Việt Nam bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông tại hội nghị về Công ước luật biển tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Việt Nam liên tục thể hiện thái độ quan ngại về tình hình Biển Đông

2 | 25/06/2016, 17:34

Việt Nam bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông tại hội nghị về Công ước luật biển tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Hội nghị lần 26 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 được tổ chức tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ) từ ngày 20-24 tháng 6 với sự tham dự của 79/168 quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và 10 nước quan sát viên.

Phát biểu tại Hội nghị ngày 23.6.2016, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị khẳng định ý nghĩa quan trọng của Công ước luật biển trong việc tạo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên liên quan đến việc sử dụng biển và đại dương một cách hòa bình, công bằng, ổn định và hiệu quả, vì thịnh vượng chung của nhân loại.
Đại sứ hoan nghênh các Nghị quyết do Đại hội đồng Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trong năm qua về vấn đề biển và đại dương, cụ thể là Nghị quyết về Luật Biển và Đại dương, Nghị quyết về đánh cá bền vững… cũng như kết quả làm việc của Ủy ban trù bị về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn làm thay đổi tính chất tự nhiên của một số cấu trúc ở Biển Đông, các hoạt động quân sự hóa, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.
Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các bên liên quan cần chấm dứt ngay các hành động làm thay đổi nguyên trạng, phá hoại môi trường biển và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Đại sứ khẳng định lập trường của Việt Nam, theo đó các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển.
Các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong một diễn biến cũng liên quan đến Biển Đông, ngày 24.6.2016, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những thông tin gần đây trên báo chí Trung Quốc về việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình ở quần đảo Trường Sa, trong đó có bệnh viện trên Đá Chữ Thập và nông trường trên Đá Xu-bi, cũng như thông tin Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc COSCO có kế hoạch tổ chức các tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định:
“Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rõ ràng và nhất quán về vấn đề này. Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi tại khu vực quần đảo Trường Sa hay tổ chức các tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên và không để tái diễn các hành động tương tự; nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

PV
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam liên tục thể hiện thái độ quan ngại về tình hình Biển Đông