Anh Hai Nghĩa là một nhà lãnh đạo chân thành, phân biệt rõ đúng sai trong mọi tình huống, sống với anh em, bè bạn luôn trọn tình trọn nghĩa, đầy yêu thương, bao dung và độ lượng.
Anh Hai Nghĩa
Điều ân hận nhất của tôi là những ngày cuối cùng, trước khi anh ra đi, là không ghé thăm Anh được. Không thăm Anh bởi khi anh nằm trong bệnh viện ở TP.HCM một tháng trời để chữa bệnh mà tôi không biết do không ai cho hay tin. Thật là sự hối tiếc đối với tôi.
Anh là một nhà lãnh đạo chân thành, phân biệt rõ đúng sai trong mọi tình huống, sống với anh em, bè bạn thì trọn tình nghĩa, đầy yêu thương, bao dung và độ lượng. Đến nỗi có một giai đoạn, một vị lãnh đạo rất cao cấp ở trong Nam buột miệng nói với tôi: “Trong những lúc khó khăn nhất, anh Hai Nghĩa là chỗ dựa để tôi tin cậy, để tâm sự ruột gan mà luôn được chia sẻ chân thành”.
Đời sống riêng của Anh giản dị, trong lành lúc đương chức cũng như sau khi đã về hưu. Anh không bao giờ đứng về phía kẻ mạnh mà không có chân lý thuyết phục. Trong vụ án Năm Cam, ông Hữu Thọ nói lại với tôi một ý trong cuộc họp cấp cao: Tình thế khó đến mức, Hai Nghĩa phải rào đón: nếu được các anh ủng hộ và đứng phía sau, chúng tôi sẽ làm tới nơi, tới chốn vụ án phức tạp này. Ông Hữu Thọ giải thích thêm cho tôi: “mày biết vụ án phức tạp đến cỡ nào thì Hai Nghĩa mới phát biểu kiểu rào đón như vậy trong cuộc họp toàn cấp cao”.
Có một vụ việc cụ thể về công tác cán bộ. Một cán bộ của một ngành kinh tế nhà nước quan trọng bị anh Hai Nghĩa “chiếu tướng” vì nghe người này lộn xộn về tài chính, làm ăn không minh bạch, mặc dù quy trình bổ nhiệm gần như đã được thông qua ở cấp cao. Anh mà không đồng ý, thì cấp quyết định cao hơn cũng buộc phải dừng lại, chờ ý kiến người phụ trách nội chính của Chính phủ là Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, tức là anh. Người cán bộ sắp được bổ nhiệm bí lối, tìm cách xin gặp Anh trực tiếp để trình bày: “Chắc anh nghe nói em có dính líu đến tham nhũng, tư túi để làm giàu, em có thể khẳng định với anh, rằng không hề có chuyện đó như người ta phản ảnh. Anh có thể cho em trình bày và anh sẽ xác minh những đồn đại đó là ác ý và em bị oan”. Anh Hai Nghĩa điềm đạm mời cán bộ ấy uống nước trà, ăn trái cây và nhẹ nhàng hỏi han những điều cần biết. Anh không trả lời gì cụ thể với người cán bộ đến thanh minh việc cá nhân. Nhưng sau một thời gian thẩm tra lại kỹ càng, Anh thay đổi ý kiến. Tôi là người chứng kiến việc này, và người cán bộ mà tôi vừa đề cập vẫn còn công tác, hiện đương chức. Tôi chắc rằng người cán bộ ấy chẳng tốn với anh Hai Nghĩa một xu nào.
Khi nghỉ hưu, Anh về Bến Tre sống với mảnh vườn quê nhà, trồng rau, trồng cây ăn trái. Món mà Anh thích và hay đãi khách là bánh xèo. Con gái anh mở quán bánh xèo “Ăn là ghiền” để sinh nhai. Hình như con cái anh Hai Nghĩa cũng không hề dựa vào thế cha để mà leo lên, tranh thủ chức tước bổng lộc.
Anh ra đi thanh thản nghe Anh Hai. Mọi người hiểu Anh, kính trọng Anh, thương tiếc Anh.