Ấn Độ đang bùng nổ tăng trưởng và ngày càng bỏ xa Trung Quốc dựa vào hệ thống tài chính lành mạnh và hiệu quả, trong khi đó Trung Quốc lại đang vật lộn với sự giảm tốc do một hệ thống tài chính đầy khuyết tật.

Ấn Độ ngày càng bỏ xa Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng

Nhàn Đàm | 21/07/2017, 10:53

Ấn Độ đang bùng nổ tăng trưởng và ngày càng bỏ xa Trung Quốc dựa vào hệ thống tài chính lành mạnh và hiệu quả, trong khi đó Trung Quốc lại đang vật lộn với sự giảm tốc do một hệ thống tài chính đầy khuyết tật.

Cuộc đụng độ quân sự tại biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc kéo dài suốt hơn một tuần qua đã khiến cho không chỉ mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng, mà còn khiến cho cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á bị ngưng trệ.

Tuy nhiên, nó không hề ảnh hưởng đến một thực tế là Ấn Độ đang trên con đường trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm G20 và ngày càng bỏ xa Trung Quốc. Và cũng chưa bao giờ tình trạng giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này lại trái ngược nhau đến thế: Ấn Độ đang bùng nổ tăng trưởng dựa vào hệ thống tài chính lành mạnh và hiệu quả, trong khi Trung Quốc đang vật lộn với sự giảm tốc tăng trưởng do một hệ thống tài chính đầy khuyết tật.

Nếu biểu diễn tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc và Ấn Độ trong vòng 5 năm trở lại đây bằng đồ thị, thì của Trung Quốc là một đồ thị theo chiều đi xuống, còn của Ấn Độ là theo chiều đi lên. Năm 2015 là thời điểm hai đồ thị trái ngược này chạm nhau, khi tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đã chính thức cao hơn Trung Quốc, và khoảng cách ngày càng tăng lên.

Các nhà kinh tế của hãng tin Bloomberg dự đoán tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm nay sẽ cao hơn Trung Quốc khoảng 0,5%; khoảng cách này vào năm 2018 sẽ là 1,1%; và đến năm 2019 sẽ lên đến 1,6%.

Yếu tố đóng vai trò chủ yếu trong việc duy trì ổn định và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ được đánh giá là nhờ một hệ thống tài chính lành mạnh và hiệu quả. Một thị trường tài chính lành mạnh và hiệu quả có thể giúp cải thiện nền kinh tế thông qua tiết kiệm, phân bổ tín dụng, giảm chi phí sản xuất và kinh doanh của các loại hàng hóa và dịch vụ.

Ở Ấn Độ hiện tại, ngành tài chính hiện chiếm 36% trong số các công ty giao dịch công cộng, tăng khoảng 11% trong vòng 5 năm trở lại đây. Tỷ giá đồng nội tệ Rupee của Ấn Độ cũng như sự tăng trưởng ổn định của thị trường chứng khoán (TTCK) nước này hiện cũng đang ở mức gần như lý tưởng. Trong vòng 3 năm trở lại đây, đã có khoảng 4,7 tỉ USD đầu tư toàn cầu được rót vào TTCK Ấn Độ, và là mức cao nhất trong số tất cả các TTCK của các nền kinh tế mới nổi khác.

Sự hấp dẫn của Ấn Độ đối với các nhà đầu tư toàn cầu cũng diễn ra trên lĩnh vực mua bán và sáp nhập. Trong năm 2016, tổng giá trị các giao dịch mua bán và sáp nhập diễn ra trong nền kinh tế Ấn Độ đã đạt khoảng 164 tỉ USD, chiếm tới 3,3% về giá trị trong tổng số các giao dịch sáp nhập toàn cầu.

Tất cả những hoạt động kinh tế-tài chính sôi nổi này đã giúp cho hệ thống tài chính của Ấn Độ tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, điển hình là các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Yes Bank có trụ sở tại Mumbai là một ví dụ điển hình, khi vốn hóa thị trường của nó đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2 năm qua, một ngân hàng khác là Kotak Mahindra Bank cũng tăng 50%.

Neeraj Seth, Chủ tịch quỹ tài chính BlackRock có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Ấn Độ là thị trường yêu thích của chúng tôi ở châu Á. Đó sẽ vẫn là điểm đến ưa thích nhất của các nhà đầu tư toàn cầu trong năm 2017, và là điểm sáng lớn nhất trong số các nền kinh tế mới nổi''.

Trong khi đó, ở Trung Quốc mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Chưa bao giờ sự kiểm soát của Bắc Kinh lên hệ thống tài chính của mình lại trở nên chặt chẽ đến thế: hầu hết các giao dịch lớn ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc đều bị kiểm tra nghiêm ngặt, dẫn đến việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã giảm tới 46% trong vòng 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ 2016. Chiến dịch ngăn chặn dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh hiện đã lan tới cả các tập đoàn lớn nhất của những tỷ phú giàu nhất nước này, điển hình nhất là Dalian Wanda của tỷ phú giàu thứ hai Trung Quốc Vương Kiện Lâm.

Lý do chủ yếu cho sự xiết chặt này là để đảm bảo ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ, cũng như để vá các lỗ hổng trên thị trường tài chính đầy khuyết tật của Trung Quốc trước khi quá muộn. Thậm chí, trong bài phát biểu gần nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng chấp nhận một mức tăng trưởng GDP thấp hơn dự kiến để ổn định lại hệ thống tài chính của mình.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ ngày càng bỏ xa Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng