Đại diện Viettel cho rằng muốn phát triển 5G cần đẩy mạnh nền kinh tế số thành công, ngoài ra cũng cần các khía cạnh như Chính phủ có chính sách về tần số để đẩy mạnh 5G hiệu quả; nhà mạng tính toán chi phí hợp lý…

Việt Nam: Phát triển 5G, đẩy mạnh nền kinh tế số

Thu Anh | 22/10/2020, 13:21

Đại diện Viettel cho rằng muốn phát triển 5G cần đẩy mạnh nền kinh tế số thành công, ngoài ra cũng cần các khía cạnh như Chính phủ có chính sách về tần số để đẩy mạnh 5G hiệu quả; nhà mạng tính toán chi phí hợp lý…

Tại tọa đàm trực tuyến “Why Việt Nam?” nằm trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2020) do Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) và Việt Nam đồng tổ chức diễn ra từ ngày 20-22.10.2020, ông Đỗ Công Anh (Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, đồng thời nền kinh tế số chiếm 20% tổng giá trị quốc dân (GDP). Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiếu 10%, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiếu 7%.

5g.jpg
Ảnh: Internet

Đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, dịch vụ 5G. 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về an toàn an ninh mạng.

Dưới góc nhìn của tập đoàn công nghệ toàn cầu, theo ông Thiều Phương Nam (Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia), Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Các chủ trương tại Nghị quyết đã xác định Việt Nam cần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thiết kế, sản xuất và đổi mới sáng tạo.

Tham gia quá trình này, Qualcomm sẽ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ bản quyền công nghệ, nền tảng công nghệ, giúp các công ty công nghệ Việt Nam sản xuất, xuất khẩu sản phẩm di động, thiết bị 5G. Qualcomm cũng đặt mục tiêu hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo để đưa ý tưởng công nghệ của Việt Nam ra với thế giới.

Thời điểm hiện tại, chuyển đổi số là yêu cầu sống còn của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, các doanh nghiệp của Việt Nam trong thời gian ngắn vừa qua đã hoàn thiện và giới thiệu rất nhiều nền tảng phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, các nền tảng kinh doanh trực tuyến, vận tải, thanh toán trực tuyến… có cơ hội chứng minh hiệu quả của mình trong thời gian cách ly do dịch COVID-19.

Để Việt Nam đạt được những mục tiêu đề ra, các chuyên gia nhấn mạnh đến cơ chế hợp tác công tư, hỗ trợ thử nghiệm mô hình, chính sách mới, hướng xây dựng đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao với sự hợp tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực xuyên quốc gia, chính sách gọi vốn đầu tư, phát triển doanh nghiệp CNTT tạo thành đối tác tin tin cậy, đưa những sản phẩm, nền tảng công nghệ “Make in Vietnam” ra thị trường khu vực và quốc tế...

20201021-u2.jpg
Hội nghị Bộ trưởng các nước ITU phiên 2 được tổ chức trực tuyến - Ảnh: Bộ TT-TT

Đẩy nhanh việc triển khai 5G

Cũng nằm trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020, tại Hội nghị Bộ trưởng các nước ITU phiên 2, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, chủ đề của ITU Digital World 2020 chính là “Cùng nhau xây dựng thế giới số”. Thông qua đó, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, của thế giới số với Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết ITU còn đóng vai trò hỗ trợ kế hoạch số của các nước thành viên, thúc đẩy hợp tác toàn cầu để xây dựng thế giới số, đồng thời giúp các quốc gia phản ứng và thích nghi trước các thách thức của dịch bệnh bằng cách kích hoạt học tập và làm việc từ xa. Dịch bệnh cũng đã thúc đẩy và tăng tốc chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.

Theo Phó chủ tịch, Giám đốc phụ trách các quan hệ Chính phủ của Ericsson, hoạt động làm việc và học tập từ xa tăng vọt trong thời gian dãn cách trong đại dịch COVID-19 nhưng mạng lưới viễn thông trên toàn thế giới vẫn hoạt động và cung cấp dịch vụ tốt. Trong đó, không thể không nhắc đến tầm quan trọng của dịch vụ kết nối cũng như chất lượng của dịch vụ kết nối 4G, 5G.

Đại diện Ericson khẳng định công nghệ hỗ trợ kết nối toàn cầu hiện đã sẵn sàng, đã chín muồi; hiện nay vai trò của các Chính phủ và cơ quan quản lý chuyên ngành rất quan trọng trong việc tạo ra môi trường phù hợp để hiện thực hóa và ITU cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các Chính phủ trên toàn thế giới.

Theo dự báo trong năm năm tới, sẽ có 1/5 người sử dụng 5G; do đó cần áp dụng công nghệ hiệu quả để đáp ứng nhu cầu. Các hãng sản xuất điện thoại cần tích hợp để dùng 5G. Về phía Việt Nam, đại diện Viettel cho rằng muốn phát triển 5G cần đẩy mạnh nền kinh tế số thành công, cần các khía cạnh như Chính phủ có chính sách về tần số để đẩy mạnh 5G hiệu quả; nhà mạng tính toán chi phí hợp lý…

Ngoài ra, Tổng thư ký ITU - ông Houlin Zhao nhấn mạnh tới việc cần đẩy nhanh triển khai 5G và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng 5G trong thời gian tới. Các quốc gia, nhà mạng mong muốn đẩy mạnh 5G thì cần mở phổ tần, tạo môi trường thúc đẩy đầu tư. Các nhà mạng, nhà phát triển cần thử nghiệm 5G để tăng hiệu quả cho doanh nghiệp, sản xuất và các lĩnh vực khác…

Bài liên quan
Chung tay vượt qua thách thức đại dịch COVID-19 bằng công nghệ số
Chủ đề của Triển lãm Thế giới số năm nay là “Các quốc gia, các doanh nghiệp công nghệ số thế giới cùng chung tay vượt qua thách thức đại dịch, cũng như tận dụng các cơ hội mà nó mang lại, bằng các công nghệ số”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam: Phát triển 5G, đẩy mạnh nền kinh tế số