Còn nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo đó VEPR thận trọng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trong khoảng từ 5,5 - 6% trong năm 2024.
Kinh tế - đầu tư - dự án

VEPR dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 khoảng 5,5 - 6%

Tuyết Nhung 17/05/2024 12:00

Còn nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo đó VEPR thận trọng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trong khoảng từ 5,5 - 6% trong năm 2024.

Đó là dự báo mà Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra trong Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2024 ngày 17.5.

Về kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm, báo cáo của VEPR tập trung đánh giá một số điểm nổi bật, nền kinh tế đang chứng kiến sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đáng chú ý, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 8 năm liên tiếp, với kim ngạch xuất khẩu đạt 238,88 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế duy trì xuất siêu 8,4 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm.

anh.jpg
Biểu đồ xuất nhập khẩu thời kỳ 2020-2024

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng đầu năm khá tích cực, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29.4, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 4 tháng đầu năm, bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và trị giá góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, tiếp nối đà tăng trưởng năm 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

"Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu trong 5 năm qua. Từ những số liệu trên có thể thấy, thu hút FDI chính là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế 4 tháng đầu năm, tạo khởi đầu thuận lợi cho năm 2024", báo cáo của VEPR nêu rõ.

Công nghiệp xây dựng cũng có nhiều dấu hiệu cải thiện, khi tăng trưởng 6,28%, đóng góp 41,68% vào mức tăng tổng trị giá tăng thêm của toàn nền kinh tế trong quý 1/2024.

Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng về xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, báo cáo của VEPR cũng chỉ rõ những yếu tố khiến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam năm 2024 chưa thực sự bền vững. Quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2%, tuy nhiên so với quý 4/2023 thì lại trên đà giảm.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đang có xu hướng ít đi.

Báo cáo tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư từng đưa ra con số: Trong tổng số 86.365 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm có tới 60.872 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng năm có quy mô nhỏ, dưới 10 tỉ đồng với 54.511 doanh nghiệp, chiếm 89,6%, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng VEPR nhận định: "Doanh nghiệp càng khó khăn, quy mô vốn càng nhỏ thì các yếu tố vĩ mô khác càng khó đạt được. Tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm qua, từ đó cho thấy cần tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số yếu tố rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô cũng được báo cáo chỉ ra là tỷ giá, giá vàng và bong bóng tài sản có thể tăng áp lực lạm phát trong năm nay".

Về triển vọng tăng trưởng GDP năm 2024, báo cáo của VEPR cho rằng còn nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo đó VEPR thận trọng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trong khoảng từ 5,5 - 6% trong năm 2024.

Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, VEPR khuyến nghị cần thực hiện 5 nhóm giải pháp, gồm: Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; tiếp tục giảm thuế GTGT trong năm 2024; thúc đẩy đa dạng hóa các kênh vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng; nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bài liên quan
Nhiều triển vọng cho tăng trưởng kinh tế 2024
Dù còn nhiều thách thức và rủi ro phải đối mặt, nhưng triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam rất khả quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VEPR dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 khoảng 5,5 - 6%