Mô hình lúa - tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm lượng phát thải ra môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng ở ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau (Cà Mau) được ngành chức năng địa phương đánh giá là mô hình sản xuất có nhiều triển vọng, cần được nhân rộng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Vươn lên từ mô hình sản xuất gạo sạch VietGap, giảm phát thải

Trần Khải 26/04/2024 17:00

Mô hình lúa - tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm lượng phát thải ra môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng ở ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau (Cà Mau) được ngành chức năng địa phương đánh giá là mô hình sản xuất có nhiều triển vọng, cần được nhân rộng.

Tạo chuỗi liên kết bền vững

Ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau là địa phương đi tiên phong trong cuộc “cách mạng" về sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ một vùng quê nghèo của xã Lý Văn Lâm, nhưng nay người dân ấp Ông Muộn đã đổi đời bằng việc phát triển sản xuất mô hình lúa - tôm theo chuỗi liên kết. Nhờ sản xuất theo hướng VietGap, thích ứng với thời tiết nên giá trị hạt gạo từ nơi này cũng được nâng lên, trở thành sản phẩm OCOP được phân hạng 4 sao. Gạo sạch Ông Muộn từng bước khẳng định được giá trị “hạt ngọc” trên thị trường.

2(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Toàn (phải), Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Ông Muộn giới thiệu sản phẩm gạo sạch cho khách hàng - Ảnh: Trần Khải

Gia đình ông Lâm Văn Cuộc, ngụ ấp Ông Muộn có 1,7ha đất canh tác lúa - tôm. Vụ lúa vừa qua, ông Cuộc trúng đậm, năng suất 8 tấn/ha, giá bán 9.800 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Cuộc còn lãi khoảng 110 triệu đồng. “Trước những tác động của biến đổi khí hậu, người dân địa phương hiện nay dần quen với cuộc sống, sản xuất theo mùa. Mô hình lúa - tôm là minh chứng cho điều đó, mùa nắng tôi nuôi tôm cua, khi vào mùa mưa, độ mặn giảm tôi trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Nhờ vậy mà đời sống gia đình ổn định”, ông Cuộc nói.

Theo ông Cuộc, trước đây sản xuất kém hiệu quả, quy trình manh mún, nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định, bấp bênh. Tuy nhiên, từ khi Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Ông Muộn được thành lập, ông Cuộc đã mạnh dạn tham gia HTX. Kể từ đó, ông Cuộc cũng như nhiều xã viên khác được HTX hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg nên đời sống của bà con được cải thiện tích cực.

3(1).jpg
Mô hình sản xuất lúa - tôm ở ấp Ông Muộn đã chứng minh được hiệu quả tốt - Ảnh: Trần Khải

“Vào HTX rất lợi vì được tham gia sản xuất theo chuỗi cung ứng từ đầu vào đến đầu ra, được HTX cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. Vào chính vụ, HTX đưa máy móc vào thu hoạch rồi thu mua lúa tại ruộng nên nông dân giảm được nhiều chi phí, tất cả do HTX làm hết nên nông dân chúng tôi rất khỏe”, ông Cuộc cho hay.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Ông Muộn nói: “HTX hiện có 12 người góp vốn hoạt động và 95 thành viên. Chúng tôi sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu đầu vào tới đầu ra nhằm kiểm soát chặt chẽ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. HTX bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trên diện tích 182ha đất sản xuất lúa - tôm. HTX hiện có 3 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm chủ lực là gạo ST24 và ST25 được bán với giá 28.000 đồng/kg.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX chủ yếu trong nước như Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Do nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất lớn nên chúng tôi không đủ hàng cung ứng. Hiện đơn vị đang phối hợp với các vùng sản xuất lúa - tôm ở các huyện lân cận như Cái Nước, Trần Văn Thời, Thới Bình... để hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm đã đăng ký”.

4.jpg
Gạo sạch Ông Muộn là sản phẩm OCOP được phân hạng 4 sao - Ảnh: Trần Khải

Người dân khi tham gia HTX Dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Ông Muộn được hưởng lợi rất nhiều, được HTX sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch và thu mua lúa tại ruộng, giúp giảm chi phí sản xuất. “Thu hoạch bằng máy vừa giảm chi phí cho nông dân, rút ngắn thời gian thu hoạch và chất lượng gạo khi chà được đảm bảo tuyệt đối. Nếu thu hoạch bằng thủ công như trước đây, vừa làm tăng chi phí sản xuất, vừa giảm chất lượng hạt lúa do bị ngâm lâu trong nước, khi chà gạo sẽ không còn hương vị thơm ngon tự nhiên. Sản phẩm gạo sạch Ông Muộn đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận thương hiệu và được UBND tỉnh Cà Mau công nhân sản phẩm OCOP 4 sao”, ông Toàn nói thêm.

Thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải

Bí thư Chi bộ ấp Ông Muộn Nguyễn Văn Toàn đánh giá: “Trước khi chuyển dịch từ trồng lúa 2 vụ sang mô hình lúa - tôm, ấp Ông Muộn có 28 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo. Nguyên do đất sản xuất lúa bị nhiễm mặn từ khu vực giáp ranh xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời nên việc sản xuất lúa kém hiệu quả.

Từ đó, người dân đi làm thuê, làm mướn, ít chú trọng đến việc canh tác ruộng đồng. Vào thời điểm đó, nhà lụp xụp ở địa phương rất nhiều. Kể từ khi chuyển dịch, năng suất lúa đạt rất cao, từ 7 - 8 tấn/ha. Nhờ đó đời sống bà con địa phương được nâng lên, hiện thu nhập đầu người của ấp đạt từ 55 - 60 triệu đồng/người/năm, nhà cửa khang trang được xây dựng ngày một nhiều, xóm làng ngày càng tươi mới”.

Bí thư Chi bộ ấp Ông Muộn nói rằng hiệu quả của mô hình lúa - tôm rất cao. Đây là mô hình sản xuất theo hướng thuận thiên, không bỏ đất trống, mùa nào cũng có thu nhập. “So với các địa phương trong tỉnh Cà Mau, chưa có nơi nào sản xuất lúa trên đất tôm hiệu quả như ở Ông Muộn. Thời điểm năm 2016, tỉnh Cà Mau bị thiên tai hạn hán, sản xuất kém hiệu quả nhưng mô hình lúa - tôm ở ấp Ông Muộn vẫn đứng vững, năng suất vượt trội với hơn 8 tấn/ha, được nhiều đoàn công tác ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu”, ông Toàn kể thêm.

Từng có thời gian dài công tác và làm lãnh đạo ở xã Lý Văn Lâm, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Cà Mau chia sẻ: “Năm 2005, nhà nước có chủ trương cho chuyển dịch 182ha đất lúa sản xuất 2 vụ/năm kém hiệu quả ở ấp Ông Muộn sang nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Thời điểm trước chuyển dịch, đời sống người dân ấp Ông Muộn rất khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo nhiều. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển dịch đến nay, bộ mặt nông thôn trở nên tươi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương khấm khá hơn, nhà cửa khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Đó là kết quả từ chủ trương đúng đắn của nhà nước khi quyết định cho chuyển sang mô hình sản xuất lúa - tôm. Đây là mô hình thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất và cho thu nhập quanh năm”.

6.jpg
Mô hình lúa - tôm giảm phát thải ở ấp Ông Muộn cho năng suất vượt trội - Ảnh: Trần Khải

Từ khi thực hiện mô hình này, người dân rất chú trọng đến vấn đề sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bởi ai cũng sợ ảnh hưởng đến môi trường đất, tác động xấu đến con tôm. Do đó, mô hình lúa - tôm ở Ông Muộn sẽ giúp làm giảm lượng phát thải ra môi trường. Năng suất lúa mỗi vụ trung bình đạt từ 5 - 6 tấn/ha, có trường hợp đạt vượt trội khoảng 8 tấn/ha. “Việc canh tác lúa rất tốt cho môi trường nuôi tôm, sau khi thu hoạch lúa xong, phần gốc rạ sẽ tạo ra nguồn thức ăn giúp cho tôm nuôi lớn nhanh”, ông Phúc cho biết.

Ông Phúc đánh giá, mô hình lúa - tôm ở ấp Ông Muộn là đúng quy trình sản xuất, nên năng suất rất cao. “Mô hình lúa - tôm ở Ông Muộn được sản xuất này theo hướng VietGap và mang lại hiệu quả cao. Việc sản xuất theo quy trình chuỗi giá trị giúp kiểm soát được chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị nên hạt gạo Ông Muộn được bán với giá cao. Nếu như giá gạo thông thường trên thị trường chỉ từ 20.000 - 22.000 đồng/kg thì gạo Ông Muộn giá cao hơn, từ 25.000 - 28.000 đồng/kg hoặc hơn. Sản phẩm lúa - tôm ở Ông Muộn đã thành thương hiệu quen thuộc cả trong và ngoài tỉnh”, ông Phúc nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vươn lên từ mô hình sản xuất gạo sạch VietGap, giảm phát thải