Cử tri phản ánh còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ, vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng chống dịch để trục lợi... gây bức xúc trong nhân dân.
Tại phiên họp thứ 4 diễn ra vào sáng 11.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15.
Theo dự thảo báo cáo do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày, cử tri và nhân dân đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19.
Cử tri và nhân dân cũng đánh giá cao việc củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; quyết định chi viện lực lượng tuyến đầu cho TP.HCM và các tỉnh phía nam; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng tuyến đầu, các nhà hảo tâm, tình nguyện viên, cán bộ ở cơ sở... ngày đêm bám địa bàn, bám dân, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng hy sinh để phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch chưa có tiền lệ, nguồn lực của đất nước còn hạn chế, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm đã gây tổn thất nặng nề về người và kinh tế, xã hội.
Đến nay, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng nhân dân mong muốn các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động. Qua đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế năm 2021, nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các tổ chức kinh tế trong việc tích cực thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. GDP 9 tháng năm 2021 không đạt kế hoạch; công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm. Cử tri và nhân dân lo lắng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 không đạt, dẫn đến khó đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có chính sách hỗ trợ về thuế, giãn, khoanh nợ ngân hàng, cho vay mới; giảm lãi suất ngân hàng, giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động… để doanh nghiệp có thể vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lượng lớn người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh; một bộ phận người lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt sẽ có hệ lụy về lâu dài… Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều chính sách về cung ứng hàng hóa, chính sách xã hội, việc làm, gói an sinh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...
Tuy nhiên, cử tri phản ánh còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm; việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; một bộ phận nông dân gặp khó khăn nhưng chưa được đưa vào diện hỗ trợ; vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng chống dịch để trục lợi...
Cử tri cũng bày tỏ lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với sức khỏe học sinh bậc tiểu học khi các cháu phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử....
Báo cáo đề nghị sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, kích thích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng; có chính sách hỗ trợ để đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp khi hoạt động trở lại; tiếp tục có giải pháp phù hợp để nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển...
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, báo cáo của của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phản ánh rõ thêm các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề phát sinh trong đại dịch: những cuộc di dân chưa từng có trong lịch sử; chiến dịch chống dịch ở một số địa phương có lúc, có nơi còn lúng túng…