Từ sân bay Chu Lai (Quảng Nam) đi cảng Sa Kỳ 50km. Lý Sơn cách bờ 24km (khoảng nửa giờ tàu cao tốc). Sân bay quốc tế Đà Nẵng, cách Sa Kỳ chưa tới 150 km. Vậy mà...

Xin xây sân bay quốc tế Lý Sơn: Chuyện thật hay đùa?

Vi Văn Hưởng | 13/05/2021, 13:03

Từ sân bay Chu Lai (Quảng Nam) đi cảng Sa Kỳ 50km. Lý Sơn cách bờ 24km (khoảng nửa giờ tàu cao tốc). Sân bay quốc tế Đà Nẵng, cách Sa Kỳ chưa tới 150 km. Vậy mà...

Chiều 9.5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin xây cảng hàng không quốc tế Lý Sơn theo hình thức BOT, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển những vị trí đắc địa, đầy tiềm năng về du lịch. Dự kiến sân bLý Sơn (nằm trên xã An Hải) là sân bay cấp 4C, đường cất-hạ cánh dài 2.400m, đáp ứng khai thác các loại máy bay A320, A321 và tương đương, năng lực khai thác từ 3 - 3,5 triệu hành khách mỗi năm.

Hiện nay Việt Nam có 22 sân bay đang khai thác gồm 9 sân bay quốc tế, 13 sân bay nội địa. Theo quy hoạch phát triển hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt (quyết định số 236/QĐ-TTg), đến năm 2030 có thêm 6 sân bay, nâng tổng số lên 28 sân bay. Quy hoạch này đảm bảo cự ly tiếp cận tối đa đến sân bay vùng đồng bằng 100km, vùng miền núi 200km. Đến năm 2050 chỉ bổ sung thêm sân bay Cao Bằng.

Với cự ly tối đa 100km có sân bay, có thể nói Việt Nam dẫn đầu thế giới về mật độ sân bay. Với khoảng cách tối đa 100km, chỉ cần 1 giờ chạy ô tô đường cao tốc. Từ sân bay Chu Lai (Quảng Nam) đi cảng Sa Kỳ có 50km. Lý Sơn cách bờ 24km (khoảng nửa giờ tàu cao tốc). Sân bay quốc tế Đà Nẵng, cách Sa Kỳ chưa tới 150km.

Lý Sơn có diện tích 10,39km2 gồm đảo Lớn và đảo Bé với 5 ngọn núi lửa cổ, dân số khoảng 22.500 người. Mật độ dân số ở Lý Sơn cao nhất trong các huyện đảo, 2.165 người/km2, gấp 7 lần Phú Quốc (350 người/km2), gần bằng Hà Nội (2.398 người/km2). Khó nhất của Lý Sơn là nguồn nước hạn chế. Giữ Lý Sơn khỏi ô nhiễm môi trường do rác, nước thải, thuốc trừ sâu… hiện vẫn chưa làm được.

Diện tích nhỏ. Đảo Lớn gần như không có bãi tắm. Đảo Bé chưa tới 1km2, các bãi tắm hẹp, Nước ngọt ở đảo Bé phải chở từ đảo Lớn qua hoặc lọc từ nước biển. Du lịch nội địa hiện nay đã quá tải, nói chi đón khách quốc tế. Làm sân bay nội địa đã vô lý. Xây sân bay quốc tế, còn hơn chuyện Những người thích đùa (Azit Nexin). Hay tỉnh chủ trương sau này Lý Sơn chỉ đón khách quốc tế hoặc di dân vào đất liền để không gian làm du lịch?

Quy hoạch vận tải hàng không tầm nhìn 2020-2030, định hướng đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt và ban hành sẽ có nguy cơ bị phá sản nếu địa phương nào cũng đòi như Quảng Ngãi. Không chỉ tỉnh mà quận huyện nào cũng muốn làm sân bay, thậm chí sân bay quốc tế. Cứ đà này, máy bay cá nhân sẽ thay thế ô tô và xe gắn máy.

Cách đây 2 tháng, ngày 7.3.2021, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép mở tuyến đường thủy từ Đà Nẵng đi Lý Sơn dù Sở Giao thông vận tải tỉnh tham mưu không đồng ý vì năng lực vận chuyển từ cảng Sa Kỳ đi Lý Sơn vẫn chưa hết 50% công suất. Dự án bất khả thi vì đường biển từ Đà Nẵng đi Lý Sơn 150km, giá thành sẽ đội gấp mấy lần nếu đi đường bộ đến Sa Kỳ và từ Sa Kỳ đi tàu ra Lý Sơn 24km.

Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng: "Tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn là cần thiết bởi du lịch liên kết vùng miền không thể cục bộ địa phương, gây khó cho kết nối. Lý Sơn là đảo tiền tiêu, có ý nghĩa rất lớn về chủ quyền, càng nhiều du khách đến càng tốt”.

Để phát triển bền vững, Lý Sơn nên quy định lượng du khách ra đảo. Vấn đề là tăng dịch vụ, tăng doanh thu theo đầu người, chứ không chỉ tăng lượng khách. Nếu dịch vụ kém sẽ tạo ấn tượng xấu về đảo tiền tiêu. Khách ít hơn nhưng chi tiêu nhiều hơn, cả người dân, nhà nước và môi trường đều được lợi.

Tài nguyên du lịch Quảng Ngãi không chỉ có mỗi đảo Lý Sơn. Sao cứ làm chuyện vô lý. Chỉ trong vòng 2 tháng, dư luận vừa tạm lắng việc Quảng Ngãi đề xuất mở đường thủy từ Đà Nẵng đi Lý Sơn, nay lại ồn ào việc xây sân bay quốc tế. Không chừng sắp tới còn đề xuất làm cầu vượt biển, từ Sa Kỳ đến Lý Sơn, để lập kỷ lục ASEAN chăng?

Việc cần làm hiện nay của du lịch Quảng Ngãi là dựa vào dân và các doanh nghiệp địa phương phát triển du lịch cộng đồng với các homestay, gardenstay, farmstay, retreat… đúng chuẩn. Đặc biệt là tận dụng tiềm lực của những người Quảng Ngãi xa quê thành đạt. Mô hình đã có, quan trọng là thái độ cầu thị, hết lòng vì người dân. Trước khi tìm kiếm và chờ các đại bàng đầu tư đến lót ổ, cần trân trọng và khuyến khích chim sẻ tại chỗ làm tổ.

Trong khi chờ ngân sách để cải thiện cơ sở hạ tầng thì làm ngay việc nâng cấp tinh thần và thái độ các dịch vụ Quảng Ngãi, không riêng gì du lịch. Mình chưa yêu quê mình đủ thì khó mà rủ khách đến. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, không tốn tiền như nụ cười thân thiện, hành xử niềm nở với khách hàng. Đoạn tuyệt với tiếng ồn loa thùng công cộng, với các thói quen xấu như dùng nước chấm chung, dùng đũa muỗng riêng lấy thức ăn chung, gắp đồ ăn cho khách…

Trong điều kiện dịch bệnh rối ren, du lịch quốc tế đóng băng, việc Quảng Ngãi đề xuất xây dựng sân bay quốc tế ở đảo Lý Sơn rõ ràng là điều không bình thường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xin xây sân bay quốc tế Lý Sơn: Chuyện thật hay đùa?