Nhiều doanh nghiệp tham gia Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair) cảm thấy thất vọng vì vắng khách mua, có quá ít đơn đặt hàng.
Canton Fair - hội chợ giao thương lớn nhất Trung Quốc - diễn ra trong 5 ngày từ 15 - 19.10, thu hút nhiều nhà xuất khẩu đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đơn vị tổ chức không công bố tổng doanh số bán hàng cũng như lượng khách nước ngoài đến sự kiện, nhưng không ít doanh nghiệp tham gia than thở họ không tiếp cận được người mua nước ngoài nào, còn khách nội địa không mặn mà đặt hàng. Một số doanh nghiệp sớm dọn dẹp gian hàng rồi rời đi ngay ngày cuối của hội chợ.
Hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch COVID-19 trong năm qua gây thiệt hại không ít cho các nhà sản xuất hàng xuất khẩu Trung Quốc và buộc Canton Fair năm 2020 chuyển sang hình thức trực tuyến. Trước lúc đại dịch ập đến, hội chợ đã phải hứng chịu hệ quả từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
Benlita Chen - giám đốc kinh doanh phụ trách thị trường nước ngoài của công ty điện gia dụng Hải Luân Bảo (Helenbo) - cho biết khách nội địa không thể thay thế khách nước ngoài vốn là người mua chủ yếu của Canton Fair bao lâu nay.
“Cùng một sản phẩm, giá bán lẻ ở thị trường nước ngoài và ở thị trường Trung Quốc trên thực tế không chênh lệch lớn lắm, nhưng thị trường nước ngoài chắc chắn có lời hơn”, theo giám đốc Chen. Bà cũng nói thêm doanh nghiệp Trung Quốc thường cảm thấy dễ làm ăn ở thị trường nước ngoài nhờ được giảm thuế và chi phí dịch vụ hậu mãi thấp hơn. Vì vậy Helenbo bán đến khoảng 80% sản phẩm ra nước ngoài.
Phát sóng trực tuyến Canton Fair qua tài khoản Facebook cùng Youtube, công dân Ai Cập Hady Essam cho biết nhiều người mua ở Trung Quốc rất quan tâm sản phẩm mới cũng như tình hình phát triển của chuỗi cung ứng Trung Quốc, nhưng họ không thể đến hội chợ.
Ge Yun - người làm việc cho một công ty sản phẩm gỗ tại tỉnh Sơn Đông - cho biết ngoài mong chờ đơn hàng mới, ông còn hy vọng thông qua Canton Fair tìm hiểu cảm nghĩ khách hàng về lạm phát và chi phí vận chuyển tăng cao.
“Canton Fair năm nay không hữu ích như chúng tôi mong đợi. Chúng tôi vốn muốn nắm bắt xu hướng đơn hàng cũng như xu hướng xuất khẩu trong tương lai”, ông Ge chia sẻ.
Với doanh nghiệp tham gia Canton Fair, điều họ lo ngại nhất hiện tại là chi phí sản xuất và lạm phát giá khiến lợi nhuận giảm. Theo giám đốc Chen: “Xuất khẩu của công ty chúng tôi dự kiến tương đương năm ngoái, nhưng lợi nhuận giảm khá nhiều do đồng USD mất giá làm tăng chi phí nguyên liệu lẫn kho vận”.
Nhà sản xuất túi xách Vicky Yang đến từ tỉnh Phúc Kiến thì lưu ý đến tình trạng thiếu điện. Chi phí nguyên phụ liệu sản xuất túi xách hiện tại đều tăng.
“Tháng 10 là tháng tăng giá với chuỗi cung ứng rối rắm. Về giá mỗi đơn vị thành phẩm, tôi nghĩ vài tháng tới sẽ xuất hiện làn sóng tăng giá. Chúng tôi không nhận được đơn hàng nào tại Canton Fair năm nay – điều nằm trong dự đoán. Có rất nhiều đơn hàng từ nước ngoài thông qua thương mại điện tử tuy nhiên chúng tôi vẫn thận trọng khi nhận”, bà Yang chia sẻ. Đơn vị này chọn lọc đơn hàng đảm bảo giao được và có tỷ suất biên lợi nhuận cao.