Theo các nhà phân tích quân sự, sự hiện diện của hải quân Anh tại Biển Đông sẽ giúp kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Anh tính toán gì khi cho nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth vào Biển Đông?

Hoàng Vũ | 01/08/2021, 11:16

Theo các nhà phân tích quân sự, sự hiện diện của hải quân Anh tại Biển Đông sẽ giúp kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth cùng các chiến hạm hộ tống ngày 28.7 di chuyển trên vùng biển quốc tế ở phía nam quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông). Trước đó 2 ngày, nhóm tàu tác chiến Queen Elizabeth cũng đi qua eo biển Singapore và tiến vào Biển Đông để diễn tập cùng ba chiến hạm của hải quân Singapore ở vùng biển quốc tế phía nam khu vực này.

Đây là lần đầu tiên nhóm tác chiến thế hệ 5 của hải quân Anh diễn tập cùng hải quân Singapore. Trong các tuần tới, nhóm tác chiến Queen Elizabeth dự kiến đi qua Biển Đông và eo biển Đài Loan, rồi đến Biển Hoa Đông. Những động thái này thể hiện cam kết của Anh trong việc phối hợp với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, để ứng phó với Trung Quốc trên biển.

hai-quan-anh.png
Nhóm tàu tác chiến của hải quân Anh - Ảnh: SCMP

Trung Quốc sau đó đã cảnh báo đội tác chiến tàu sân bay của Anh không được tiến hành bất kỳ "hành động không thích hợp nào" khi tiến vào vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Đông. Ngô Khiêm (Wu Qian) - người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 30.7 tuyên bố Bắc Kinh tôn trọng các hoạt động tự do hàng hải nhưng kiên quyết phản đối bất kỳ hoạt động hải quân nào "nhằm gây mất ổn định hòa bình khu vực, bao gồm cả việc hợp tác quân sự mới nhất giữa Anh và Nhật".

“Hải quân Trung Quốc sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để đáp trả những gì Bắc Kinh coi là gây hấn”, ông Ngô nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là tờ Thời báo Hoàn cầu (thuộc Cơ quan Ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) cho rằng "ý tưởng về sự hiện diện của Anh ở Biển Đông là nguy hiểm" cũng như khẳng định hải quân Trung Quốc đang trong tình trạng cao độ sẵn sàng tác chiến.

tap-tran-hai-quan-anh.jpg
Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth trong cuộc diễn tập cùng hải quân Singapore ngày 26.7 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong tại Macau cho rằng London đã sử dụng động thái này để cố gắng xây dựng lại uy tín và nêu bật cam kết tham gia cùng Pháp, Đức và Hà Lan trong việc hỗ trợ các nỗ lực và hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

“Các chuyến thăm cấp cao và các cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông là dấu hiệu cho thấy sự hồi sinh của Hải quân Hoàng gia Anh sau nhiều thập kỷ. Đây cũng là sự chuẩn bị tốt cho hải quân Anh. Và rõ ràng là Mỹ sẽ hoan nghênh sự hỗ trợ của Anh trong việc ngăn chặn Trung Quốc vì Washington nhận thức rõ tầm ảnh hưởng của London trong khu vực”, Wong nhận định.

Collin Koh - chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cho biết việc triển khai liên tục của nhóm tàu tấn công đến châu Á đã làm nổi bật cách tiếp cận mới của London hướng ra toàn cầu trong thời kỳ hậu Brexit.

“Việc triển khai chắc chắn cho thấy rằng Anh tiếp tục là một trong những cường quốc quân sự lớn của thế giới. Đó là một lời nhắc nhở rằng London có những lợi ích lâu đời kéo dài hàng thế kỷ ở khu vực này của thế giới”, ông nói.

Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng thì lại cho rằng “hành trình của nhóm tác chiến Queen Elizabeth tới châu Á chỉ là một cử chỉ chính trị để thể hiện phản ứng của London đối với chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ, và hải quân Anh rất thận trọng để không khiêu khích Bắc Kinh”.

“Các cuộc tập trận chung của nhóm tàu tấn công với rất nhiều quốc gia sẽ giúp London xây dựng lại hệ thống phối hợp cung cấp quân sự và hậu cần với NATO và các đồng minh khác”, Lu nói thêm.

Phớt lờ phán quyết của Toà trọng tài năm 2016 khi tòa bác bỏ cái gọi là “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra ở Biển Đông, Trung Quốc thời gian qua vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với phần lớn lãnh hải trong vùng biển này và tiếp tục tích cực xây dựng các bãi đá và đường băng nhân tạo bất chấp sự phản đối từ nhiều quốc gia trong khu vực.

Các tàu chiến của Hải quân Mỹ và Anh đã thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông thông qua việc di chuyển qua khu vực một cách có chủ đích. Đáng chú ý, hưởng ứng theo Washington, London thời gian gần đây cũng liên tục chỉ trích và phản ứng đối với tuyên bố chủ quyền do Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Anh tháng 9 năm ngoái đã công bố lập trường về các vấn đề pháp lý tại Biển Đông và đặc biệt nhấn mạnh đến việc tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) và phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Anh cùng Pháp và Đức cũng đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối những yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bài liên quan
Việt Nam lên tiếng sau tranh cãi giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông
Việt Nam bác bỏ mọi yêu sách trái luật pháp quốc tế ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc và Philippines tranh cãi về cái gọi là "quyền lịch sử" tại khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh tính toán gì khi cho nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth vào Biển Đông?