Trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng Deltacron chỉ là sự nhầm lẫn.

WHO lên tiếng về Deltacron, các chuyên gia nói đến khả năng Omicron và Delta tái tổ hợp

Sơn Vân | 16/01/2022, 14:21

Trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng Deltacron chỉ là sự nhầm lẫn.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Síp tuần trước đã báo cáo một biến thể SARS-CoV-2 mới dường như là sự lai tạo giữa Delta với Omicron và được gọi là Deltacron.

Thế nhưng, sự nghi ngờ về Deltacron xuất hiện sau đó khi một số nhà khoa học cho rằng nó do lỗi dữ liệu trong quá trình giải trình tự bộ gen. Dữ liệu giải trình tự này hiện đã bị xóa khỏi cơ sở dữ liệu thông tin bộ gen mã nguồn mở Gisaid.org.

Vậy liệu chúng ta có nên lo lắng về khả năng xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 lai như vậy trong tương lai?

Deltacron xuất hiện như thế nào và tại sao bị loại trừ?

Leondios Kostrikis, Giáo sư khoa học sinh học tại trường Đại học Síp, nói với tờ Bloomberg cuối tuần trước rằng nhóm của ông đã tìm thấy 25 bệnh nhân nhiễm dòng SARS-CoV-2 có dấu hiệu di truyền giống Omicron trong bộ gen Delta. Dữ liệu giải trình tự bộ gen đã được tải lên cơ sở dữ liệu mã nguồn mở Gisaid.org.

Thế nhưng, các nhà khoa học khác kết luận rằng những phát hiện này có thể là kết quả của một sai sót trong phòng thí nghiệm. Nhà vi rút học Tom Peacock từ Đại học Hoàng gia London (Anh) cho rằng nó trông "bị nhiễm bẩn khá rõ ràng" chứ không phải là sự tái tổ hợp hai biến thể Delta - Omicron thực sự.

Tom Peacock nói thêm rằng nó không thực sự liên quan đến “chất lượng của phòng thí nghiệm” hay bất cứ điều gì tương tự và những lỗi như vậy thỉnh thoảng xảy ra ở mọi phòng thí nghiệm giải trình tự.

Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không khuyến khích sử dụng các thuật ngữ như Deltacron, flurona hoặc flurone (đồng nhiễm coronavirus và cúm).

Những từ này ngụ ý sự kết hợp của vi rút hay các biến thể, điều này không xảy ra. ‘Deltacron’ có khả năng là sự nhiễm bẩn trong quá trình giải trình tự", bà Maria Van Kerkhove viết trên Twitter.

who-len-tieng-ve-deltacron-chuyen-gia-noi-den-kha-nang-delta-omicron-tai-to-hop.jpg
Các chuyên gia cho rằng khả năng biến thể Omicron và Delta tái tổ hợp khó xảy ra

Các coronavirus có tái tổ hợp không?

Có thể xuất hiện sự tái tổ hợp các coronavirus. Theo Björn Meyer, nhà vi rút học của Đại học Otto von Guericke Magdeburg (Đức), bằng cách tái kết hợp hai bộ gen của vi rút lây nhiễm vào cùng một tế bào, chúng có thể loại bỏ các đột biến có thể gây tác động tiêu cực đến bản thân.

Björn Meyernói: “Đó là kiểu duy trì bộ gen với các quần thể vi rút theo một số cách”.

Ông cho biết bộ gen của vi rút tái tổ hợp phải khớp với trình tự của vi rút bố mẹ, một quá trình được gọi là “tái tổ hợp tương đồng”, để đảm bảo vi rút có đầy đủ chức năng.

Các biến thể SARS-CoV-2 có tái tổ hợp trong đại dịch COVID-19?

Vào tháng 10.2021, các nhà nghiên cứu của Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia ở Nhật Bản đã xuất bản một bài viết báo cáo sự tái tổ hợp bộ gen giữa biến thể Delta và Alpha trong 26 mẫu bệnh nhân COVID-19 tại nước này.

Trong một bài viết đăng hồi tháng 9.2021, các nhà nghiên cứu từ Đại học Edinburgh (Scotland), Đại học State Pennsylvania (Mỹ) và các tổ chức khác cho biết 16 trong số 279.000 bộ gen SARS-CoV-2 thu thập được mà họ phân tích cho thấy bằng chứng về sự tái tổ hợp, chủ yếu giữa biến thể Alpha và B.1.177 (được báo cáo lần đầu tiên ở Tây Ban Nha vào mùa hè năm 2020). Nó lây truyền cho 45 người trước khi biến mất.

Delta và Omicron liệu có thể tái tổ hợp khi đang cùng lan truyền ở nhiều khu vực?

Jin Dong-Yan, một nhà vi rút học từ Đại học Hồng Kông, nói rằng một biến thể tái tổ hợp như vậy có thể xuất hiện nhưng sẽ rất hiếm vì phải xảy ra trong quá trình đồng nhiễm và một người không có khả năng tạo ra miễn dịch có thể ngăn ngừa nhiễm biến thể thứ hai.

Ở những nơi chúng ta thấy biến thể Delta và Omicron lưu hành cùng lúc, chẳng hạn như Mỹ, có thể một người nhiễm Delta sẽ không có khả năng miễn dịch để ngăn Omicron tấn công cơ thể mình ngay sau đó. Song điều này rất hiếm", Jin Dong-Yan cho hay.

Jin Dong-Yan nói thêm rằng rất khó để nói về mặt lâm sàng rằng có sự đồng nhiễm hai biến thể và nếu sự tái tổ hợp xảy ra thường xuyên hơn dự kiến thì rất ít biến thể lai sống sót, chưa kể đến việc phải cạnh tranh với các chủng đang lưu hành.

Ông lý giải thêm: “Chỉ trong một số trường hợp nhất định, biến thể tái tổ hợp mới cho thấy lợi thế phát triển ở những người có kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Nếu không, những biến thể tái tổ hợp này sẽ không chiếm ưu thế và biến mất”.

Biến thể lai Delta và Omicron có là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng?

Một trong những lo ngại về sự xuất hiện của biến thể tái tổ hợp là nó có khả năng lây truyền cao như Omicron mà vẫn gây bệnh nghiêm trọng.

Theo Björn Meyer cho biết vi rút tái tổ hợp phải cạnh tranh với vi rút bố mẹ ở một mức độ nào đó để đảm bảo khả năng lây truyền. Điều đó có nghĩa là vi rút tái tổ hợp ít có tác động lớn ngay cả khi quá trình này xảy ra.

Biến thể Omicron có các đột biến trên protein gai, đóng vai trò quan trọng trong việc vi rút xâm nhập vào tế bào người. Điều đó làm cho Omicron dễ dàng né tránh khả năng miễn dịch do khỏi bệnh COVID-19 hoặc tiêm vắc xin tạo ra hơn.

Một số đột biến cũng là nguyên nhân gây ra sự chuyển đổi các đường xâm nhập tiềm ẩn của vi rút, điều này có thể giải thích sự suy giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh do nhiễm Omicron, Björn Meyer nói.

Ông lý giải thêm: “Sự tái tổ hợp của hai loại vi rút này có thể xảy ra. Thế nhưng, sự tái tổ hợp mới sẽ có khả năng tạo ra một loại vi rút hoạt động giống Omicron, có thể tránh các kháng thể của chúng ta ở một mức độ nào đó, nhưng gây bệnh ít nghiêm trọng hơn ở những người đã được tiêm vắc xin. Hoặc nó sẽ giống Delta, có thể gây bệnh nặng hơn ở những người chưa được tiêm vắc xin, dễ dàng phát hiện ở những người đã tiêm vắc xin hoặc từng khỏi COVID-19 trước đó và không gây ra bệnh nặng”.

Bài liên quan
Omicron gây nhiễm đột phá gấp 3 lần Delta, mũi vắc xin tăng cường J&J hiệu quả 85% chống nhập viện
Glenda Grey, người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu Y tế Nam Phi (SAMRC), cho biết thông tin trong cuộc họp báo với Bộ Y tế Nam Phi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO lên tiếng về Deltacron, các chuyên gia nói đến khả năng Omicron và Delta tái tổ hợp