Từ những năm 2030, máy bay chạy bằng điện sẽ thật sự cất cánh và sẽ sớm có phương tiện đầu tiên chở được 50-70 hành khách.
Ngành hàng không hiện chậm chuyển qua sử dụng năng lượng sạch, nhưng trong khi thế hệ phi công kế tiếp chờ các hãng bay ngưng dùng nhiên liệu hóa thạch, họ có thể tập bay với các chiếc máy bay thải phát khí carbon ít hơn do hãng Pipistrel sản xuất ở Slovenia.
Velis Electro hiện là máy bay hoàn toàn chạy bằng điện và pin duy nhất trên thế giới được Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) trao giấy chứng nhận đảm bảo hồi năm 2020.
Máy bay điện không phát tiếng ồn như máy bay phản lực
Velis Electro có 2 chỗ ngồi, trang bị một động cơ điện 58Kw làm mát bằng chất lỏng do Pipistrel thiết kế và chế tạo. Nó có hai bộ pin làm mát bằng chất lỏng, một bộ nằm phía trước buồng lái và bộ còn lại phía sau, với tổng công suất 24,8kWh.
Vì lý do an toàn, nếu một pin 14kWh bị lỗi, pin còn lại sẽ tiếp tục cấp nguồn cho động cơ. Pipistrel cho biết pin cần được thay thế sau khoảng 2.000 giờ bay (một chỉ báo trên pin cho biết chính xác khi nào) và giá cho một cặp pin mới là khoảng 20.000 USD.
Khi không có phi công và hành khách, trọng lượng của loại máy bay hạng nhẹ có vỏ bằng sợi quang học này là 425kg, trong khi trọng lượng tối đa được phép cất cánh là 600kg.
Một lý do khiến chiếc máy bay nhẹ như vậy là bộ pin chỉ nặng 70kg, bằng động cơ piston tương đương, trong khi động cơ điện chỉ nặng 12kg hoặc ít hơn đáng kể so với lượng nhiên liệu mà chiếc máy bay thông thường cần có.
Velis Electro có thể bay ở độ cao hơn 3.500 mét và có thể đạt tốc độ tối đa 181 km/h, thời gian bay khoảng 50 phút và thêm 20 phút dự phòng, tùy theo các điều kiện.
Velis Electro có ưu thế là hiệu suất cao, sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường và rẻ tiền. Do phương tiện có ít bộ phận chuyển động hơn nên việc bảo trì nó cũng rẻ hơn, không thải phát khí carbon và không ồn như máy bay thông thường.
Tiếng ồn của máy bay hạng nhẹ này chỉ khoảng 60 decibel, tức tương ương âm thanh của một cuộc trò chuyện bình thường trong văn phòng hoặc nhà hàng, và hầu như không bị rung. Đây là một yếu tố khác góp phần làm giảm chi phí bảo trì.
Velis Electro có thể cất và hạ cánh trên các sân bay nhỏ hơn, gần khu đô thị mà không khiến cư dân lân cận bị làm phiền bởi tiếng ồn.
Kể từ khi Velis Electro được tung ra vào năm 2020, Pipistrel đã bán được khoảng 100 chiếc với giá 175.000 bảng Anh (175.500 USD).
Pipistrel đã được mua lại trong năm nay bởi tập đoàn Textron của Mỹ (chủ sở hữu của các thương hiệu Cessna và Lycoming), và hiện là một phần của Textron.
Velis Electro hiện đang chờ Cục Hàng không Liên bang Mỹ phê duyệt để sử dụng thương mại ở Mỹ nhưng nó đã được bay tư nhân. Các kế hoạch trong tương lai của Pipistrel gồm một phiên bản Velis Electro 4 chỗ ngồi.
Với việc giá xăng tăng và sự giám sát chặt chẽ hơn về lượng khí thải carbon từ máy bay sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phân khúc máy bay hybrid (sử dụng cả động điện và động cơ đốt trong) ngày càng được quan tâm.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Precedence Research, thị trường máy bay điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 - ước tính giá trị có thể đạt gần 40 tỉ USD vào cuối thập niên này.
Và trong tương gần sẽ có nhiều máy bay hybrid chở được nhiều hành khách. Ngày 15.9, hãng hàng không Canada tuyên bố sẽ mua 30 máy bay hybrid để bay chặng ngắn của công ty Heart Aerospace (Thụy Điển), là nơi hy vọng sẽ đưa chiếc máy bay hybrid 30 chỗ ngồi vào sử dụng từ năm 2028.
Các nhà phân tích ở phòng Thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ còn cho rằng sau năm 2028 sẽ có chiếc máy bay hybrid đầu tiên có từ 50 đến 70 chỗ ngồi.
Hiện tại, các máy bay cỡ lớn vẫn chưa được loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, và ngành hàng không đang chiếm 3% lượng khí thải toàn cầu. Với lượng hành khách và chuyến bay nhiều hơn dự kiến khi dân số tăng lên, hàng không có thể tạo ra lượng khí thải carbon dioxide nhiều hơn từ 3-5 lần vào năm 2050 so với trước đại dịch COVID-19.