Không hẹn mà gặp, hầu hết các vấn đề nóng nhất và nhận được nhiều sự chú ý nhất của nền kinh tế Việt Nam trong những ngày qua lại đều tập trung ở một điểm hội tụ: thể chế.

Việt Nam cần khai thông nút thắt thể chế để hội nhập kinh tế

Một Thế Giới | 18/03/2016, 13:42

 Không hẹn mà gặp, hầu hết các vấn đề nóng nhất và nhận được nhiều sự chú ý nhất của nền kinh tế Việt Nam trong những ngày qua lại đều tập trung ở một điểm hội tụ: thể chế.


Từ câu chuyện đang được xem là nóng nhất trên các mặt báo hiện nay là việc chậm trễ hoàn thuế cho các doanh nghiệp, cho đến lý do vì sao các trường đại học và tổ chức giáo dục tầm cỡ thế giới như Harvard không mặn mà với việc xâm nhập thị trường Việt Nam. 
Chưa bao giờ những khúc mắc với thị trường và các doanh nghiệp lại nhận được sự quan tâm lớn của Nhà nước và xã hội như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ con số các khúc mắc với thị trường và các doanh nghiệp lại lớn đến thế. Vấn đề không đơn thuần là sai thì sửa, mà khi số lượng các khúc mắc sai đã trở nên quá nhiều, thì nút mắc cần sửa nhất không gì khác ngoài thể chế.
Những ngày qua, bất cứ ai quan tâm đến câu chuyện hoàn thuế giữa các doanh nghiệp với Ngành thuế và Bộ Tài Chính đều nhận ra rằng, vấn đề không đơn thuần là ở các quy định đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp, mà nằm ở một tầng sâu hơn thế. Bất chấp những lý giải về việc quỹ hoàn thuế vẫn còn dồi dào của Ngành thuế hay Bộ Tài Chính tuyên bố sẽ sửa chữa các quy định lỗi về việc hoàn thuế, thì dường như sức ép từ phía các doanh nghiệp không những không giảm, mà còn đang ngày càng tăng lên. 
Vì tiền hoàn thuế thì vẫn chưa được nhận, trong khi các vấn đề gây chậm trễ thì có vẻ như ngày càng nhiều hơn. Những tưởng các khúc mắc chủ yếu đã được giải quyết với lời hứa của các quan chức ngành thuế và cả từ phía Bộ Tài Chính, thì dường như Bộ Tài Chính lại ra thêm thủ tục mới để khiến quá trình này tiếp tục bị trì hoãn. Đến đây thì tất cả đều đã có thể nhận ra, vấn đề không nằm ở những quy định gây khó dễ, mà nằm ở cách thức vận hành của bộ máy, khi mà một quy định gây khó dễ bị hủy bỏ thì lại có một cái khác dựng lên ngay sau đó.
Một câu chuyện cũng đáng chú ý không kém là trong lĩnh vực giáo dục. Theo thống kê hàng năm người Việt Nam đang bỏ ra khoảng 11 tỷ USD để chi trả cho các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm và giáo dục ở nước ngoài. Trong đó hiện người Việt Nam đang chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho việc giáo dục ở các nước phát triển. 
Điều đáng nói là trong khi hàng năm người Việt bỏ ra nhiều tiền đến thế cho lĩnh vực giáo dục của nước ngoài, thì các quy định trong nước lại ngăn cản việc các tổ chức giáo dục quốc tế được xâm nhập thị trường Việt Nam. Lý giải cho sự bất cập này, cục trưởng cục đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là sự bất cập về chính sách, cụ thể là Nghị định 73 quy định các trường quốc tế không được tuyển tối đa quá 20% học sinh Việt Nam – một quy định mà ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng phi thực tế và cực kỳ sách nhiễu.
Quy định không được tuyển tối đa quá 20% học sinh Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc các trường quốc tế phải tuyển tới 80% học sinh là người nước ngoài nếu như không muốn thua lỗ, vì không có ngôi trường nào hoạt động chỉ với 20% lượng người học. Quy định này vì thế đang trực tiếp ngăn cản việc học sinh trong nước có điều kiện tiếp cận với phương pháp và chương trình giảng dạy của các tổ chức và trường học nước ngoài, vừa gây ra tình trạng thất thoát một lượng tài chính khổng lồ ra nước ngoài hàng năm thông qua con đường giáo dục. 
Nhận xét về sự bất cập của nghị định 73, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng “quy định như vậy thì không có Harvard nào vào Việt Nam cả, các trường lớn không bao giờ vào vì những thủ tục này”.

Câu chuyện sự bất cập của các quy định, hay sâu hơn là cách thức vận hành của bộ máy quản lý ở Việt Nam đã được nhắc đến từ lâu, nhưng chưa bao giờ nó lại trở nên rõ ràng đến thế ở thời điểm hiện tại. Hầu hết các quy định của những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết đều được xem là sẽ tạo ra áp lực để Việt Nam cải cách về thể chế và luật pháp, nhưng nó lại đang đến từ chính việc giải quyết các khúc mắc đơn lẻ tại một số lĩnh vực như thuế và giáo dục. Khi số lượng các quy định lỗi và bất hợp lý cần sửa chữa và giải quyết trong nhiều lĩnh vực trở nên quá lớn, thì cách tốt nhất là phải thay đổi từ căn bản, nghĩa là thể chế và cách thức mà bộ máy quản lý vận hành.

Quả thực, ở thời điểm hiện tại, ở hầu khắp các lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam đều diễn ra tình trạng nhìn đâu cũng thấy lỗi. Theo thống kê mà Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa thực hiện thông qua tổ chức cuộc bình chọn 10 quy định tốt nhất và tồi nhất ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, thì tổng số các quy định tồi được cộng đồng doanh nghiệp đề cử đã lên tới con số 123. Trong đó, thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh là hai lĩnh vực nhận được nhiều đề cử tồi nhất. Cụ thể, có tới 41 đề cử quy định tồi liên quan đến thủ tục hành chính, chiếm 34%, và 24 điều kiện kinh doanh bị các doanh nghiệp đề cử vào quy định tồi, chiếm 20%.

Thực trạng chồng chéo về luật pháp, sự tràn lan của các quy định tồi và thiếu hiệu quả đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế không chỉ đến từ nhận định của các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo hiệp hội thương mại Nhật Bản, có tới 63% các doanh nghiệp Nhật xem việc thiếu minh bạch trong các thủ tục hành chính, thuế, hải quan là nguyên nhân cơ bản kéo giảm mức đầu tư xuống. Còn các doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng bất cập vẫn còn rất nhiều trong quá trình đầu tư và vận hành các dự án. Trong khi đó, hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) thì đề xuất loại bỏ các quy định chồng chéo và gây khó khăn cản trở cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Nếu Việt Nam không tiến hành sửa chữa và khắc phục những nút mắc về pháp luật, và cách thức vận hành của bộ máy quản lý, thì trong tương lai thậm chí có thể sẽ phải đối mặt với những sức ép rất lớn từ chính các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. 
Theo cảnh báo của bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc trung tâm WTO và hội nhập của VCCI đã đưa ra trong hội thảo rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), thì Nhà nước Việt Nam hoàn toàn có thể bị các nhà đầu tư EU kiện khi ban hành chính sách gây thiệt hại cho họ. Khi đó, nếu Việt Nam thua thì có thể Nhà nước sẽ phải bồi thường cho nhà đầu tư chứ không còn đơn giản là chỉ phải sửa chữa lại quy định và luật pháp một cách vô thưởng vô phạt như hiện nay nữa.
Và rõ ràng là, với tình trạng các quy định từ Chính phủ và các bộ ngành đều rơi vào tình trạng bất hợp lý một cách ồ ạt và tràn lan như hiện nay, thì việc có thể tránh khỏi những rắc rối về pháp lý từ các hiệp định thương mại đã cảnh báo là việc khó có thể xảy ra. Cũng tương tự, việc rà soát và sửa chữa 123 quy định lỗi mà VCCI đã thống kê một cách lần lượt là điều khó có thể chấp nhận. Khi một bộ máy quản lý đưa ra quá nhiều quy định lỗi, thì vấn đề nằm ở cách thức vận hành dẫn đến việc số lượng quy định lỗi quá nhiều, chứ không nằm ở các quy định lỗi nữa.
 Một khi cách thức vận hành bị lỗi, thì dù sửa chữa được lỗi này thì cũng sẽ phát sinh lỗi khác. Mà các quy định khắt khe trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết rõ ràng là không dễ tính như các doanh nghiệp trong nước vốn vẫn quen cam chịu, nếu đưa ra quy định sai thì phải đối diện với nguy cơ bị kiện và bị phạt chứ không có chuyện xin thông cảm như các Bộ ngành hiện nay vẫn đang làm với các doanh nghiệp.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan
Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao: Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine
Chiều 21.11, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam cần khai thông nút thắt thể chế để hội nhập kinh tế