Mở cửa biên giới rất dễ dàng nếu tất cả đều tiêm chủng vào cùng một thời điểm và hiệu quả của các loại vắc xin như nhau. Tuy nhiên tình hình hiện tại không lý tưởng như vậy.
Phát triển vắc xin trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục là thành tựu mang tính bước ngoặt với nền khoa học toàn cầu. Tuy nhiên sự đa dạng về chủng loại lẫn hiệu quả của vắc xin đặt ra thử thách mới cho lực lượng chức năng các nước: làm sao quản lý người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin và người nhập cảnh tiêm vắc xin.
Về ngắn hạn, do chưa thể xác định số vắc xin COVID-19 được phê duyệt đủ sức ngăn dịch bệnh lây lan hay không nên chính sách kiểm soát và cách ly bắt buộc sẽ còn tồn tại thêm một thời gian nữa.
Trước vấn đề quản lý người nhập cảnh thời gian tới, Bộ Y tế Úc cho biết họ vẫn chưa có quyết định chính thức. Người nhập cảnh có thể được yêu cầu tiêm vắc xin hoặc cách lý. Công nhận “chứng chỉ tiêm chủng COVID-19” dạng kỹ thuật số - sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất - cũng là một cách khả dĩ.
Tại Anh, trường hợp đã tiêm chủng sẽ nhận “thẻ hồ sơ” ghi rõ thông tin chi tiết cũng như ngày hẹn tiêm mũi thứ 2, nhưng đây không phải “hộ chiếu vắc xin” như một số người hiểu lầm.
Tiêu chuẩn toàn cầu cho vắc xin
Mở cửa biên giới rất dễ dàng nếu tất cả đều tiêm chủng vào cùng một thời điểm và hiệu quả của các loại vắc xin như nhau. Tuy nhiên tình hình hiện tại không lý tưởng như vậy.
Thông thường chỉ có tiêu chuẩn vắc xin ở cấp quốc gia, trừ trường hợp ngoại lệ như Liên minh châu Âu (EU).
Cơ quan quản lý Dược phẩm Úc (TGA) đánh giá mọi loại vắc xin mà nước này chuẩn bị phân phối. Dựa trên hướng dẫn do Cơ quan Dược phẩm châu Âu ban hành, TGA mong muốn vắc xin càng hiệu quả càng tốt: giảm nguy cơ lây nhiễm hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Giới chức y tế Mỹ, Canada, EU đặt ra mức hiệu quả tối thiểu là 50%, WHO cho rằng nên từ 50 - 70%.
WHO cũng ban hành bộ tài liệu hướng dẫn, đặt mức hiệu quả tối thiểu và mức hiệu quả ưu tiên cho mọi loại vắc xin COVID-19, thời gian miễn dịch tồn tại, dân số mục tiêu.
Pfizer và Moderna đều tuyên bố vắc xin mình phát triển đạt hiệu quả trên 94%, vắc xin của AstraZeneca đạt hiệu quả trung bình 70%.
Nga tuyên bố vắc xin Sputnik V đạt 92%, nhưng giới phân tích tỏ ý nghi ngờ vì đây chỉ là kết quả phân tích 20 trên 16.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn cuối.
Về phía Trung Quốc, chưa đơn vị phát triển vắc xin nào công bố dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối. Vậy mà người dân nước này vẫn lũ lượt đăng ký tiêm chủng.