Một loại vắc xin thử nghiệm đã thành công loại bỏ tế bào già cỗi khỏi cơ chể chuột, giúp chúng kéo dài tuổi thọ và đảo ngược một số dấu hiệu của bệnh liên quan đến tuổi tác.

Vắc xin chống lão hóa có hiệu quả ở chuột

Cẩm Bình | 19/12/2021, 06:50

Một loại vắc xin thử nghiệm đã thành công loại bỏ tế bào già cỗi khỏi cơ chể chuột, giúp chúng kéo dài tuổi thọ và đảo ngược một số dấu hiệu của bệnh liên quan đến tuổi tác.

Giáo sư hóa sinh Paul Robbins thuộc Viện sinh học về Trao đổi chất và Lão hóa của Đại học Minnesota cho biết: “Tôi nghĩ dữ liệu thử nghiệm thực sự có tính thuyết phục mạnh mẽ. Tôi cho rằng đây là một bằng chứng về khái niệm tốt”.

Bằng chứng về khái niệm (proof-of-principle) ý chỉ việc triển khai thử nghiệm để chứng minh tính khả thi của một lý thuyết nào đó, xem nó thành công trong thực tế ra sao.

Trên lý thuyết, cách tiếp cận của vắc xin trên sẽ đạt hiệu quả tương tự ở người, nhưng vấn đề nằm ở chỗ liệu vắc xin có an toàn với người hay không. Để làm rõ vấn đề này thì các nhà nghiên cứu cần tiến hành thử nghiệm bổ sung trên động vật khác - trong đó có động vật linh trưởng không phải người. Sau đó, họ cần phải tiếp tục thử nghiệm xác định độ an toàn trên đối tượng là người.

vmice.jpg
Trên lý thuyết, vắc xin chống lão hóa thành công ở chuột có thể đạt hiệu quả tương tự ở người - Ảnh: Live Scicence

Viện nghiên cứu về Lão hóa quốc gia Mỹ (NIA) - đơn vị thực hiện thử nghiệm - cho biết vắc xin nhắm vào những tế bào đã ngừng nhân lên vì bị tổn thương hoặc căng thẳng, nhưng lại không chết đi. Loại tế bào này tích tụ khi chúng ta lớn tuổi vì hệ miễn dịch trở nên kém hiệu quả hơn trong việc loại bỏ chúng.

Tế bào ngừng nhân lên giải phóng nhiều hợp chất gây viêm làm tổn thương tế bào khỏe mạnh lân cận. Có nhiều bằng chứng cho thấy tích tụ tế bào ngừng nhân lên góp phần gây ra một số bệnh liên quan đến tuổi tác như ung thư, Alzheimer hay xơ vữa động mạch.

Trong thập kỷ qua, giới khoa học không ngừng phát triển thuốc có thể loại bỏ tế bào ngừng nhân lên. Một số thuốc đã thành công làm giảm viêm nhiễm, trì hoãn bệnh liên quan đến tuổi tác khởi phát, kéo dài tuổi thọ trên đối tượng thử nghiệm là loài gặm nhấm, vài thuốc đã bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người.

Giáo sư Robbins đánh giá lợi ích của vắc xin loại bỏ tế bào ngừng nhân lên so với thuốc là chúng có thể được tiêm ngay khi con người 50 tuổi, ngăn tích tụ tế bào ngừng nhân lên ngay từ đầu. Với vắc xin, hệ miễn dịch sẽ được huấn luyện để tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ngừng nhân lên ngay lập tức. Trong khi đó thuốc phải dùng đi dùng lại nhiều lần vì tế bào ngừng nhân lên tích tụ trở lại sau mỗi đợt điều trị.

Để phát triển vắc xin, nhóm nghiên cứu NIA nhắm đến protein của tế bào ngừng nhân lên. Tuy nhiên thách thức mà họ phải đối mặt là bất cứ tế bào nào trong cơ thể đều có thể là tế bào ngừng nhân lên, loại tế bào ngừng nhân lên này lại khác với tế bào ngừng nhân lên khác.

Trong cuộc thử nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu chỉ tập trung xử lý một loại: tế bào mô mạch máu đã ngừng nhân lên. Họ phân tích loại protein nào tồn tại nhiều trên tế bào này, nhằm tìm ra protein thích hợp đóng vai trò mục tiêu mà hệ miễn dịch cần nhắm đến.

Protein được chọn mang tên GPNMB - xuất hiện nhiều trong những mẫu tế bào mô mạch máu lấy từ bệnh nhân xơ vữa động mạch. Nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu xem loại bỏ tế bào mang lượng lớn GPNMB có giúp giảm mảng xơ vữa hay không, nên họ tiến hành thử nghiệm vắc xin trên chuột.

Vắc xin thành công thúc đẩy hệ miễn dịch chống lại GPNMB. Tế bào mang GPNMB trong chuột tiêm vắc xin giảm đáng kể so với chuột tiêm giả dược và dấu hiệu lão hóa cũng giảm.

Giáo sư Robbins cảm thấy bất ngờ khi vắc xin không gây ra tác dụng phụ nào. GPNMB rất dễ được tìm thấy trên nhiều loại tế bào khác chứ không chỉ tế bào ngừng nhân lên, đem đến nguy cơ hệ miễn dịch tấn công cả tế bào khỏe mạnh.

Ngoài mục tiêu đưa vắc xin nêu trên vào thử nghiệm trên người, nhóm nghiên cứu còn định điều chế vắc xin xử lý nhiều loại tế bào ngừng nhân lên khác nhau, đòi hỏi phải tìm ra nhiều loại protein bề mặt khác nữa.

Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vắc xin chống lão hóa có hiệu quả ở chuột