Ấn Độ đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn quốc trong chiến dịch được gọi là “chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới”.
Thủ tướng Narendra Modi đã khai mạc đợt tiêm chủng vào sáng 17.1 thông qua một bài phát biểu trực tuyến trên truyền hình toàn quốc, khởi động chiến dịch này tại hơn 3.006 trung tâm trên khắp Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ cho biết khoảng 100 người sẽ được tiêm vắc xin tự nguyện trong ngày đầu tiên khởi động chiến dịch tiêm chủng. “Đây sẽ là chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới, bao phủ khắp phạm vi đất nước”, văn phòng Thủ tướng Modi ra tuyên bố.
Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ ưu tiên vắc xin cho khoảng 30 triệu nhân viên y tế, vệ sinh và lực lượng an ninh. Tiếp đến là khoảng 270 triệu người trên 50 tuổi hoặc có bệnh lý nền được xếp vào nhóm nguy cơ cao.
Người được tiêm vắc xin đầu tiên là nhân viên vệ sinh Manish Kumar (33 tuổi) tại Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ (AIIMS) trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan. “Tôi không có bất cứ nghi ngờ nào về việc tiêm vắc xin. Mọi người đều phải được tiêm chủng”, hãng tin ANI dẫn lời Kumar cho biết.
Ngoài ra, một số quan chức cấp cao của chính phủ cũng trở thành một trong những người đầu tiên tham gia chiến dịch, bao gồm tiến sĩ Randeep Guleria - giám đốc AIIMS và tiến sĩ VK Paul - thành viên cấp cao của NITI Aayog, cơ quan tư vấn chính sách cho chính phủ.
Trước đó vào ngày 4.1, Ấn Độ đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp 2 loại vắc xin, bao gồm vắc xin Covishield do công ty dược Thụy Điển AstraZeneca cùng Đại học Oxford phối hợp phát triển và loại vắc xin nội địa có tên Covaxin của công ty Bharat Biotech.
New Delhi đã mua 11 triệu liều vắc xin Covishield được Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất và 5,5 triệu liều Covaxin của Bharat Biotech. Theo cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ, vắc xin từ AstraZeneca có hiệu quả 72%, trong khi Bharat Biotech dự kiến công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của Covaxin vào tháng 3.
Tuy nhiên, nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh việc đưa Covaxin vào triển khai mà thiếu dữ liệu thử nghiệm giai đoạn ba được công bố. Trong số 81 điểm tiêm chủng ở Delhi, vắc xin Covishield đang được quản lý tại 75 trung tâm, trong khi 6 nơi khác được cung cấp Covaxin từ Bharat Biotech. Theo các quy tắc hiện hành, những người tình nguyện không thể lựa chọn loại vắc xin mà họ được tiêm chủng.
Tiến sĩ Gururaj, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Trung tâm Chấn thương Cột sống Ấn Độ (ISIC), một trong những trung tâm tiêm chủng ở thủ đô, nói với The Independent rằng việc chỉ cung cấp một trong các loại vắc xin cho mỗi trung tâm giúp duy trì tính liên tục, do cả hai loại đều yêu cầu tiêm hai liều cách nhau 28 ngày.
“Trên toàn thế giới hiện không có sự lựa chọn về loại vắc xin mà một người có thể dùng. Tại thời điểm này, mỗi trung tâm đều nhận được một loại vắc xin”, Gururaj cho biết.
Ấn Độ hiện là vùng dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ với hơn 10,5 triệu ca nhiễm và hơn 150.000 ca tử vong do nCoV.