UBND tỉnh An Giang vận động người lao động, hộ gia đình có người thân đang làm việc ở các tỉnh khác và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn. Sở Y tế sẽ tổ chức tiêm vắc xin nhanh, đúng người, an toàn, hiệu quả.
Chiều 3.8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang cho biết ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang vừa ký công văn số 805 /UBND-KGVX, thực hiện Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31.7 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành trong thời gian qua.
UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 phải thực hiện nghiêm, có thể áp dụng các biện pháp cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương. Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú đến hết ngày giãn cách 15.8 (trừ những người được chính quyền cho phép).
Vận động người lao động, hộ gia đình có người thân đang làm việc tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách “ai ở đâu ở đấy”; chủ động phối hợp với Hội đồng hương của địa phương tại TP.HCM và các tỉnh khác có kế hoạch hỗ trợ cung cấp ngay lương thực, thực phẩm, y tế cho những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ, yếu thế đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn.
UBND tỉnh An Giang giao Sở Y tế tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Đồng thời, tổ chức tiêm vắc xin nhanh, đúng người, an toàn, hiệu quả, không để vắc xin hết hạn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc xin, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng thành phần và các tiêu cực khác trong việc tiêm vắc xin. Xử lý nghiêm, kịp thời theo pháp luật các trường hợp vi phạm. Người đứng đầu các cấp chính quyền chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc tiêm vắc xin.
Bên cạnh đó, Sở Y tế phải có kế hoạch huy động đội ngũ cán bộ y tế (nhất là lực lượng hồi sức cấp cứu) không phân biệt công, tư tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn; có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, số lượng bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên. Sẵn sàng chi viện cho các địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp trong tỉnh theo sự điều phối của Sở Y tế.
Chú trọng chăm lo động viên tinh thần, đảm bảo phương tiện phòng hộ, hỗ trợ vật chất đối với lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp chống dịch. Có phương án sử dụng hợp lý lực lượng y tế, những nơi không nhất thiết cần nhân viên y tế thì hướng dẫn các lực lượng khác và người dân thực hiện.
Xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị y tế; phương án đảm bảo sản xuất đời sống, an sinh xã hội, trật tự xã hội theo các kịch bản dịch bệnh; sẵn sàng cho tình huống dịch diễn biến xấu. Tuyệt đối không để tiêu cực trong mua sắm.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh An Giang chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực tới phòng chống dịch bệnh.