Bộ Công Thương đang khẩn trương thực hiện các quy hoạch về năng lượng và khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Bộ Công Thương thúc đẩy thực hiện các quy hoạch về năng lượng, khoáng sản

Tuyết Nhung 26/04/2024 16:12

Bộ Công Thương đang khẩn trương thực hiện các quy hoạch về năng lượng và khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng cao và yêu cầu chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được xem là có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành năng lượng và công nghiệp khai khoáng, mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành; mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế.

Các quy hoạch cũng đề xuất một loạt cơ chế mới, gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức ngày 26.4, Bộ Công Thương đề nghị các bộ ngành, địa phương liên quan bắt tay ngay vào việc triển khai các quy hoạch, vừa đảm bảo đủ năng lượng và khoáng sản cho phát triển kinh tế đất nước và thực hiện đúng quy hoạch đề ra, vừa đồng thời tạo dư địa mới, không gian mới và động lực mới cho tăng trưởng của mỗi ngành, mỗi địa phương và doanh nghiệp.

image_90b17.png
Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 26.4

Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) nhấn mạnh quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia nhằm đảm bảo hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030. Dự trữ thương mại chứa tăng thêm từ 2,5 - 3,5 triệu mét khối trong giai đoạn 2021-2030, đạt sức chứa tới 10,5 triệu mét khối giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30 - 35 ngày nhập ròng.

Ngoài ra, dự trữ quốc gia đảm bảo sức chứa từ 500.000 - 1 triệu mét khối sản phẩm xăng dầu và 1 - 2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15 - 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030; đảm bảo sức chứa từ 500.000 - 800.000m3 sản phẩm xăng dầu và 2 - 3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25 - 30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.

Về khí đốt, đảm bảo hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030; đối với LNG đạt 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021-2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030...

Để tổ chức thực hiện thành công các kế hoạch này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết bộ sẽ cùng phối hợp nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, nhất là chính sách liên quan tới các cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, giá khí và các cơ chế gắn hoạt động thăm dò, khai thác đồng bộ, liên kết với đầu tư chế biến khoáng sản... để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.

Bộ tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả các chương trình quốc gia về khoa học - công nghệ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành năng lượng và khai khoáng, nhất là trong các ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí và nhân lực kỹ thuật tay nghề cao vận hành máy móc, thiết bị khai thác chế biến khoáng sản nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới và nâng cao năng suất, chất lượng khai thác, chế biến các loại khoáng sản.

Các địa phương chủ động chỉ đạo rà soát, cập nhật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các nội dung liên quan của quy hoạch tỉnh để bảo đảm phù hợp với các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản theo quy định của pháp luật về quy hoạch; đồng thời rà soát, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành của địa phương (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng), bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, làm cơ sở tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư về năng lượng và khai khoáng theo quy định của pháp luật.

Cần tổ chức lựa chọn chủ đầu tư tư thực hiện các dự án năng lượng, khoáng sản trên địa bàn được đề ra trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia theo phân cấp quản lý và theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm; quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho quy hoạch năng lượng và khoáng sản theo tiến độ thực hiện của kế hoạch và chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân, tái định cư (nếu có).

Bộ trưởng Diên cũng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty năng lượng, khoáng sản (EVN, PVN, TKV, Hóa chất, Xăng dầu, PVGas…) và các hiệp hội ngành nghề tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong quy hoạch, kế hoạch; đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách khả thi và tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các quy định, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa tăng cường sự quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Cần chủ động đề xuất và nỗ lực triển khai các dự án đầu tư được đề ra trong các kế hoạch thực hiện quy hoạch, nhất là các dự án phát triển năng lượng quy mô lớn, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt và các dự án đầu tư mới chế biến các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học kỹ thuật, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bài liên quan
Thủ tướng chỉ rõ '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh' khi thực hiện quy hoạch tỉnh Tiền Giang
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiệm vụ trọng tâm, trung tâm trong thực hiện quy hoạch tỉnh Tiền Giang là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công Thương thúc đẩy thực hiện các quy hoạch về năng lượng, khoáng sản