Xuất siêu luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam nhiều năm qua. Qua từng năm, mức xuất siêu lại có sự gia tăng đáng kể.
Bộ Công Thương vừa cho biết tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra.
Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 202,4 tỉ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, nhập khẩu được kiểm soát với tốc độ tăng bình quân kim ngạch nhập khẩu thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu có tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn 2015-2019 ở mức 11,2%/năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn này thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu (13%).
Theo đó, cán cân thương mại đạt thặng dư trong cả giai đoạn với mức xuất siêu năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Trên thực tế, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm. Cụ thể lần lượt là 1,77 tỉ USD năm 2016, 2,11 tỉ USD năm 2017, 6,83 tỉ USD năm 2018, 10,87 tỷ USD năm 2019. Riêng 9 tháng đầu năm 2020, xuất siêu đạt 16,5 tỉ USD.
Đáng chú ý, cơ cấu xuất khẩu cũng chuyển dịch tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 9 tháng đầu năm 2020 chiếm tới 84,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng so với mức 78,9% của năm 2015; nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên đã tăng qua các năm. Năm 2019 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người năm 2019 đạt khoảng 2.740 USD/người, bằng 2,5 lần so với năm 2011.
Để đạt được những mục tiêu đề ra trong các năm qua, trao đổi với báo chí ngày 24.10, đại diện Bộ Công Thương cho biết là do có sự đóng góp quan trọng của khung khổ pháp lý trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Trong đó đáng nói là Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội thông qua năm 2017 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018.
Vị đại diện cơ quan này nhìn nhận: "Đây là văn bản cấp luật đầu tiên điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương đã rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để sửa đổi phù hợp với Luật Quản lý ngoại thương, đồng thời, tiến hành đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành theo thẩm quyền 82 Thông tư và ký trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu".
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã kết nối C/O điện tử mẫu D với toàn bộ các nước trong khối ASEAN. Toàn bộ quy trình, thủ tục xin cấp C/O mẫu D điện tử hoàn toàn qua mạng Internet, không tiếp nhận hồ sơ giấy, không phát hành bản C/O giấy.
Nói đến xuất nhập khẩu tăng cao cũng không thể không nói đến sự nâng cao năng lực dịch vụ logistics, cắt giảm chi phí logistics của Việt Nam thời gian qua. Đây là một trong những yếu tố thiết yếu để xuất nhập khẩu được khơi thông trong bức tranh 5 năm hoạt động vừa qua.
Kết quả này đạt được cũng là nhờ Việt Nam tham gia ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA đề mang đến cơ hội mở rộng cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường đối tác quan trọng, là cơ hội kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.