Chiều 12.6, Bộ Y tế công bố ca mắc COVID-19 thứ 333 tại Việt Nam là một thuyền viên từ Malaysia nhập cảnh tại cảng Vũng Tàu.
Ca bệnh thứ 333 là bệnh nhân nam, 37 tuổi, có địa chỉ tại phường 9, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bệnh nhân là thuyền viên trên tàu thủy Pacific Vũng Tàu (loại tàu dịch vụ lai kéo) hoạt động tại Malaysia. Ngày 30.5.2020, thuyền viên này từ Malaysia nhập cảnh tại cảng Vũng Tàu và được chuyển cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 31.5.2020 âm tính với vi rút SARS-CoV-2, ngày 11.6.2020 (khi chuẩn bị rời khu cách ly tập trung) xét nghiệm lần 2 dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.
Đến 6 giờ ngày 12.6, Việt Nam vẫn bảo vệ thành quả chống dịch COVID-19, trải qua 57 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 5.971, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 139
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 4.971
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 861
Về điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày có thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: BN297 (30 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam), BN298 (29 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam).
Như vậy Việt Nam đã chữa khỏi 323/333 trường hợp, chưa có trường hợp nào tử vong, hiện chỉ còn 10 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trong đó, đã có 5 ca âm tính từ 1-2 lần với SARS-CoV-2. Về tình hình ca mắc COVID-19 nặng nhất Việt Nam, nam phi công người Anh hiện là bệnh nhân có số ngày điều trị dài nhất Việt Nam.
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 85 ngày điều trị, trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18.3-22.5; tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22.5 đến nay. Nam phi công người Anh hiện đang bình phục tốt lên từng ngày, từ chỗ phổi đông đặc đến 90%, tiên lượng dè dặt dù được điều trị bằng các phương pháp hiện đại nhất Việt Nam (ECMO - tuần hoàn ngoài cơ thể), đến nay bệnh nhân đã có những bước hồi phục diệu kỳ, với tỷ lệ thông khí phổi đã tăng lên 60%, bệnh nhân được cai ECMO, ngừng lọc máu và hiện đang tập cai máy thở cách quãng. Về nhiễm trùng ở phổi do Burkholderia cenocepacia và Ralstonia Pickettii, mẫu cấy đàm gần nhất của nam bệnh nhân đã âm tính. Đến chiều ngày 12.6, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ 2 chân còn yếu.
Bài, ảnh: Dạ Thảo