Mặc dù sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh đã tăng trưởng nhanh, song mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới 600 tỉ USD của thị trường này.

Vì sao hàng Việt Nam 'thua' hàng Thái Lan tại thị trường Anh?

Tuyết Nhung | 15/12/2022, 07:14

Mặc dù sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh đã tăng trưởng nhanh, song mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới 600 tỉ USD của thị trường này.

Người Anh ngày càng quan tâm đến hàng Việt

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh - cho biết, mức tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Anh gần đây cũng chỉ đạt được mức của năm 2019, là thời điểm trước dịch COVID-19 chứ không thực sự có sự tăng trưởng nhảy vọt. Tuy nhiên, nếu không có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) thì xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh trong thời gian vừa qua sẽ còn giảm sút hơn mức 2019 rất nhiều.

203004667_1413629742355130_3987445809498065336_n.jpg

Về sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam tại thị trường Vương quốc Anh, con số tăng trưởng tùy theo nhóm hàng, đạt từ 12-19%. Ưu thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước khác cũng hơn hẳn.

Ngoài ra, thương hiệu quốc gia Việt Nam, kinh tế Việt Nam, cùng với thành tích chống dịch và nhanh chóng phục hồi các hoạt động sản xuất tại Việt Nam sau dịch cũng tạo nên một hiệu ứng cộng hưởng rất tốt đối với các doanh nghiệp Anh và đối với người tiêu dùng Anh. Quan hệ của Việt Nam và Anh cũng đang đạt những bước tiến rất đáng kể.

Ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ, nếu như trước đây người Anh, doanh nghiệp Anh ít nghe đến Việt Nam hoặc là ít nghe đến sản phẩm Việt Nam thì ngày nay, họ đều rất hứng thú hỏi chuyện và tìm các cơ hội kinh doanh, nhập hàng hóa của Việt Nam sang Anh để phân phối cho thị trường Anh.

"Từ góc độ của thương vụ có thể nói chưa bao giờ thương hiệu Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam được người Anh quan tâm như hiện nay", ông Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh và cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam không nên chần chừ, không nên quá đắn đo trong việc ưu tiên thúc đẩy sản phẩm của mình sang thị trường Anh mà phải nhanh hơn nữa và mạnh hơn nữa. Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác. Đây là thời điểm rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam và sản phẩm Việt Nam ghi dấu ấn của mình vào trong tâm trí của người tiêu dùng Anh.

Về phía các ngành hàng, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, ngay từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp đã tiếp cận và biết tận dụng được những cơ hội, từ thuận lợi thuế quan từ Hiệp định EVFTA.

"Rất may mắn khi Anh rời khỏi EU, chúng ta đã có ngay được Hiệp định UKVFTA. Đó là một điều rất thuận lợi cho cho doanh nghiệp. May mắn nữa là UKVFTA là sự kế tiếp của Hiệp định EVFTA. Cho nên không có gì bỡ ngỡ đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận và tiếp nối những ưu thế về thuế quan, cũng như là những thuận lợi về các cơ hội, về môi trường kinh doanh và cũng như các cơ hội vừa thay đổi các điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Anh", bà Lê Hằng nhấn mạnh.

Tính đến hết tháng 11.2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Anh đạt 287 triệu USD. Đó là con số lạc quan, vì không bị sụt giảm so với lại cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội, lợi thế xuất khẩu sang thị trường Anh trong bối cảnh lạm phát cao và người tiêu dùng cũng có những hạn chế về tiêu thụ.

"Đáng chú ý, tôm của Việt Nam vẫn đang đứng ở vị trí số một tại thị trường Anh, kể cả trong giai đoạn trước khi có hiệp định cho đến bây giờ và luôn luôn chiếm tỷ trọng là 1/4 thị phần tại thị trường Anh", bà Lê Hằng cho hay.

Cần đổi mới phương pháp tiếp cận khách hàng, thị trường

Mặc dù sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh đã tăng trưởng nhanh, song mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới 600 tỉ USD của thị trường này.

Một trong những nguyên nhân khiến thị phần hàng hóa của Việt Nam chưa chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường Anh, theo các chuyên gia, do tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Anh cao, thường xuyên cập nhật, tư duy đối với môi trường, đối với lao động có sự khác biệt với các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thích ứng, cũng như cần có các biện pháp quyết liệt thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành động của doanh nghiệp để mạnh dạn hơn trong đáp ứng tiêu chuẩn, gia tăng xuất khẩu sang thị trường Anh.

Về chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, nếu như trước đây doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với sản phẩm Trung Quốc và Thái Lan tại thị trường Anh thì bây giờ, nhiều sản phẩm Việt Nam cạnh tranh không hề thua kém sản phẩm Trung Quốc và sản phẩm Thái Lan.

"Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận khách hàng thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đi sau doanh nghiệp Trung Quốc và Thái Lan", ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, cách tốt nhất là học kinh nghiệm của chính họ thôi. Ví dụ như về tiêu chuẩn kỹ thuật, tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm sang Anh đều tự giới thiệu trên trang web của họ là chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn này, sau đó giới thiệu từng sản phẩm cụ thể của họ đã sản xuất cho các công ty của Anh, hay là nhà cung cấp cho các công ty của Anh...

"Đây là phương pháp khá hiệu quả, vì người Anh tương đối thận trọng khi làm ăn với bạn hàng mới, đối tác mới", ông Cường lưu ý.

Trong các nước Đông Nam Á, Thái Lan giữ thị phần nông sản của Anh đứng số một. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam, trong đó có gạo Việt Nam có lợi thế so với Thái Lan đó là Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do mà Thái Lan chưa có. Vì vậy, để cạnh tranh với nông sản Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam.

"Doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế nhiều hiệp định nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không có lợi thế về mặt chiến lược so với các doanh nghiệp Thái Lan. Bởi họ có hệ thống phân phối, hệ thống logistics và hệ thống tài chính tốt hơn là doanh nghiệp Việt Nam. Mình phải học họ để đuổi kịp về năng lực chiến lược, năng lực logistics và hệ thống tài chính, lúc đó nông sản của Việt Nam sẽ càng ngày càng cạnh tranh tốt hơn với nông sản của Thái Lan và chiếm được nhiều thị phần hơn ở thị trường Anh này", ông Cường nhấn mạnh thêm.

Bài liên quan
Mỹ giảm thuế cho Trung Quốc có ảnh hưởng tới hàng Việt Nam?
Mỹ đang phải đối mặt với mức lạm phát cao. Chính phủ nước này đang xem xét dỡ bỏ một số loại thuế quan, trong đó có cá ngừ nhập từ Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao hàng Việt Nam 'thua' hàng Thái Lan tại thị trường Anh?