Theo tạp chí Nature, COVID-19 cùng vắc xin sẽ vẫn là chủ đề khoa học đáng quan tâm hàng đầu trong năm tới.

Vắc xin đặc trị biến thể Omicron và các chủ đề khoa học đáng mong chờ năm 2022

Cẩm Bình | 19/12/2021, 15:50

Theo tạp chí Nature, COVID-19 cùng vắc xin sẽ vẫn là chủ đề khoa học đáng quan tâm hàng đầu trong năm tới.

Khi đại dịch COVID-19 chuẩn bị kéo dài sang năm thứ 3, thách thức trước mắt là phải hiểu rõ hơn về biến thể Omicron cùng những mối đe dọa mà nó gây ra. Một số nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng vắc xin kém hiệu quả hơn trước Omicron, giới khoa học đang chạy đua tìm hiểu về mức độ bệnh trở nặng khi nhiễm biến thể này.

Sang năm 2022, các nhà nghiên cứu cùng cơ quan y tế chắc chắn phải tiếp tục theo dõi sự xuất hiện của nhiều biến thể SARS-CoV-2 mới và tác động lâu dài mà người sống sót sau khi mắc COVID-19 phải chịu đựng.

Trong bối cảnh Omicron gây lo ngại lớn, chiến dịch tiêm mũi vắc xin tăng cường ở các nước giàu khởi động trong năm nay sẽ kéo dài sang 2022. Thế nhưng, hiện còn gần một nửa dân số thế giới chưa được tiêm liều vắc xin nào. Vì vậy, một câu hỏi lớn được đặt ra là những hãng phát triển vắc xin chấp nhận từ bỏ bằng sáng chế hay tìm cách khác giúp giá cả phải chăng hơn với nước thu nhập thấp, để giảm khoảng cách về độ bao phủ vắc xin toàn cầu.

Một vấn đề chưa ngã ngũ nữa là nguồn gốc COVID-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ định nhóm điều tra mới gồm 26 nhà khoa học chuẩn bị triển khai công việc vào năm sau.

nhcovid.jpg
Đại dịch COVID-19 chuẩn bị kéo dài sang năm thứ 3 - Ảnh: DW

Vắc xin đặc trị Omicron và các biến thể SARS-CoV-2 mới

Một số hãng đã sử dụng công nghệ mRNA tiên tiến điều chế vắc xin chống lại vi rút SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi. Trong năm tới, thế giới có thể chào đón vắc xin mRNA đặc trị vài biến thể cụ thể.

Vắc xin dựa trên protein - công nghệ thông thường được sử dụng nhiều thập kỷ qua để chống lại như viêm gan hay zona - vẫn hiệu quả trong đối phó SARS-CoV-2. Loại này rẻ hơn vắc xin mRNA và không cần bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh, nên tiếp tục là lựa chọn tốt cho các quốc gia thu nhập thấp trong thời gian tới.

Không chỉ COVID-19, quá trình phát triển vắc xin chống lại bệnh khác như HIV, sốt rét, Lyme cũng được mong đợi đạt tiến bộ.

nhceb3473d-d6f4-48c3-a621a03fdf03ecb2_source.jpg
Chiến dịch tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường sẽ được triển khai rộng rãi - Ảnh: Reuters

Vật lý lớn

Sau nhiều năm ngừng hoạt động để bảo trì, máy gia tốc hạt lớn (LHC) tại Phòng thí nghiệm Vật lý hạt châu Âu (CRERN) chuẩn bị tái hoạt động vào tháng 6.2022.

LHC là máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các hạt proton (một trong các loại hạt cơ bản) với động năng cực lớn, mục đích chính là phá vỡ giới hạn và mặc định của mô hình chuẩn mà lý thuyết cơ bản hiện nêu ra. Chiếc máy được kỳ vọng là sẽ chứng minh được sự tồn tại của hạt Higgs (hạt phân rã thành vật chất tối), tìm ra liên kết còn thiếu trong mô hình chuẩn, giải thích đặc tính của vài hạt sơ cấp khác.

Đợt bảo trì lớn mới nhất bắt đầu từ 2018, bị trì hoãn 2 năm vì COVID-19. LHC được nâng cấp và mở rộng với các lớp bổ sung cho bộ phận dò, cho phép thu thập nhiều dữ liệu hơn từ 40 triệu vụ va chạm hạt proton xảy ra mỗi giây.

nhuntitled.jpg
Một phần của máy gia tốc hạt lớn (LHC) - Ảnh: Live Science

4 máy dò sóng hấp dẫn (1 ở Ý, 1 ở Nhật, 2 ở Mỹ) sau khi nâng cấp cũng sẽ bắt đầu đợt quan sát mới vào tháng 12.2022. Thiết bị giúp giới thiên văn học quan sát hiện tượng hai hố đen sáp nhập – quá trình này làm sinh ra sóng hấp dẫn (vết gợn không thời gian như Einstein tiên đoán vào năm 1916). Sóng này sẽ lan truyền đi từ nguồn phát với vận tốc ánh sáng trong không gian và tới Trái đất.

Tại Đại học bang Michigan (Mỹ), Cơ sở Thiết bị chùm tia đồng vị hiếm (FRIB) dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2022. Máy gia tốc đa giai đoạn trị giá 730 triệu USD sẽ tổng hợp hàng nghìn đồng vị mới của các nguyên tố đã biết, đồng thời khảo sát cấu trúc hạt nhân lẫn vật lý của sao neutron và vụ nổ siêu tân tinh.

Sứ mệnh Mặt trăng

Một loạt tàu quỹ đạo cùng tàu đổ bộ của các cơ quan vũ trụ quốc gia cũng như công ty tư nhân sắp xuất phát đến Mặt trăng trong năm sau.

Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) triển khai tàu quỹ đạo Artemis I nhằm thử nghiệm hệ thống phóng cải tiến, với mục đích cuối cùng là đưa phi hành gia quay lại Mặt trăng lần nữa. Tàu quỹ đạo CAPSTONE của NASA tiến hành thử nghiệm để chuẩn bị cho Gateway – trạm vũ trụ quay quanh Mặt trăng đầu tiên.

Chandrayaan 3 - sứ mệnh Mặt trăng thứ 3 của Ấn Độ - sẽ thực hiện nỗ lực hạ cánh đầu tiên, mang theo thiết bị thăm dò. Nhật Bản cũng có sứ mệnh tương tự mang tên SLIM. Hàn Quốc sắp có chuyến thám hiểm Mặt trăng đầu tiên, còn Nga đang hướng tới mục tiêu hồi sinh vinh quang của chương trình Mặt trăng Liên Xô với tàu đổ bộ Luna 25.

Về phía tư nhân, công ty ispace (Nhật) chuẩn bị phóng tàu đổ bộ Hakuto-R mang thiết bị thăm dò Rashid Moon của UAE. Hai công ty Mỹ là Astrobotic Technology và Intuitive Machines đều đã sẵn sàng thực hiện sứ mệnh giao thiết bị NASA lên bề mặt Mặt trăng.

Sao Hỏa và các vì sao

Một hành trình vũ trụ hoành tráng khác đáng chú ý vào năm tới là sứ mệnh ExoMars. Đây là sứ mệnh Nga hợp tác với châu Âu, dự kiến đưa thiết bị thăm dò Rosalind Franklin lên sao Hỏa tìm kiếm dấu hiệu sự sống trong quá khứ.

Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung trong năm 2022. Nước này đã lên kế hoạch thực hiện hàng loạt sứ mệnh bằng trạm vũ trụ này, từ quan sát thiên văn, quan sát Trái đất cho đến tìm hiểu ảnh hưởng của vi trọng lực và bức xạ vũ trụ với sự phát triển của vi khuẩn.

Hành động vì khí hậu

Đại diện nhiều quốc gia sẽ tập trung tại Ai Cập dự Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27). Sẽ có thêm cam kết được đưa ra nhằm đạt mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghệ.

Trong thời gian chờ đợi, giới nghiên cứu sẽ giám sát nỗ lực thực hiện cam kết giảm sử dụng than và giảm phát thải khí methan đưa ra ở COP26 năm nay. Lượng phát thải carbon trong năm 2021 lại tăng vọt sau đợt giảm vì đại dịch COVID-19 năm ngoái.

Cứu đa dạng sinh học

Năm 2010, 190 quốc gia thành viên của Công ước về Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc đã cam thực hiện một kế hoạch để hạn chế thiệt hại gây ra cho thế giới tự nhiên vào năm 2020 (Mục tiêu Aichi)

Kế hoạch có 20 mục tiêu từ loại bỏ dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và hạn chế mất môi trường sống đến bảo vệ nguồn hải sản. Đến tháng 9.2020, Liên Hợp Quốc kết luận không mục tiêu nào đạt được.

Cuộc họp giữa các thành viên Công ước về Đa dạng sinh học chuẩn bị diễn ra vào giữa năm tới, nhưng biến thể Omicron có thể khiến sự kiện bị trì hoãn một lần nữa, ảnh hưởng đến loạt kế hoạch phía sau. Mất môi trường sống cùng hàng loạt yếu tố khác liên quan đến hoạt động của con người đã khiến khoảng 1 triệu loài động thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vắc xin đặc trị biến thể Omicron và các chủ đề khoa học đáng mong chờ năm 2022