Nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, do Foxconn điều hành ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, đã áp dụng các chính sách kiểm soát dịch chặt chẽ.

Áp đặt các hạn chế ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới

Sơn Vân | 21/10/2022, 09:12

Nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, do Foxconn điều hành ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, đã áp dụng các chính sách kiểm soát dịch chặt chẽ.

Mục đích là để duy trì hoạt động sản xuất bình thường trong bối cảnh đợt bùng phát dịch mới khiến một phần thành phố bị phong tỏa.

Khuôn viên Foxconn tại Trịnh Châu, nơi có khoảng 300.000 nhân viên, đã cấm tất cả mọi người ăn uống và yêu cầu nhân viên mang bữa ăn trở về ký túc xá của họ bắt đầu từ 15 giờ chiều 20.10, theo thông báo trên tài khoản WeChat chính thức của nhà máy.

Foxconn sẽ cung cấp ba bữa ăn miễn phí cho nhân viên và một số bộ phận, chẳng hạn như Nhóm kinh doanh sản phẩm kỹ thuật số tích hợp - bộ phận trực tiếp chịu trách nhiệm lắp ráp iPhone của Apple. Những nhân viên này cũng được thưởng thêm 50 nhân dân tệ mỗi ngày nếu báo cáo làm việc đúng giờ trong bối cảnh các hạn chế mới.

Bắt đầu từ tuần này, nhân viên của Foxconn ở Trịnh Châu chỉ được phép đi làm dọc theo một số tuyến đường nhất định trong khuôn viên, với nhiều lối ra vào bị đóng cửa trên thực tế. Công ty cũng đã kêu gọi các nhân viên sống bên ngoài chuyển vào các ký túc xá trong khuôn viên nhà máy Foxconn, theo một thông báo riêng hôm 17.10.

Hoạt động sản xuất trong khuôn viên Trịnh Châu vẫn diễn ra bình thường, không có tác động đáng kể nào do tình hình đại dịch”, một phát ngôn viên của Foxconn cho biết hôm 20.10.

ap-dat-cac-han-che-voi-nha-may-san-xuat-iphone-lon-nhat-the-gioi.jpg
Khu phức hợp sản xuất của Foxconn ở Trịnh Châu - Ảnh: Weibo

Các biện pháp bổ sung tại Foxconn phản ánh cuộc đấu tranh của Trung Quốc để giữ cân bằng giữa hai mục tiêu bị xung đột là phát triển kinh tế liên tục và không khoan nhượng với vi rút SARS-CoV-2. Các biện pháp mới được đưa ra khi nhà máy của Foxconn tăng cường sản xuất các mẫu iPhone 14.

Trịnh Châu báo cáo 7 ca mắc COVID-19 mới vào ngày 20.10. Thành phố 10 triệu dân đã phong tỏa một số khu vực và ra lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu trong khi cho phép những người trong danh sách trắng của chính phủ tiếp tục hoạt động.

Đợt bùng phát dịch mới và xét nghiệm bắt buộc trên khắp Trung Quốc đang làm gia tăng những bất ổn trong chuỗi cung ứng. Một số doanh nghiệp đang gấp rút áp dụng cái gọi là hệ thống “khép kín” để giữ cho các nhà máy hoạt động.

Ngoài việc sắp xếp bữa ăn, nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu cũng yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang N95 kín mít mọi lúc, trừ khi ở trong ký túc xá của họ, và nơi đây đang tiến hành xét nghiệm axit nucleic mỗi ngày. Một số nhân viên đã phàn nàn về các biện pháp mới trên mạng xã hội.

Thức ăn của tôi rất ấm khi tôi nhận nó, nhưng đã nguội lạnh khi tôi về đến ký túc xá của mình. Họ nghĩ gì khi đưa ra chính sách này?”, một người dùng viết trên Xiaohongshu (mạng xã hội tương tự Instagram). Người này cũng đăng ảnh xếp hàng dài để nhận đồ ăn.

Hôm 26.9, Apple cho biết sẽ sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ khi cố giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các nhà phân tích tại hãng dịch vụ tài chính JPMorgan Chase kỳ vọng Apple sẽ chuyển khoảng 5% sản lượng iPhone 14 cuối năm 2022 sang Ấn Độ, thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Họ cho biết trong một ghi chú rằng Apple có thể sản xuất đến 25% tổng số iPhone của mình ở Ấn Độ vào năm 2025. Cũng theo các nhà phân tích JPMorgan Chase, Apple sẽ chuyển 20% sản lượng iPad và Apple Watch sang Việt Nam vào năm 2025.

Apple đã bắt đầu sản xuất một số thiết bị của mình ở Ấn Độ và Việt Nam từ vài năm trước, dần dần cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo JPMorgan Chase, Apple chuẩn bị đưa hai quốc gia này trở thành những trung tâm sản xuất quan trọng trên toàn cầu.

Theo trang TechCrunch, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.

Ấn Độ đã thu hút các khoản đầu tư từ Foxconn và Wistron, 2 nhà cung cấp chính cho Apple, những năm gần đây khi các khoản trợ cấp béo bở liên tục được chính phủ nước này đưa ra.

Trong tương lai, Ấn Độ sẽ tiến tới trở thành một trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết sự hiện diện của những gã khổng lồ sản xuất nước ngoài cùng với “nguồn lao động dồi dào và chi phí lao động cạnh tranh” khiến Ấn Độ trở thành một địa điểm sản xuất đáng mơ ước.

Samsung, đối thủ của Apple, sớm xác định Ấn Độ là trung tâm sản xuất quan trọng trên toàn cầu và đã thành lập một trong những nhà máy lớn nhất tại đây.

Google cũng có kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Pixel sang Ấn Độ. Công ty cho biết sẽ ra mắt các mẫu smartphone Pixel 7 sắp tới ở Ấn Độ.

Ngay cả khi chỉ chiếm thị phần nhỏ ở Ấn Độ, nhà sản xuất iPhone cũng mở rộng đầu tư vào nước này trong suốt 5 năm qua. Apple đã mở cửa hàng Apple trực tuyến tại Ấn Độ hai năm trước và đang nỗ lực để khai trương cửa hàng thực đầu tiên tại quốc gia này.

Chuỗi cung ứng iPhone của Ấn Độ trước đây chỉ cung cấp các mẫu cũ. Điều thú vị là Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp sản xuất các mẫu iPhone 14/14 Plus ở Ấn Độ trong quý 4/2022. Điều này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của ngành sản xuất tại Ấn Độ. Chúng tôi tin rằng Apple hiện chỉ sản xuất các mẫu iPhone 14/14 Plus tại Ấn Độ do việc căn chỉnh mô đun camera phức tạp của dòng iPhone 14 Pro đòi hỏi công nghệ cao hơn và nhu cầu lớn của thị trường nội địa với dòng iPhone 14. Chúng tôi tin rằng khối lượng sản xuất iPhone tại Ấn Độ sẽ tăng dần trong tương lai.

Các nhà cung cấp Đài Loan, đặc biệt là Pegatron và Wistron, đang chọn lọc hơn và ưu tiên lợi nhuận trong khi tập trung vào các lĩnh vực mới như ô tô điện và máy chủ. Foxconn vẫn là đối tác chính cho iPhone và sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ”, báo cáo của JPMorgan Chase cho biết.

Các nhà phân tích nói trong ngắn hạn, Trung Quốc và Đài Loan vẫn sẽ tiếp tục chiếm thị phần sản xuất lớn do công nghệ cũng như chi phí không quá cao.

Bài liên quan
Lý do iPhone Pro tân trang bán chạy ở Mỹ dù iPhone 14 lên kệ
Công ty phân tích Counterpoint Research vừa công bố báo cáo hấp dẫn về thị trường ĐTDĐ tân trang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp đặt các hạn chế ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới