An toàn thực phẩm trong trường học là điều không chỉ phụ huynh quan tâm mà còn là điều cả xã hội chú ý, bởi trường học chính là nơi "ươm mầm" cho thế hệ mai sau.

An toàn thực phẩm trong trường học: Kiểm tra, giám sat thường xuyên

Dạ Thảo | 27/11/2020, 09:57

An toàn thực phẩm trong trường học là điều không chỉ phụ huynh quan tâm mà còn là điều cả xã hội chú ý, bởi trường học chính là nơi "ươm mầm" cho thế hệ mai sau.

Trong thời gian gần đây, liên tiếp phát hiện các trường học vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và đây cũng là vấn đề nóng được dư luận quan tâm. An toàn thực phẩm trong trường học là mối lo chung không chỉ của học sinh, phụ huynh mà cũng là mối lo của các cơ quan chức năng, trường học làm sao đảm bảo nhất mỗi bữa ăn cho học sinh.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ở các vụ ngộ độc tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông, hơn nữa các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

tr_25_-_can_co_che(1).jpg
Kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học cần có sự vào cuộc của cả ngành giáo dục lẫn y tế

Làm thế nào để vừa bảo đảm được chế độ dinh dưỡng cho học sinh nhưng vẫn kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là bài toán khó trong các trường học có bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, chất lượng an toàn thực phẩm trong các trường học liên quan đến nhiều khâu, nhiều quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội.

Theo đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, một trong những nhiệm vụ, cũng là mục tiêu trọng tâm của ngành giáo dục thủ đô trong năm học 2020-2021 này là bảo đảm an toàn sức khỏe học sinh, coi đây là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Với hàng chục nghìn suất ăn cho học sinh, để bảo đảm an toàn không chỉ ngành giáo dục mà còn có sự vào cuộc của ngành y tế.

Đầu năm học, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường trên địa bàn. Nội dung là kiến thức và quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm… Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng hướng dẫn nhà trường xây dựng khu vực bếp ăn theo quy trình “1 chiều”. Nhà bếp được trang bị đầy đủ tủ lạnh, tủ lưu mẫu thực phẩm sống và chín riêng biệt... Thực hiện lưu mẫu thức ăn hằng ngày theo quy định và bắt buộc phải có hợp đồng nhập thực phẩm, cam kết trách nhiệm với các cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín trên địa bàn. Tuyệt đối không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, các trường học trên địa bàn TP.Hà Nội có tổ chức ăn bán trú phải tiến hành rà soát hồ sơ năng lực của các đơn vị cung cấp thực phẩm, cung cấp suất ăn theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm chế biến bữa ăn học đường cho các em học sinh bảo đảm nguồn gốc, chất lượng và giàu chất dinh dưỡng.

Thực hiện tốt việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực ba bước theo quy định, việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn thực phẩm khi cần thiết. Nhà trường phối hợp hội cha mẹ học sinh, ban giám sát an toàn thực phẩm, công đoàn, cán bộ y tế học đường… thường xuyên kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh tại bếp ăn bán trú nhằm hạn chế tình trạng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn.

Ngay sau khi xảy ra các sự việc tại các trường các suất ăn cho học sinh có giòi, Sở GD-ĐT Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra liên ngành tới các quận. Trao đổi với phóng viên về tình hình an toàn thực phẩm trong trường học tại quận mình, ông Tạ Ngọc Thắng - Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa cho biết ngay sau khi nhận được công văn từ Sở GD-ĐT phòng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các nhà trường; tham mưu UBND quận bố trí kinh phí đầu tư, cải tạo các hạng mục có liên quan đến công tác an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Trong khi đó, bà Trần Thị Nghĩa - hiệu trưởng Trường mầm non Kim Liên cho biết: Hằng ngày nhà trường thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 800 trẻ. Nhà trường đã thành lập tổ tự giám sát bếp ăn bán trú, có sự tham gia của cha mẹ học sinh; có sổ theo dõi việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm nhập vào bếp ăn bán trú hằng ngày. Việc tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về quy trình giao - nhận, cách thức kiểm tra như kiểm tra nguồn gốc, mã hàng, lô sản xuất, lưu kho... được coi trọng nhằm phát hiện ngay các nguy cơ mất an toàn cho trẻ ngay từ khâu đầu tiên khi thực phẩm vào trường.

Chia sẻ với phóng viên ngay sau khi trên quận mình có trường Thực nghiệm đưa các suất ăn có giòi vào cho học sinh mà báo chí mới phản ánh, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình nhận định nguyên nhân để xảy ra ngộ độc trong trường học chính là do không kiểm soát đầu vào thực phẩm tại các trường. "Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bữa ăn bán trú, thiết nghĩ, nhà trường cần nâng cao nhận thức, kiến thức an toàn thực phẩm cho giáo viên, người chế biến thực phẩm trong trường học. Các trường cần chấm dứt hợp đồng cung cấp thực phẩm với doanh nghiệp vi phạm về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, phụ huynh cần được tham gia trực tiếp vào việc giám sát. Nhà trường cần thành lập ban giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm, trong đó phụ huynh là thành phần của ban và trực tiếp giám sát hàng ngày. Nếu trường hợp nào sai phạm, chúng tôi sẽ cho xử lý nghiêm những đơn vị cung cấp này".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An toàn thực phẩm trong trường học: Kiểm tra, giám sat thường xuyên