Xung đột quân sự Nga - Ukraine nếu kéo dài có thể làm tổn hại đến chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu, tạo áp lực lên giá cả và sản lượng ngũ cốc ở Trung Quốc ngay ở vụ gieo trồng chính.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đã cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng lương thực thế giới vì xung đột Nga - Ukraine đe dọa hoạt động sản xuất các loại cây trồng chủ yếu. Nga và Ukraine chiếm hơn 50% nguồn cung dầu hướng dương cùng 30% nguồn cung lúa mì thế giới.
Trung Quốc có khả năng tự cung tự cấp các loại cây trồng chủ yếu như lúa mì hay gạo, nhưng xung đột đẩy giá phân bón tăng cao. Hơn một nửa lượng potash (một số hợp chất chứa kali) - chất dinh dưỡng cần thiết cho nhiều loại cây trồng - mà Trung Quốc tiêu thụ hàng năm là hàng nhập khẩu, số liệu hải quan cũng cho thấy gần 53% lượng kali nước này mua vào năm ngoái đến từ Nga và Belarus.
Đầu tháng qua, Moscow để ngỏ khả năng tạm ngừng xuất khẩu phân bón, Lithuania cùng Ukraine cũng cấm vận chuyển potash Belarus qua cảng biển nước họ. Ukraine chính thức cấm xuất khẩu phân bón từ cuối tuần trước.
Học giả Hứa Hồng Tài thuộc Hội Khoa học chính sách Trung Quốc (CAPS) cảnh báo: “Điều này chắc chắn tác động đến an ninh lương thực. Nếu buôn bán phân cốc và ngũ cốc bị gián đoạn, làm sao chúng ta có thể gieo trồng vào mùa xuân? Làm sao giữ được bát cơm cho 1,4 tỉ dân? Rất nhiều phiền phức sẽ đến”.
Tờ Nông dân nhật báo tuần qua đăng bài viết với nội dung: “Tình hình thế giới phức tạp. Nguồn cung phân bón bị thắt chặt, đặc biệt là nhập khẩu potash ngày càng bất ổn. Xung đột đã đẩy giá phân bón tăng vọt, làm tăng chi phí trồng trọt khiến thu nhập của nông dân giảm”.
Theo nền tảng cung cấp thông tin thị trường hàng hóa BAIINFO của Trung Quốc, tỷ trọng potash nhập khẩu trong tổng lượng potash nước này tiêu thụ giai đoạn 2019 - 2021 luôn cao hơn 50%. Tháng 7.2020, Trung Quốc tiến hành hợp nhất 3 kho dự trữ phân bón quan trọng thành kho dự trữ phân bón thương mại quốc gia để đảm bảo duy trì nguồn cung potash trong nước, giảm thiểu tác động thiên tai. Đầu tuần qua Ủy ban Cải cách - Phát triển quốc gia Trung Quốc thông báo bắt đầu giải phóng hơn 3 triệu tấn phân bón nitơ, phân lân cùng phân bón tổng hợp dùng cho vụ xuân.
Năm ngoái, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu phân bón và đưa những đơn vị sản xuất phân bón ra khỏi danh sách doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.
Giá potash quốc tế bắt đầu tăng từ năm 2021, khi trừng phạt của phương Tây với Belarus ảnh hưởng đến xuất khẩu potash của nước này. Đà tăng duy trì đến nay vì xung đột quân sự Nga - Ukraine cùng loạt lệnh cấm sau đó.
Theo đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin tài chính Wind, giá giao ngay potash tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 4.930 Nhân dân tệ (770 USD) /tấn vào ngày 16.3 – cao hơn gấp đôi mức giá một năm trước. Đội ngũ nhà phân tích thuộc công ty tài chính quốc tế Trung Quốc (CICC) tuần trước đưa ra nhận định: “Bị thúc đẩy bởi chi phí sản xuất cao hơn do giá dầu thô và phân bón tăng, giá nông sản Trung Quốc như ngô và lúa mì chịu áp lực tăng lớn hơn”.