Công ty Công nghệ lưu trữ Dương Tử (YMTC) đối mặt với áp lực lớn vì có nguy cơ chịu hạn chế thương mại từ Mỹ.

Áp lực phải tự chủ công nghệ của hãng chip nhớ hàng đầu Trung Quốc

Cẩm Bình | 25/09/2022, 10:54

Công ty Công nghệ lưu trữ Dương Tử (YMTC) đối mặt với áp lực lớn vì có nguy cơ chịu hạn chế thương mại từ Mỹ.

Vài tháng trước khi xung đột thương mại Mỹ - Trung bùng phát vào tháng 7.2018, truyền thông Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung kêu gọi đội ngũ nhà khoa học và kỹ sư nước nhà cố gắng đạt đột phá trong các công nghệ cốt lõi.

Nhiều bản tin sử dụng hình ảnh của hãng Tân Hoa Xã, cho thấy Chủ tịch Tập cùng đoàn quan chức tháp tùng tham quan cơ sở Công ty sản xuất bán dẫn Tân Tâm ở thành phố Vũ Hán (XMC, công ty con của YMTC).

Từ thời điểm đó đến nay, YMTC dẫn đầu nỗ lực tự chủ công nghệ mà Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra, nhưng hoàn cảnh công ty đã thay đổi. Công ty không còn thuộc sở hữu của tập đoàn Tử Quang (Tsinghua Unigroup) mà được Công ty Trí Quảng Tâm mua lại. Quan trọng hơn, YMTC còn đối mặt với áp lực lớn trong bối cảnh công ty có thể bị Mỹ áp đặt hạn chế.

china01.jpg
Trụ sở tại Vũ Hán của YMTC - Ảnh: Handout

YMTC may mắn không chịu chung số phận như tập đoàn viễn thông Huawei hay nhà sản xuất chip SMIC - hai đơn vị Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt ngay thời gian đầu “cuộc chiến” công nghệ giữa hai nước bùng nổ. Vì thế, YMTC trở thành đơn vị dẫn đường đưa ngành bán dẫn nội địa giảm phụ thuộc công nghệ nước ngoài, theo đuổi đổi mới sáng tạo.

Trang Nikkei Asian Review năm 2021 cho biết YMTC lập một đội hơn 800 người phụ trách xem xét chuỗi cung ứng nhằm tìm cách thay thế các nhà cung cấp Mỹ. YMTC phủ nhận thông tin.

YMTC thành lập năm 2016 sau khi Tử Quang thâu tóm mảng chip nhớ của XMC. XMC thành lập sớm hơn 10 năm và sở hữu hai nhà máy sản xuất chip, từ năm 2008 hợp tác và cấp phép công nghệ bộ nhớ flash của đối tác Mỹ Spansion.

Quỹ đầu tư Ngành công nghiệp vi mạch quốc gia Trung Quốc (CICF) cùng tập đoàn Đầu tư khoa học - công nghệ Hồ Bắc cấp cho YMTC 18,9 tỉ nhân dân tệ (2,67 tỉ USD). Tổng vốn đầu tư cho công ty đã đạt 24 tỉ USD.

Tháng 10.2017, YMTC dựa vào năng lực nghiên cứu và phát triển tự thân cùng hợp tác quốc tế đã thiết kế và sản xuất được đĩa bán dẫn bộ nhớ flash 3D NAND đầu tiên của Trung Quốc. Chip nhớ flash 3D NAND do công ty sản xuất được dùng trong nhiều thiết bị lưu trữ khác nhau trang bị cho điện thoại, máy tính cá nhân, máy chủ…

YMTC có hơn 10.000 nhân viên trên toàn thế giới, trong đó 6.000 nhân viên là kỹ sư tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển. Thời gian gần đây công ty tích cực tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp để lấp đầy hàng chục vị trí ở Vũ Hán, Thượng Hải, Bắc Kinh.

Truyền thông Trung Quốc cho biết một trong số sản phẩm mới của YMTC là chip NAND 232 lớp, đưa công ty lên vị thế ngang hàng với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới là Samsung Electronics, Micron và SK Hynix. YMTC chưa lên tiếng xác nhận.

Theo dữ liệu từ công ty chứng khoán Dân Sinh, Trung Quốc là thị trường sản phẩm flash NAND lớn thứ hai thế giới - chiếm hơn 31% thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, YMTC chỉ chiếm 1% thị phần chip nhớ toàn cầu năm 2020, trong khi Samsung, Toshiba, Western Digital, Intel, Micron, SK Hynix kiểm soát 95%.

Dự kiến đến năm 2025 thị phần YMTC chỉ tăng lên 6%, nhưng công ty được cho sẽ trở thành nhà cung cấp chip nhớ cho Apple. Có thông tin Apple dự định dùng sản phẩm YMTC cho thiết bị bán tại Trung Quốc.

Chuyên gia bán dẫn Arisa Liu thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế Đài Loan nhận xét: “Cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple với tư cách một đơn vị chủ chốt trong ngành chip nhớ Trung Quốc có ý nghĩa rất to lớn, là sự công nhận sức mạnh công nghệ của YMTC”.

china00.jpg
Sản phẩm chip flash NAND 128 lớp của YMTC - Ảnh: Handout

Cơ hội cho YMTC lại làm dấy lên nghi ngại tại Mỹ. Tháng trước xuất hiện thông tin giới chức Mỹ dự tính ban hành lệnh cấm bán thiết bị sản xuất hàng bán dẫn Mỹ cho xưởng đúc chip flash NAND Trung Quốc. Chuyên gia Liu nhận định hoàn toàn có khả năng Washington đưa cả YMTC vào diện chịu hạn chế.

Dựa trên phát hiện của công ty tư vấn Canada IP Research Group, nghị sĩ Chuck Schumer - nhân vật lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ - mới đây lại kêu gọi bổ sung tên YMTC vào “danh sách đen” thương mại vì cung cấp chip cho Huawei vi phạm lệnh trừng phạt.

Theo IP Research Group, mẫu điện thoại Huawei Mate Xs 2 dùng chip nhớ NAND do YMTC cung cấp. Năm ngoái, YMTC còn phải lên tiếng phủ nhận có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Hạn chế thương mại có thể ảnh hưởng lớn đến YMTC. Công ty sử dụng thiết bị sản xuất hàng bán dẫn Lam Research cùng công nghệ từ Adeia (đều là đơn vị Mỹ). Trước đó YMTC đặt mục tiêu nâng công suất lên 30.000 đĩa bán dẫn/tháng vào năm 2020, năm 2030 đạt 1 triệu sau khi ba nhà máy đạt công suất tối đa vào năm 2025.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực phải tự chủ công nghệ của hãng chip nhớ hàng đầu Trung Quốc