Đã 3 tháng trôi qua kể từ khi Thượng Hải dỡ phong tỏa chống dịch COVID-19, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn thành phố phục hồi rất chậm chạp.

‘Vết thương’ từ 2 tháng phong tỏa của Thượng Hải vẫn chưa lành

Cẩm Bình | 01/09/2022, 13:34

Đã 3 tháng trôi qua kể từ khi Thượng Hải dỡ phong tỏa chống dịch COVID-19, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn thành phố phục hồi rất chậm chạp.

25 triệu dân Thượng Hải vẫn chưa thể quay lại cuộc sống bình thường dù lệnh hạn chế đi lại toàn thành phố được dỡ bỏ từ ngày 1.6. Đôi lúc, vài khu dân cư lại bị phong tỏa tạm thời khi phát hiện ca mắc mới, khiến việc đi đến một cửa hàng hay trung tâm thương mại lại trở nên khó khăn. Muốn dùng phương tiện giao thông công cộng hay vào địa điểm trong nhà như tòa nhà văn phòng hay nhà hàng phải xét nghiệm nhanh thường xuyên, vài trường hợp vẫn phải cách ly tập trung 14 ngày.

Hậu quả là nhu cầu về mọi thứ: từ ăn uống, xem phim đến du lịch đều thấp hơn nhiều so với mức trước phong tỏa. Vài số liệu cho thấy, Thượng Hải đang mất nhiều thời gian hồi phục hơn Singapore và Hồng Kông.

sh00.jpg
Thượng Hải hồi phục chậm chạp - Ảnh: The New York Times

Doanh thu bán lẻ

Doanh thu bán lẻ tại Thượng Hải tháng 6 giảm 4,3% so với một năm trước, đến tháng 7 chỉ tăng nhẹ 0,3%. Chỉ số này giảm trung bình 35% trong thời gian phong tỏa (tháng 3 đến tháng 5).

Hồng Kông hứng chịu một đợt bùng phát dịch vào đầu năm, nhưng từ cuối tháng 3 bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm bay, giảm số ngày cách ly và cho phép ăn tại chỗ. Doanh thu bán lẻ tăng trở lại ngay tháng 4.

Tại Singapore, nơi vẫn duy trì nhiều hạn chế vào năm ngoái, tăng trưởng doanh thu bán lẻ hầu như không bị đình trệ và còn tăng tốc khi quốc đảo tuyên bố nới lỏng đáng kể từ tháng 3.

Tỷ lệ cửa hàng trống

Tỷ lệ cửa hàng trống trong các trung tâm thương mại Thượng Hải quý 2.2022 lên đến 7% – cao hơn mức báo động là 5%, theo công ty theo dõi thị trường bất động sản China Real Estate Information (CRIC).

Trung tâm thương mại chịu thiệt hại nặng nề nhất là Super Brand Mall ở quận Lục Gia Chủy với tỷ lệ cửa hàng trống ở mức 34%. Địa điểm rộng hơn 250.000 mét vuông này nằm gần tòa tháp văn phòng cao thứ hai thế giới, là một trong số trung tâm thương mại nổi tiếng nhất kể từ khi mở cửa hoạt động từ hơn 2 thập kỷ trước.

sh01.jpg
Tỷ lệ cửa hàng trống vượt mức báo động - Ảnh: Straits Times

Sức mua của người tiêu dùng

Dù người Thượng Hải bắt đầu ra ngoài vui chơi trở lại, nhưng số liệu cho thấy sức mua vẫn còn lâu mới quay lại mức bình thường.

Thực phẩm cùng nhu yếu phẩm vẫn đóng vai trò động lực chính thúc đẩy phục hồi hậu phong tỏa. Công ty tư vấn Mintel qua khảo sát ghi nhận mặt hàng được người tiêu dùng mua nhiều nhất hiện là sản phẩm chăm sóc gia đình như khăn giấy và bột giặt, đồ ăn thức uống gia đình.

Du lịch vẫn suy yếu, khi dịch bùng phát ở nhiều điểm đến được ưa thích như Hải Nam hay Tân Cương khiến người dân ngại đi du lịch. Khảo sát của Mintel cho kết quả chỉ một nửa số người Thượng Hải được hỏi chi tiêu cho du lịch trong tháng 8.

Theo nền tảng đặt phòng trực tuyến Ctrip, số lượng đặt phòng đến Thượng Hải du lịch hè năm nay giảm 70%. Thành phố vốn là điểm đến du lịch hè được ưa thích.

Nhà hàng và khách sạn

Doanh thu của nhà hàng và khách sạn Thượng Hải giảm hơn 60% lúc phong tỏa, đến tháng 6 và tháng 7 vẫn giảm lần lượt 37% và 21%.

Theo nền tảng bán vé các dịch vụ giải trí Maoyan Entertainment, doanh thu rạp chiếu phim Thượng Hải tháng 7 đạt chưa đến một nửa so với năm ngoái, doanh thu tháng 8 trở lại mức tương tự so với một năm trước.

Tổng giám đốc công ty Haisu - chuyên cung cấp bữa ăn cho sân bay, nhà hàng khách sạn - Cao Zhehui cho biết: “Phong tỏa chống dịch tác động lớn đến lĩnh vực nhà hàng. Phục hồi diễn ra chậm chạp”. Tuy vậy ông rất lạc quan về triển vọng dài hạn khi 70% hoạt động kinh doanh của công ty đã khôi phục vào cuối tháng 8.

sh02.jpg
Hoạt động kinh doanh của nhà hàng và khách sạn còn ảm đạm - Ảnh: Reuters

Giao thông

Lưu lượng tàu điện ngầm và số chuyến bay hàng ngày trong tháng 8 của Thượng Hải đều đạt hơn 80% số lượng trong 2 tháng đầu năm nay – dấu hiệu tích cực hiếm hoi cho thấy thành phố đang quay lại cuộc sống bình thường. Hầu hết người dân vẫn đi làm bình thường do doanh nghiệp không mặn mà với phương thức làm việc tại nhà.

Tuy nhiên, số lượng di chuyển bằng tàu điện ngầm tại Thượng Hải vào cuối tháng 8 vẫn giảm gần 30% so với mức trước đại dịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Vết thương’ từ 2 tháng phong tỏa của Thượng Hải vẫn chưa lành