Dù áp lực lạm phát là điều đáng quan tâm và vẫn nhiều biến số khó lường gây áp lực lên lạm phát, song khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra.
Thị trường và chính sách

Vẫn nhiều biến số khó lường gây áp lực lên lạm phát

Lam Thanh 05/07/2024 06:00

Dù áp lực lạm phát là điều đáng quan tâm và vẫn nhiều biến số khó lường gây áp lực lên lạm phát, song khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra.

Nhiều biến số khó lường trong 6 tháng cuối năm

Nền kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi qua 1/2 chặng đường và 6 tháng đầu năm nhìn chung kiểm soát lạm phát khá thành công.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù 6 tháng đầu năm nay lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan do vẫn còn nhiều biến số khó lường gây áp lực lên lạm phát.

ntl-1.jpg
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, khi giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường.

Trong đó, giá lương thực, thực phẩm toàn cầu từ tháng 3 đến nay tăng liên tục sau 7 tháng giảm liên tiếp. Giá dầu Brent trung bình 6 tháng cuối năm dự báo trong khoảng 80 - 90 USD/thùng; giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao cũng ảnh hưởng tới giá cả mặt bằng trong nước.

“Bối cảnh này càng tạo thêm áp lực khiến lạm phát mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn dai dẳng tại nhiều nước và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại”, ông Long nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia lo ngại giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp.

Việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2024, đây cũng là yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá.

Thêm nữa, một số ngân hàng trung ương tại châu Á (như Indonesia, Nhật Bản...) phải điều chỉnh tăng lãi suất để hạn chế biến động dòng vốn và tỷ giá trong ngắn hạn; thiên tai, biến đổi khí hậu... tiếp tục tác động nặng nề tới nhiều khu vực và quốc gia trên toàn cầu, điều đó tác động tới lạm phát.

Trong nước, lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới, và do điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế; thực hiện chính sách cải cách tiền lương, nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách... trong nước tăng. Ngoài ra, tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng… là vấn đề cần quan tâm.

ngl-2.jpg
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Ngược lại, theo ông Long, có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát.

Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục đảm bảo; chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát; dư địa chính sách tài khóa tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất trong nước; với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực.

Khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra

Các định chế tài chính lớn trên thế giới mặc dù cũng đã nhấn mạnh việc áp lực lạm phát sẽ gia tăng cùng với đà phục hồi kinh tế, song các con số dự báo đưa ra vẫn nằm trong khoảng mục tiêu mà Quốc hội đặt ra.

Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo rằng lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên mức 4,5% trong năm 2024 và 2025. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2024 là 4,2 - 4,4%, chủ yếu do giá cả các mặt hàng được Nhà nước quản lý như giáo dục, y tế dự kiến sẽ tăng... Còn Ngân hàng UOB dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 4,3% trong năm nay.

Với những khó khăn, thuận lợi đan xen, Bộ Tài chính dự báo kịch bản CPI bình quân năm 2024 với 3 phương án sẽ tăng trong khoảng 3,64% - 4,5%. Tương tự, Tổng cục Thống kê dự báo, CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,5% (3 kịch bản 3,8%, 4,2% và 4,5%). NHNN Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4,3% ± 0,5%.

ntl-2.jpeg
Khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay khó xảy ra

Theo ông Ngô Trí Long, giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì trong 6 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4% - 4,5%.

Như vậy, hầu hết các tổ chức và chuyên gia đều nhận định, nhiều khả năng lạm phát năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan, lơ là trong điều hành; cần kịp thời thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Với những nhân tố tăng và giảm lạm phát 6 tháng cuối năm 2024, nhận định CPI bình quân năm 2024 sẽ ở mức 4,2 - 4,5%, ngay cả ở mức tăng dự báo này, lạm phát vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát và cho thấy vẫn trong xu hướng giảm khá bền vững trong những năm gần đây.

Rõ ràng, dù áp lực lạm phát là điều đáng quan tâm, song trong bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vẫn nhiều biến số khó lường gây áp lực lên lạm phát