm các lĩnh vực phòng thủ, luật và trật tự, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai sẽ được ký tại Diễn đàn 19 quốc đảo Thái Bình Dương vào tháng 9 tới.

Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton nói thỏa thuận mới là sự tiếp nối một thỏa thuận an ninh mà lãnh đạo các nước thuộc Diễn đàn trên đã ký năm 2000. Tuyên bố Biketawa tạo một khung làm việc cho các phản ứng tập thể với các khủng hoảng khu vực, ví dụ lực lượng an ninh đa quốc gia (do Úc dẫn đầu) năm 2003 đã được cử đến Quần đảo Solomon để kết thúc cuộc nổi dậy dân sự. Nhiệm vụ này chỉ kết thúc năm 2017.

Bộ trưởng Dutton nói với một kênh truyền hình Úc: “Đối với chúng ta, điều quan trọng là tiếp tục giữ quan hệ với các nước láng giềng gần. Chúng ta muốn bảo đảm có được các viễn cảnh an ninh, kinh tế, viện trợ và phát triển, và chúng ta đã đạt được một mối quan hệ tốt đẹp tiếp diễn”.

Ông còn nói Trung Quốc đã vươn đến khắp thế giới, gồm vào khu vực Nam Thái Bình Dương, và dù Úc muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, Úc cũng có trách nhiệm làm việc với các láng giềng gần Úc.

Thời gian qua, Trung Quốc trở thành “mạnh thường quân” lớn ở vùng Nam Thái Bình Dương, gồm ở Papua New Guinea, Fiji và Vanuatu.

Tháng trước, Úc nói sẽ thương lượng một thỏa thuận an ninh song phương với Vanuatu, nhiều tuần sau khi Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cảnh báo Trung Quốc chớ nên xây một căn cứ quân sự ở vùng thuộc địa cũ của Anh-Pháp này.

Lúc đó, Thủ tướng Turnbull nói Úc “quan ngại sâu sắc việc lập bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào tại các đảo quốc Thái Bình Dương và ở các nước láng giềng của chúng ta”.

Nữ Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand cũng ủng hộ quan điểm của Úc, nói nước bà phản đối mạnh việc quân sự hóa Thái Bình Dương.

Báo Sydney Morning Herald (Úc) dẫn nhiều nguồn tin tiết lộ tham vọng quân sự của Trung Quốc tại Vanuatu (cách Úc chỉ 2.500 km) sẽ bắt đầu bằng một thỏa thuận, qua đó chính quyền Vanuatu cho phép tàu chiến Trung Quốc thả neo thường xuyên và được cung cấp hậu cần.

Căn cứ quân sự này nếu được chấp thuận, sẽ giúp quân đội Trung Quốc hiện diện thường trực tại nam Thái Bình Dương, và sẽ là sự thách thức cho Mỹ và Úc tại khu vực. Đây cũng sẽ là căn cứ quân sự ở nước ngoài thứ hai của Trung Quốc sau Djibouti.

Hồi tháng 5, Trung Quốc và Vanuatu đều phủ nhận thông tin báo chí, rằng Trung Quốc đã làm việc với đảo quốc nhỏ bé 280.000 dân này, về việc Trung Quốc lập sự hiện diện quân sự thường xuyên ở Nam Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, một báo cáo của Đại học Harvard dự báo khả năng Trung Quốc dàn quân ở đây khá cao, vì Vanuatu đã vay 270 triệu USD (35% GDP) từ Bắc Kinh trong 10 năm qua. Hiện tại, Bắc Kinh chiếm gần một nửa số nợ nước ngoài 440 triệu USD của Vanuatu.

Trung Quốc cũng đầu tư nhiều tại Vanuatu, như việc xây dựng các trụ sở cơ quan công quyền, sân vận động. Đầu năm 2017, Trung Quốc tài trợ 14 xe quân sự cho đảo quốc này.

Trung Quốc cũng đang hỗ trợ xây dựng một bến cảng lớn ở đảo Espiritu Santo, phía bắc Vanuatu và nâng cấp một sân bay quốc tế gần đó.

Bích Ngọc (theo AP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Úc ủng hộ thỏa thuận an ninh Thái Bình Dương, đề phòng Trung Quốc