Nhà ngoại giao Nicholas Burns được đề cử Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, nhận xét Trung Quốc có nhiều điểm yếu mà Mỹ có thể tận dụng.

Ứng viên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc tỏ rõ lập trường cứng rắn

Cẩm Bình | 21/10/2021, 09:26

Nhà ngoại giao Nicholas Burns được đề cử Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, nhận xét Trung Quốc có nhiều điểm yếu mà Mỹ có thể tận dụng.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Nicholas Burns - nhân vật được Tổng thống Joe Biden đề cử giữ chức Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc - thể hiện rõ lập trường cứng rắn với Bắc Kinh trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ ngày 20.10.

Ông nhận xét Trung Quốc có nhiều điểm yếu mà Mỹ có thể tận dụng, trong đó có nhân khẩu học và tâm lý phản đối Trung Quốc trên quy mô toàn cầu về những hành vi mà quốc gia châu Á thực hiện.

“Trung Quốc không phải thế lực thần thánh. Họ sở hữu sức mạnh to lớn nhưng lại rất ít bạn, chẳng có đồng minh thực sự nào”, nhà ngoại giao Burns phát biểu. Ông chỉ ra rằng Mỹ có đến 29 đồng minh cùng hàng loạt đối tác.

Theo nhà ngoại giao Burns: “Chúng ta là một quốc gia mạnh mẽ. Chúng ta nên tự tin vì các giá trị và lợi ích của mình, chúng ta có thể chống lại Trung Quốc. Đồng minh cùng đối tác sẽ giúp đỡ, đem lại sức nặng và động lực thực sự”.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trực tiếp để Mỹ không bước vào cuộc xung đột với Trung Quốc như kẻ mộng du, đồng thời hy vọng 2 nước vẫn hợp tác ở vấn đề biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu, không phổ biến vũ khí hạt nhân.

uburns.jpg
Ông Nicholas Burns - Ảnh: AP

Phiên điều trần kéo dài 2 tiếng đồng hồ cho thấy rõ cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đều mang quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Thượng nghị sĩ 2 đảng đều bày tỏ lo ngại về dấu ấn quân sự, chính trị, kinh tế và thậm chí văn hóa của đối thủ đến từ châu Á.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ Bob Menendez nhắc nhở: “Nếu được thông qua, ông sẽ có một nhiệm vụ to lớn trước mắt. Ông cần hiểu rõ ý định và hành động của Bắc Kinh, đóng vai trò chủ chốt trong điều chỉnh chiến lược chính sách liên quan đến Trung Quốc của chính phủ”.

Nhà ngoại giao Burns đưa ra câu trả lời chi tiết cho mỗi câu hỏi từ phía các thượng nghị sĩ. Ông nói rằng sau những gì Trung Quốc thực hiện trái ngược cam kết giữ vững khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông thì Mỹ không thể tin tưởng Trung Quốc được nữa, đồng thời lưu ý rằng vấn đề Đài Loan vẫn là thách thức trọng tâm.

“Chính phủ cùng Quốc hội Mỹ nên cùng nhau giúp Đài Loan duy trì khả năng tự vệ. Chúng ta có trách nhiệm khiến Đài Loan trở thành điểm khó bẻ gãy, giúp họ tăng cường năng lực phòng thủ trước xung đột bất đối xứng”, theo nhà ngoại giao Burns.

Tuy nhiên, ông khẳng định cách tránh xung đột tốt nhất vẫn là tuân thủ chính sách Đài Loan lâu nay – gồm cả chính sách “một Trung Quốc”.

Về chiến lược đối phó Trung Quốc tổng thể, nhà ngoại giao Burns cho rằng tốt nhất nên hợp tác chặt chẽ với đồng minh cùng đối tác. Bên cạnh Nhật Bản “cứng rắn” và Úc “vững chắc”, châu Âu cũng đang đi đúng hướng trong việc hiểu rõ hơn về những mối đe dọa từ Trung Quốc (đánh cắp sở hữu trí tuệ, bán phá giá, vi phạm nhân quyền,…)

Theo nhà ngoại giao Burns, 15 lệnh trừng phạt và lệnh hành pháp mà Mỹ ban hành nhằm hạn chế ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc là cách tiếp cận hiệu quả, và gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chỉ là “mệnh lệnh đầu tiên”.

Trong bối cảnh đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đều thống nhất quan điểm trong đối phó Trung Quốc, nhà ngoại giao Burns với kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong ngành nhiều khả năng sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu thông qua của Thượng viện Mỹ mà không gặp phải sự phản đối nào.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng viên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc tỏ rõ lập trường cứng rắn