Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Omicron đã được báo cáo ở 89 nước và số ca nhiễm biến thể này tăng gấp đôi trong 1,5 đến 3 ngày tại nhiều khu vực có sự lây truyền trong cộng đồng.
Omicron đang lây lan nhanh chóng ở các quốc gia có mức độ miễn dịch trong dân số cao, nhưng chưa rõ liệu điều này do khả năng tránh miễn dịch, lây truyền tăng lên đáng kể hay sự kết hợp của cả hai, WHO cho biết trong một bản cập nhật.
Cơ quan Liên Hợp Quốc đã chỉ định Omicron là biến thể đáng lo ngại vào ngày 26.11, ngay sau khi nó được phát hiện lần đầu tiên ở phía nam châu Phi.
WHO cho biết: “Vẫn còn nhiều dữ liệu hạn chế về mức độ nghiêm trọng lâm sàng của Omicron. Cần có thêm dữ liệu để hiểu hồ sơ mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng của tiêm vắc xin và miễn dịch sẵn có đến độ nghiêm trọng như thế nào.
Vẫn còn hạn chế dữ liệu sẵn có và không có bằng chứng được đánh giá ngang hàng, về hiệu quả của vắc xin với Omicron cho đến nay".
WHO cảnh báo rằng với số mắc COVID-19 tăng nhanh chóng, các bệnh viện có thể bị quá tải ở một số nơi.
"Số ca nhập viện ở Anh, Nam Phi tiếp tục tăng, và số ca COVID-19 tăng nhanh có thể khiến nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe nhanh chóng trở nên quá tải", WHO nhận xét.
Các quốc gia trên thế giới đã đẩy nhanh các chương trình tiêm mũi vắc xin tăng cường để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, khi số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Úc và New York đạt kỷ lục.
Thủ tướng Pháp - Jean Castex hôm 17.12 đã ví sự lây lan của biến thể Omicron ở châu Âu giống như “tia chớp”, đồng thời cho biết thêm đây sẽ là chủng vi rút thống trị ở Pháp từ đầu năm 2022, theo AFP.
Vẫn còn nhiều điều chưa biết về Omicron, nhưng các nhà chức trách lo ngại rằng nó có thể dễ lây truyền hơn biến thể Delta, vốn đã gây áp lực lên các bệnh viện trên toàn cầu.
Jean Castex nói "làn sóng dịch thứ năm đang ở đây với toàn lực" khi công bố những hạn chế mới.
Trong nỗ lực để ngăn chặn tình trạng mắc COVID-19 đang gia tăng, ông Jean Castex cho biết Pháp sẽ cắt giảm thời gian người dân đủ điều kiện để tiêm mũi vắc xin tăng cường xuống còn 4 tháng từ 5 tháng sau liều thứ hai.
Lời kêu gọi người dân tiêm mũi vắc xin tăng cường diễn ra ở các quốc gia khác, bao gồm cả Anh, Mỹ và Úc, khi số ca COVID-19 tăng đột biến.
Thủ tướng Anh - Boris Johnson nói một nửa số người trưởng thành ở Anh hiện đã nhận mũi vắc xin COVID-19 tăng cường, sau khi chương trình này được đẩy nhanh trong tuần này khi đối mặt với Omicron. Tổng cộng 26,3 triệu người từ 18 tuổi trở lên ở Anh đã được nhận mũi vắc xin COVID-19 thứ ba.
Anh đang phải đối mặt với lo ngại ngày càng tăng rằng các ca nhập viện do COVID-19 có thể gây ra các vấn đề lớn cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) vào mùa đông.
Hôm 17.12, Anh đã báo cáo số ca mắc COVID-19 mới kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp, với 93.045 trường hợp, thêm hơn 900 người phải nhập viện và 111 ca tử vong. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh xác nhận thêm 3.201 ca nhiễm Omicron, nâng tổng số lên 14.909.
Các quốc gia khác cũng chứng kiến số ca COVID-19 tăng lên mức kỷ lục.
Tại Mỹ, bang New York hôm 17.12 ghi nhận 21.000 ca COVID-19 mới, cao nhất kể từ khi xét nghiệm được phổ biến rộng rãi.
“Điều này đang thay đổi quá nhanh. Các con số đang tăng lên theo cấp số nhân từng ngày”, Thống đốc New York - Kathy Hochul cho biết trên CNN.
Các quan chức Mỹ tăng cường kêu gọi những người chưa tiêm vắc xin hãy thực hiện việc này, trong khi một tòa án phúc thẩm chuyển sang cho phép Tổng thống Joe Biden quy định tiêm vắc xin cho các công ty tư nhân lớn hơn.
Úc cũng phải đối mặt với tình trạng ca COVID-19 tăng cao. Hôm 18.12, Úc ghi nhận số ca COVID-19 mới cao kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp, với đợt bùng phát dịch ở hai bang đông dân nhất.
New South Wales, bang đông dân nhất Úc, thông báo số ca COVID-19 hàng ngày cao nhất từ trước đến nay. Các quan chức y tế địa phương đang xem xét rút ngắn khoảng thời gian chờ tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường xuống còn 4 tháng trong bối cảnh lo ngại Omicron.
Các nhà khoa học đang chạy đua để khám phá thêm về Omicron, cụ thể là khả năng lây truyền của biến thể này như thế nào và liệu nó có gây ra bệnh nặng hay không.
Trong nghiên cứu sơ bộ, các nhà nghiên cứu, do Giáo sư Neil Ferguson tại Đại học Hoàng gia London (Anh) dẫn đầu, đã phát hiện ra vắc xin về cơ bản kém hiệu quả hơn trước Omicron so với Delta và không có bằng chứng nào cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta. Không những thế, nguy cơ tái nhiễm Omicron cao hơn gấp 5,2 lần Delta. Xem chi tiết tại đây.
Pfizer hôm 17.12 đã dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài đến năm 2024 và cho biết phiên bản liều lượng thấp hơn của vắc xin dành cho trẻ em 2 - 4 tuổi tạo ra đáp ứng miễn dịch yếu hơn mong đợi, có thể trì hoãn việc được cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Giám đốc Khoa học của hãng dược Pfizer (Mỹ), Mikael Dolsten, cho biết trong một bài thuyết trình với các nhà đầu tư rằng công ty dự báo một số khu vực sẽ tiếp tục chứng kiến đại dịch COVID-19 trong 1 hoặc 2 năm tới. Các quốc gia khác sẽ chuyển sang xem COVID-19 là bệnh đặc hữu với những số ca thấp, có thể quản lý được trong cùng khoảng thời gian đó.
Theo dự báo của Pfizer, đến năm 2024, COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu trên toàn cầu.