Bất chấp lệnh của Bộ GTVT và chủ đầu tư, hàng trăm xe quá tải vẫn nườm nượp ngày đêm băm nát hàng loạt tuyến đường. Người dân cáo giác, tình trạng này xảy ra có thể do tình trạng “làm luật theo tháng”.
Khi công trường quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Bình được thi công mở rộng, cũng là lúc các đường tỉnh lộ, quốc lộ qua địa bàn này bị băm nát nhiều đoạn bởi các nhà thầu chở đất đá bằng xe siêu trọng.
Từ ngày 2.7, thực hiện chủ trương của Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án (QLDA) 6 đã có văn bản yêu cầu tất cả các nhà thầu thi công, nhà đầu tư BOT, đơn vị tư vấn giám sát Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 (QL1) đoạn Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị không đưa xe cơi thùng, xe chở quá tải vào phục vụ thi công dự án.
Đồng thời, nhà đầu tư, nhà thầu phải có văn bản cam kết về phương tiện vận chuyển phục vụ dự án chở đúng trọng lượng cho phép của phương tiện theo các quy định hiện hành.
Có mặt phía huyện Lệ Thủy, ở gói thầu số 13, nhà thầu Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Lộc không thực hiện đúng như những gì họ ký cam kết với chủ đầu tư dự án là thi công với xe ô tô đúng tiêu chuẩn, không quá tải với kết cấu đường nội tỉnh. Các xe tải hạng nặng từ 40-50 tấn thậm chí quá 60 tấn vẫn chạy rầm rầm như không hề có văn bản kiên quyết từ Bộ GTVT.
Ngoài ra, Công ty TNHH Thanh Bình (Thanh Hóa), thi công đoạn từ huyện Quảng Ninh đi Lệ Thủy không chỉ đưa xe chở quá tải trọng cho phép vào mà còn thuê cả xe chở quá tải của đơn vị khác.
Vì đường thu phí, cày nát đường từ thuế dân?
Hiện tại, quốc lộ 1A được thi công mở rộng và nhận được sự ưu ái của nhiều cơ quan ban ngành. Các chủ đầu tư hoặc nhà thầu tư nhân làm đường 1A khi hoàn thành sẽ thu phí.
Nhưng một nghịch lý khác đang diễn ra, để hoàn thành cung đường thu phí đó thì nhiều tỉnh lộ, quốc lộ khác oằn mình cõng xe quá tải. Những con đường đó đều làm từ tiền vay ODA, trái phiếu Chính phủ và sau đó phải trả nợ từ thuế người dân. Và những con đường này đang bị băm nát không thương tiếc.
Ở phía bắc Quảng Bình, quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh mỗi ngày cõng hàng trăm lượt xe quá tải chở vật liệu đất đá làm đường. Ngoài ra còn gánh gồng lượng xe nặng nề của doanh nghiệp vận tải Hoành Sơn (Hà Tĩnh) khiến nền đường nhiều đoạn lún, nứt.
Nhà thầu Hùng Thắng sử dụng đội xe chở quá tải hết sức đông đảo bằng loại xe Howo mà giới vận tải nói là xe “Hổ vồ” chở mỗi lần hơn 50 tấn. Người dân phản ảnh, họ chạy rầm rộ như không hề biết còn có cơ quan chức năng.
Cụ thể, đoạn từ Vạn Ninh đi Làng Ho, nối đông và tây Trường Sơn vốn là tỉnh lộ 10, nay đổi thành một phần quốc lộ 9B, các biển báo chỉ dẫn nhiều đoạn đường không quá trọng tải 10 tấn nhưng lưu thông trên đường mỗi ngày hằng trăm lượt xe quá tải kiểu “Hổ vồ”.
Ông Phạm V. Th, một tài xế cho biết: “Các dòng xe quá tải này đều nhập từ Trung Quốc, thùng xe tối đa 15m3, nhà sản xuất khuyến mại thêm phần vật liệu để cơi nới thùng sau khi kiểm định. Chỉ cần gia cố một buổi tại garage là hoàn thành chiếc xe mới, thùng xe lúc này có thể chứa từ 30m3 đến 60m3, chở được 50-60 tấn nên đường nát là đương nhiên”.
Thanh tra giao thông nói gì?
Trước thực trạng trên, chúng tôi làm việc với ông Hoàng Ngọc Dũng, Chánh thanh tra giao thông Sở GTVT Quảng Bình được giải thích, lực lượng chỉ có hơn 22 người, tham gia trạm cân lưu động trên quốc lộ 1A đã 9 người, còn lại một số làm hành chính, lãnh đạo nên anh em đi thanh tra các tuyến đường rất ít nhân sự.
Khi chất vấn việc xe quá tải băm nát các cung đường nhưng không có mặt lực lượng thanh tra giao thông làm nhiệm vụ, ông Dũng cho rằng, lực lượng của ông làm nhiệm vụ 24/24, không có việc bỏ chốt.
Tuy nhiên, trước việc cầu Nhật Lệ có trọng tải chỉ 14 tấn, nhưng xe 30-40 tấn vẫn chạy ngang nhiên, báo chí gọi điện phản ánh với thanh tra, 15 phút sau, một số nhà báo đã nhận điện thoại của doanh nghiệp chở quá tải xin không phản ánh thì ông Dũng phân bua không biết thông tin bị lọt từ khâu nào và hứa xem xét lại.