Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 19: Tháp Lục Hòa và nhóm nghệ sĩ “lục bất Hòa“

Một Thế Giới | 10/07/2014, 15:55

Nghe tin nhóm nghệ sĩ sáu người của Giang Thanh lên núi làm đám cưới tập thể, có người nói đùa rằng: “trước tháp Lục Hòa - lục bất hòa” ý nói xa xôi là sáu người ấy (ba cặp tình nhân) đều sẽ chẳng chung sống được với nhau bao lâu…

Tháp Lục Hòa nằm trên núi Nguyệt Luân, ở phía Nam thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Triết Giang:  “Xưa có chùa Lục Hòa trên ấy, đến niên hiệu Khai Bảo đời Tống (970 – 979) xây tháp để trấn giang hồ” - theo hòa thượng Kim Cương Tử.
          Tên tháp (Lục Hòa) nhằm chỉ 6 phép “hòa đồng kính ái” tôn trọng lẫn nhau giữa các vị đã xuất gia tu hành. Tuy nhiên, những người còn tại gia như Giang Thanh và các đôi nghệ sĩ trong nhóm đến trước tháp vẫn có thể tự mình suy ra “6 điều hòa ái” thương yêu sau ngày họ thành hôn: 1. Vợ chồng cùng một thân nghiệp: biết ơn và lễ kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ của đôi bên (Thân hòa đồng trụ). 2. Cùng một khẩu nghiệp: từ tốn trong lời ăn tiếng nói, đồng thuận xưng tán công đức của các bậc khai sáng con đường dẫn đến giải thoát và hạnh phúc (Khẩu hòa vô tranh). 3. Cùng một ý nghiệp: nghĩ đến điều lành, tránh “gieo gió gặt bão”, gây nguồn vui trong tâm tưởng cho nhau (Ý hòa đồng duyệt). 4. Cùng giữ “giới pháp” cao nhất trong đời sống vợ chồng là: chung thủy (Giới hòa đồng tu). 5. Cùng kiến giải về chân thiện mỹ (Kiến hòa đồng giải). 6. Cùng chia sẻ ngọt bùi (Lợi hòa đồng quân).

Phạm một trong 6 điều “lục hòa” nêu trên cũng dễ dẫn đến lục đục “bất hòa”. Vậy mà, Giang Thanh ít nhất phạm rất nặng về “giới hòa” (ăn ngủ với bạn tình khác) và “khẩu hòa” (cãi cọ to tiếng, đánh Đường Nạp trước). Các tác giả cuốn Bốn người vợ của Mao Trạch Đông nêu:

Trong vở kịch Bão táp do Chương Dẫn đạo diễn, Lam Bình (nghệ danh của Giang Thanh) đóng vai chính rất thành công. Bởi thế đã một dạo, Lam Bình và Chương Dẫn ăn ở chung với nhau. Do vậy, quan hệ giữa Lam Bình và Đường Nạp lại một phen sóng gió. Lam Bình bỏ đi Tế Nam, Đường Nạp theo đến tận nơi, tự sát nhưng không thành. Sự kiện đó đã trở thành chuyện giật gân trong giới văn nghệ Thượng Hải, gọi là “sóng gió Đường – Lam” (…) Thời gian này, Lam Bình đóng vai chính trong vở Chuyện đẫm máu trên núi Sói và rất thành công, được dư luận nhiệt liệt tán thưởng. Khi ấy thị cảm thấy, dù trong sự nghiệp hay trên tình cảm cũng không còn có thể coi Đường Nạp là “ngôi đình lớn” được nữa, thế là đành đoạn dứt khoát với Đường Nạp…” (sđd 112)

Tương tự nội dung đoạn dẫn trên, một tác giả khác: Sầm Hoa, đã viết: “Thành công nhờ vai diễn chính trong bộ phim Vương Lão Ngũ, khiến Lý Vân Hạc (một tên khác của Giang Thanh) bỏ rơi người chồng của mình bởi lúc này cô không cần một chỗ dựa về mặt tình cảm cũng như trong sự nghiệp như trước nữa. Hai lần Đường Nạp tự sát, Lý Vân Hạc đều không mảy may quan tâm mà còn gửi một bài báo với tiêu đề: “Lời tự bạch của tôi” lên tờ Đại Công báo. Lý Vân Hạc lật giọng rằng Đường Nạp đã từng nhiều lần đề nghị nhưng mãi cô mới đồng ý. Tuy nhiên, hai người đã thương lượng với nhau rằng đây không phải là cách để ràng buộc nhau mà là để giải quyết chuyện kinh tế… Từ khi phát biểu trong bài “Lời tự bạch của tôi”, Lý Vân Hạc đã công khai chuyển ra ở cùng một đạo diễn nổi tiếng khác, tên là Chương Mẫn (tức Chương Dẫn viết ở trên). Chương Mẫn đã bỏ vợ bỏ con để đi theo tiếng gọi tình yêu với Lý Vân Hạc. Năm 1937, những chuyện tai tiếng của Lý Vân Hạc trở thành đề tài khai thác của các báo lá cải ở Thượng Hải và các công ty điện ảnh đã ngừng ký hợp đồng với Lý Vân Hạc. Lý Vân Hạc rơi vào thế cô lập, kinh tế kiệt quệ” (theo Vietnamnet/China Daily).

Chuyện Giang Thanh “bất hòa” sau ngày lên tháp Lục Hòa là một trang sóng gió trong “tình sử” của giới sân khấu điện ảnh ở Thượng Hải một thời. Cuốn Bốn người vợ của Mao Trạch Đông ghi nhận thêm về đoạn kết cuộc hôn nhân, qua bức thư ngỏ của Giang Thanh đăng trên tờ Họa báo Liên Hoa ngày 5.6.1937, có đoạn: “Anh ấy (Đường Nạp) lại đến, bước vào cửa và cứ thế chửi tôi. Tôi mời anh ấy đi ra. Anh ấy không chịu ra (...) Tôi biết anh ấy rất đau khổ, cứ để anh ấy chửi mắng, xả được khí tức trong lòng ra cũng tốt. Nhưng trời ơi ! Anh ấy đã chửi tôi như thế nào ? Anh ấy chửi tôi là đồ đĩ rạc, lợi dụng đàn ông để đề cao địa vị của mình, lừa dối anh ấy”. Nhất là vào một đêm: “Anh ấy lại tới, thế là tôi đánh anh ấy. Anh ấy cũng đánh lại tôi (…) tôi điên lên, trước nay tôi chưa bao giờ quát to như thế, lần này anh ấy đem đi tất cả thư từ đã viết cho tôi, nói là sẽ đăng báo thoát ly quan hệ với tôi, nhưng anh ấy không hề đăng”. Ngay mùa hè năm đó, Giang Thanh chính thức ly hôn với Đường Nạp. Để không lâu sau, vào cuối tháng 8.1937, Giang Thanh đã mạo hiểm lặn lội lên tới miền hoàng thổ Tây Bắc, đặt chân đến Diên An - “đất thánh” của cách mạng Trung Quốc - để gặp Mao Trạch Đông lần đầu tiên trong một ngôi giáo đường mà Chúa bỏ ra đi…  (còn nữa)

Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 19: Tháp Lục Hòa và nhóm nghệ sĩ “lục bất Hòa“