Fiinratings cho rằng áp lực trả nợ trái phiếu đối với các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 - 2025 là khá lớn và thách thức đối với thị trường này vẫn còn.
Tài chính và đầu tư

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn với doanh nghiệp bất động sản

Lam Thanh 10/05/2024 13:50

Fiinratings cho rằng áp lực trả nợ trái phiếu đối với các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 - 2025 là khá lớn và thách thức đối với thị trường này vẫn còn.

Trong tháng 4, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 13 giao dịch phát hành với tổng trị giá 13,9 nghìn tỉ từ 6 doanh nghiệp và ngân hàng, tăng 29,1% so với tháng trước và tương đương 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 4 ghi nhận các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản đã bớt dư thừa trong hệ thống. Các ngân hàng cũng tích cực phát hành trái phiếu mới để bù đắp lượng trái phiếu mua lại sẽ đáo hạn vào năm sau, qua đó tái cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng các quy định.

Báo cáo cũng cho biết tổng trị giá giao dịch trái phiếu riêng lẻ đạt hơn 74 nghìn tỉ đồng, giảm 24,2% so với tháng trước. Trong đó, trị giá giao dịch trái phiếu ngân hàng tuy giảm 42,3% MoM, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu giao dịch theo ngành. Thanh khoản trung bình ngày trong tháng 4 đạt 3,9 nghìn tỉ đồng, tương đương 83,8% tháng trước.

tp.jpeg
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn với doanh nghiệp bất động sản

Một số doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu trong thời gian tới, gồm Ngân hàng HDBank và 3 doanh nghiệp trong ngành bất động sản là Vingroup, Vinhomes, Tổng công ty Đầu tư và phát triển (DIG).

Hoạt động mua lại trong tháng 4 chủ yếu đến từ nhóm ngành tổ chức tín dụng. Tổng trị giá trái phiếu được mua lại trước đáo hạn đạt 10,4 nghìn tỉ đồng, tăng 7,2% so với tháng 3 và tương đương 70,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, trái phiếu ngân hàng chiếm đến 95%. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam là các bên đang tăng cường thực hiện hoạt động này. Đây cũng chính là các ngân hàng đã phát hành lượng lớn trái phiếu trong tháng 4.

Như đã đề cập ở trên, việc mua lại trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm sau và phát hành trái phiếu mới giúp ngân hàng cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn, đặc biệt là vốn cấp 2 được tính vào tỷ lệ an toàn vốn (đối với Ngân hàng MB phát hành trái phiếu mới kỳ hạn 5 năm trở lên).

Tuy áp lực đáo hạn và hoàn thành nghĩa vụ nợ sau khi thực hiện giãn hoãn hoặc cơ cấu vẫn còn, Fiinratings ghi nhận các doanh nghiệp vẫn đang đáp ứng đúng tiến độ.

Tính đến ngày 2.5.2024, ước lượng trị giá trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm đạt 257,17 nghìn tỉ đồng. Trong đó, trái phiếu của nhóm ngành bất động sản đạt 100,26 nghìn tỉ đồng, chiếm gần 39% tổng khối lượng đáo hạn và tương đương 2/3 số dư vào đầu tháng 12.2023.

Báo cáo cũng đánh giá áp lực trả nợ đối với các nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024, 2025 là khá lớn, đặc biệt đối với các trái phiếu chậm trả gốc/lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022, 2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định 08/2023. “Thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định, dẫn tới doanh nghiệp chưa có đủ thời gian để sắp xếp dòng tiền trả nợ”, Fiinratings nêu.

Bài liên quan
Nghiên cứu thành lập quỹ, phát hành trái phiếu cho nhà ở xã hội
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ về nhà ở xã hội, đề xuất sớm trước ngày 30.6.2024; xây dựng, hướng dẫn các địa phương phát hành trái phiếu cho nhà ở xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội
35 phút trước Theo dòng thời sự
Với 475/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, thông qua Nghị quyết, Quốc hội đã bầu ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, làm Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn với doanh nghiệp bất động sản