Biến thể Omicron khiến các ca mắc COVID-19 tăng đột biến trên khắp nước Mỹ, một lần nữa gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và gợi nhớ về những ngày đầu bùng phát dịch khi các nhà khoa học chạy đua để tìm hiểu những tác động vẫn chưa được biết đến của loại vi rút SARS-CoV-2.
Những dấu hiệu đáng lo ngại bỗng xuất hiện khắp nơi: Các giải thể thao chuyên nghiệp hủy các trận đấu; các trường đại học cho sinh viên về nhà sớm; Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken rút ngắn chuyến đi tới Đông Nam Á...
Với số người nhiễm Omicron tăng gấp đôi sau mỗi hai ngày, các ca COVID-19 ở Mỹ trung bình mỗi tuần đã tăng hơn 50% từ 30.11 đến 16.12, theo tờ The Washington Post.
Hôm 16.12, Mỹ ghi nhận 146.195 ca mắc COVID-19 với 1.157 người chết trong 24 giờ qua.
Sau cuộc họp báo về biến thể Omicron từ nhóm phản ứng COVID-19 của mình, Tổng thống Biden cảnh báo rằng với những người Mỹ chưa được tiêm vắc xin rằng “chúng ta đang nhìn vào một mùa đông bệnh tật nghiêm trọng và cái chết”.
Ông Biden nói thêm: “Omicron đang ở đây. Nó sẽ bắt đầu lây lan nhanh hơn nhiều vào đầu năm và biện pháp bảo vệ thực sự duy nhất là tiêm vắc xin".
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy nhiều người chỉ gặp các triệu chứng nhẹ do Omicron và mũi vắc xin tăng cường dường như có thể bảo vệ chống lại bệnh nặng. Dù thế nào, điều này cũng gây ra sang chấn cho những người Mỹ đang cố gắng xác định cách sống phù hợp và những biện pháp phòng ngừa cần thực hiện.
Những gì các quan chức y tế biết là Omicron lây nhiễm rất nhanh, giáng đòn tâm lý lên người Mỹ và tạo ra những thách thức với chính sách mới. Sự bùng phát dịch đang được thúc đẩy bởi cả Omicron, biến thể lan truyền với tốc độ đáng kinh ngạc, và cả Delta.
S. Wesley Long, Giám đốc Y tế về vi sinh chẩn đoán tại Bệnh viện Houston Methodist, dự đoán rằng Omicron có thể vượt qua Delta để chiếm 100% số ca COVID-19 trong hệ thống y tế của mình vào tháng 1.2022.
“Tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai trong chúng ta từng nghĩ sẽ thấy bất cứ thứ gì lây truyền nhanh hơn Delta. Giờ đây, chúng ta thấy Omicron thậm chí còn truyền nhiễm hơn”, S. Wesley Long nói.
Các quan chức tin rằng số ca COVID-19 sẽ tiếp tục tăng vọt trong những tuần tới và đặc biệt lo ngại về việc Omicron sẽ xâm chiếm hệ thống y tế, tàn phá các cộng đồng có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp như thế nào.
Một lần nữa Tổng thống Biden hứa sẽ đánh bại Omicron và mở ra cuộc sống bình thường cho người dân mà ông thề sẽ hoàn thành kể từ khi đại dịch xuất hiện gần 2 năm trước. Bất chấp chiến dịch tiêm vắc xin mạnh mẽ của chính quyền Biden, một bộ phận người Mỹ vẫn kiên quyết phản đối chủng ngừa COVID-19 và sự phân cực chính trị gay gắt đã cản trở nỗ lực phục hồi của đất nước.
Tin tức về biến thể Omicron đang khiến nhiều người Mỹ mất phương hướng, khi quy định đeo khẩu trang được thực hiện trở lại ở một số bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, phụ huynh phải đối phó lại với việc đóng cửa trường học và các gia đình đặt câu hỏi liệu họ có thể tụ tập một cách an toàn trong kỳ nghỉ không.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết sẽ không kêu gọi phong tỏa và thông điệp của họ vẫn tập trung vào việc đưa nhiều người Mỹ tiêm vắc xin, nhận mũi tăng cường. Dữ liệu ban đầu cho thấy phác đồ 2 liều vắc xin Pfizer và Moderna, kết hợp với tiêm nhắc lại, cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại Omicron dù vẫn kém hơn so với các biến thể trước đó.
Các quan chức thừa nhận người Mỹ vẫn có thể nhiễm Omicron ngay cả khi tiêm mũi vắc tăng cường nhưng vẫn tin tưởng vắc xin sẽ bảo vệ khỏi nhập viện và tử vong.
Bên ngoài thủ đô Washington, các quan chức bang và địa phương cũng chủ yếu trì hoãn việc tái áp dụng quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội ngay cả khi dịch COVID-19 bùng phát trên cả nước.
Thống đốc Colorado - Jared Polis tuần trước cho biết ông thấy bang của mình không cần thiết phải yêu cầu mọi người đeo khẩu trang vì bây giờ đã có khả năng tiếp cận rộng rãi với vắc xin.
Jared Polis nói: “Chúng tôi coi đó là dấu chấm hết cho trường hợp y tế khẩn cấp" và nói thêm rằng những người mắc COVID-19 "đó gần như hoàn toàn là lỗi của chính họ”.
Ashish Jha, Hiệu trưởng trường y tế công cộng của Đại học Brown, nói các nhà lãnh đạo đang đấu tranh để điều hướng sự phản kháng chính trị và sự mệt mỏi liên quan đến đại dịch.
“Tôi đã nói chuyện với một số thống đốc khác nhau trong tuần trước và rất ít người muốn làm gì nhiều vào thời điểm này, điều mà tôi nghĩ có thể sẽ thực sự tốn kém. Lý do bởi nếu họ không hành động ngay bây giờ, chúng ta có thể gặp thử thách thực sự trong một tháng và khi đó việc đưa vào những thứ này sẽ kém hiệu quả hơn rất nhiều”, Ashish Jha chia sẻ.
Các quan chức y tế lo lắng rằng ngay cả một tỷ lệ nhỏ những người nhiễm Omicron phải nhập viện thì cũng có thể áp đảo hệ thống y tế đang phải đối phó với biến thể Delta và cúm theo mùa.
Lần đầu tiên được phát hiện ở phía nam châu Phi vào 3 tuần trước, Omicron đã xuất hiện ở hơn 80 quốc gia trên thế giới. Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nói hôm 15.12 rằng số ca nhiễm Omicron dường như tăng gấp đôi sau mỗi hai ngày, nhanh hơn đáng kể so với các biến thể trước đó.
Bà Rochelle Walensky cho hay: “Mọi người nên đeo khẩu trang trong nhà nơi công cộng, kể cả đã tiêm vắc xin hoặc chưa tiêc” ở những khu vực có khả năng lây truyền cao. Đây là chỉ định áp dụng cho 90% các quận của Mỹ, ngay cả khi nhiều nhà lãnh đạo địa phương đã bỏ qua hướng dẫn.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông hôm 15.12 đã công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy biến thể Omicron nhân lên nhanh hơn 70 lần so với Delta trong đường thở, điều này có thể giải thích tại sao nó lây truyền nhanh như vậy. Nhiều nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các đột biến của Omicron cho phép nó tránh được khả năng miễn dịch từ tiêm vắc xin và việc khỏi COVID-19 trước đó.
Một số chuyên gia lạc quan rằng Omicron sẽ ít gây ra các trường hợp nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đây, đặc biệt với những người từng khỏi COVID-19 hoặc tiêm vắc xin đầy đủ, nhưng lưu ý dữ liệu vẫn còn sơ bộ.
“Điều thực sự phức tạp là nếu số ca nhiễm Omicron quá nhiều, dù mức độ nghiêm trọng của bệnh giảm nhưng vẫn có nhiều trường hợp cần nhập viện hoặc chăm sóc đặc biệt hơn”, theo Michael Osterholm, người lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về bệnh truyền nhiễm của Đại học Minnesota và từng tư vấn cho nhóm chuyển đổi của ông Biden về vi rút SARS-CoV-2.
Ngay cả một số chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ cũng nói rằng, sau gần 2 năm né tránh vi rút thành công, họ cam chịu nếu nhiễm Omicron.
“Tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ nhiễm Omicron. Tôi đã rất cẩn thận. Đây thậm chí không còn là vấn đề đi thang máy nữa, có nghĩa là mọi người không thể tự bảo vệ mình bằng cách tránh đến gần những người khác ở những nơi như thang máy”, ông Michael Osterholm nói.
Eric Topol, người sáng lập của Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps, dự đoán trong tuần này rằng số ca COVID-19 ở Mỹ có thể sớm tăng lên 1 triệu mỗi ngày, vượt xa mức cao nhất trước đó là khoảng 250.000 ca mỗi ngày vào tháng 1.
Dù vậy, Celine Gounder, nhà dịch tễ học và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, người cố vấn cho nhóm chuyển đổi của ông Biden, nói chính quyền đã quá tập trung vào số lượng ca mắc COVID-19 như dấu hiệu cho tình trạng của đại dịch. Bà nói, nhập viện và tử vong là thước đo tốt hơn.
Khi hàng chục triệu người Mỹ chuẩn bị tập trung cho kỳ nghỉ lễ, các chuyên gia y tế đang khuyến khích họ sử dụng kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 và chống lại các đợt bùng phát dịch.
“Hãy thực hiện những xét nghiệm này, sau đó bạn có thể yên tâm và có một kỳ nghỉ thú vị”, cựu cố vấn Nhà Trắng - Andy Slavitt cho biết trên podcast của mình trong tuần này.
Tuy nhiên, nguồn cung kit xét nghiệm nhanh của Mỹ tụt hậu so với các quốc gia khác. Nhà Trắng đã bị chỉ trích vì tiến hành quá chậm để cung cấp các xét nghiệm rộng rãi hơn.
Một số nước khác cũng đang quay cuồng vì SARS-CoV-2 đang trỗi dậy. Tại Vương quốc Anh, Giám đốc y tế Chris Whitty đã kêu gọi cư dân hạn chế các tương tác xã hội.
“Đừng hòa lẫn vào những người mà bạn không cần phải làm vậy”, Chris Whitty nói tại một cuộc họp báo, đồng thời cảnh báo rằng các kỷ lục về số ca COVID-19 sẽ bị phá vỡ rất nhiều trong những tuần tới do Omicron.
Ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron không loại trừ việc tiêm vắc xin COVID-19 bắt buộc.
Tại Malaysia, Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken đã cắt ngắn chuyến đi của mình hôm 15.12 sau khi một thành viên của đoàn báo chí đi cùng ông có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Tại Mỹ, các buổi biểu diễn Broadway đã đóng cửa, một số trường đại học cho sinh viên về nhà sớm để nghỉ đông, các doanh nghiệp khác đang vật lộn với sự không chắc chắn.
Trong các giải đấu thể thao chuyên nghiệp, sự bùng nổ số ca COVID-19 khiến các vận động viên phải nghỉ thi đấu những ngày gần đây, các quan chức phải điều chỉnh các giao thức và cố gắng tổ chức nhiều trận đấu nhất có thể.
Hơn 100 cầu thủ của Liên đoàn bóng đá Mỹ đã phải nghỉ thi đấu sau kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 hoặc có liên hệ gần gũi với F0. Hiệp hội bóng rổ quốc gia đã lên lịch lại hai trận đấu của Chicago Bulls sau khi 10 cầu thủ đội này dương tính với COVID-19 và nghỉ thi đấu.
Dù có những vụ việc đáng lo như vậy, các quan chức nói rằng dữ liệu cho thấy mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ. Vấn đề vẫn là sự phản đối kịch liệt của nhiều người Mỹ với tiêm vắc xin, khiến các quan chức chính quyền Biden ngày càng bức xúc.
“Chính quyền đã làm tất cả những gì có thể làm được. Hầu hết những cái chết này đều có thể ngăn ngừa được kể từ tháng 4”, quan chức quản lý cấp cao cho biết.
Đến nay Mỹ ghi nhận 51.435.652 ca mắc COVID-19 với 824.520 người chết và 40.406.796 trường hợp khỏi bệnh.