Nghiên cứu mới của ngân hàng đầu tư Piper Sandler (Mỹ) cho thấy các sản phẩm Apple có sức hút rất lớn với thanh thiếu niên Mỹ.

Apple có sức hút đáng kinh ngạc với Gen Z, nhiều người trẻ 'chịu áp lực' phải mua iPhone

Sơn Vân | 11/10/2023, 18:37

Nghiên cứu mới của ngân hàng đầu tư Piper Sandler (Mỹ) cho thấy các sản phẩm Apple có sức hút rất lớn với thanh thiếu niên Mỹ.

Trong báo cáo nửa năm lần thứ 46 của Piper Sandler về xu hướng tiêu dùng của giới trẻ, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 9.193 thanh thiếu niên Mỹ có độ tuổi trung bình là 15,7, với thu nhập trung bình của hộ gia đình là 70.725 USD, để hiểu các em tiêu tiền vào đâu.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng Apple có ảnh hưởng rất lớn với số người thuộc Gen Z (sinh từ năm 1995 đến năm 2012). Trong số hàng ngàn thanh thiếu niên được khảo sát, 87% cho biết sở hữu một chiếc iPhone và 88% trong số họ mong đợi iPhone sẽ là chiếc điện thoại tiếp theo của mình.

Các nhà nghiên cứu cho biết iPhone phổ biến trong giới trẻ có thể là một dấu hiệu tốt cho lợi nhuận của Apple. Xét cho cùng, nếu gần 90% đã sở hữu một chiếc iPhone và tỷ lệ tương tự cho biết sẽ mua smartphone tiếp theo của mình là iPhone, thì đó là thói quen đã thấm nhuần.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Những xu hướng này rất đáng khích lệ khi công ty tiếp tục giới thiệu iPhone mới, chứng tỏ tính bền vững chung của danh mục sản phẩm. Chúng tôi nghĩ rằng những xu hướng tích cực này cũng có thể là chất xúc tác cho sự phát triển dịch vụ hơn nữa, khi cơ sở cài đặt phần cứng của Apple tiếp tục phát triển".

Không chỉ riêng iPhone, Gen Z còn sử dụng nhiều sản phẩm khác của Apple. Báo cáo cho biết 42% thanh thiếu niên được phát hiện đã sử dụng Apple Pay, ứng dụng chuyển tiền mặt của hãng công nghệ Mỹ. 34% thanh thiếu niên được hỏi cho biết họ sở hữu Apple Watch.

Theo báo cáo, Apple là thương hiệu đồng hồ số 1 trong số thanh thiếu niên có thu nhập cao, đánh bại những hãng như Casio, Garmin và thậm chí cả Rolex. Song khi nói đến thanh thiếu niên, có một sản phẩm của Apple dường như không tạo được tiếng vang: Dịch vụ phát nhạc trực tuyến.

Khi hơn 70% thanh thiếu niên được khảo sát đã dùng Spotify để nghe nhạc trong sáu tháng qua, chưa đến 40% thanh thiếu niên sử dụng Apple Music, tiếp theo là YouTube Music, Amazon Prime Music và các thương hiệu nhỏ hơn như Soundcloud.

Apple không trả lời ngay lập tức khi được trang Insider đề nghị bình luận.

apple-co-suc-anh-huong-dang-kinh-ngac-voi-gen-z.jpg
Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng nhiều thanh thiếu niên cảm thấy áp lực xã hội buộc phải mua iPhone thay vì smartphone Anddroid - Ảnh: Internet

Những phát hiện từ Piper Sandler về xu hướng chi tiêu của thanh thiếu niên được đưa ra khi Apple bán ra các iPhone mới. Kể từ ngày 22.9, Apple đã bán ra iPhone 15 Pro và Pro Max với giá khởi điểm 999 USD và 1.199 USD.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo tại hãng đối thủ của Apple tin rằng nhà sản xuất iPhone đã thiết lập sự thống trị trên thị trường smartphone một cách không công bằng.

Năm ngoái, Hiroshi Lockheimer - Phó chủ tịch cấp cao Google đã lên X (trước đây gọi là Twitter) để cáo buộc Apple "sử dụng áp lực ngang hàng và bắt nạt như một cách để bán sản phẩm", sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin rằng nhiều thanh thiếu niên cảm thấy áp lực xã hội buộc phải mua iPhone thay vì các thương hiệu Android. Lý do khi dùng smartphone Android nhắn tin cho iPhone sẽ xuất hiện bong bóng màu xanh lá cây thay vì xanh dương.

Phản hồi bản tin của Wall Street Journal, Hiroshi Lockheimer, người chủ đứng sau Android, nói rằng chiến lược "khóa iMessage của Apple là không chân thật với một công ty coi tính nhân văn và công bằng là phần cốt lõi trong hoạt động tiếp thị của mình".

Trong hội nghị I/O dành cho các nhà phát triển hồi tháng 5, Google ngầm chỉ trích Apple về vấn đề nhắn tin giữa iPhone và Android.

Sameer Samat, Phó chủ tịch quản lý sản phẩm của Google, nói tại hội nghị I/O: "Khi đang nhắn tin trong một cuộc trò chuyện nhóm, bạn không cần phải lo lắng về việc liệu mọi người có sử dụng cùng loại điện thoại hay không. Gửi hình ảnh và video chất lượng cao, nhận thông báo khi nhập tin nhắn và mã hóa đầu cuối sẽ hoạt động tốt. Chúng tôi hy vọng mọi hệ điều hành di động đều hiểu và chấp nhận RCS… Qua đó, tất cả chúng ta có thể tham gia trò chuyện nhóm cùng nhau bất kể đang sử dụng thiết bị nào". Đám đông phản ứng bằng những tràng pháo tay cổ vũ trước nhận xét của Sameer Samat nhắm vào Apple.

Đây là nỗ lực của Google nhằm gây áp lực buộc Apple phải áp dụng tiêu chuẩn nhắn tin RCS (Rich Communications Services).

RCS là một nền tảng nhắn tin cải tiến trên Android, mang đến những chức năng được nâng cấp cho tin nhắn. Về cơ bản, RCS sẽ biến tin nhắn văn bản thành trải nghiệm trò chuyện đầy đủ hơn, tương tự như những gì mà Apple đang làm với iMessage. Điều khác biệt là RCS sẽ hoạt động trên nhiều smartphone, nhà cung cấp và hệ điều hành. RCS được tích hợp ngay trên ứng dụng tin nhắn của smartphone Android.

iMessage có sẵn cho iPhone, Mac và iPad. Những ai nhắn tin thường xuyên với người dùng smartphone Android nói rằng "bong bóng màu xanh lá cây" khi tin nhắn SMS xuất hiện trên iPhone, là trải nghiệm kém sang hơn.

Nếu áp dụng RCS, Apple sẽ giải quyết các vấn đề mà người dùng smartphone Android và iPhone đã phàn nàn từ lâu khi nhắn tin cho nhau (chẳng hạn như video và ảnh bị mờ hoặc nén), đồng thời loại bỏ việc mô tả biểu tượng cảm xúc của người dùng iPhone với một tin nhắn từ smartphone Android.

Bất chấp sự hấp dẫn của iPhone với người tiêu dùng trẻ tuổi, một số chuyên gia công nghệ đang bắt đầu tự hỏi liệu sự nổi lên của các công cụ AI như ChatGPT của OpenAI, mà các nhà lãnh đạo công nghệ gọi là "khoảnh khắc iPhone", có thể trở thành xu hướng lớn tiếp theo trong ngành này khi trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu được tích hợp vào các sản phẩm phần cứng.

Thomas Haigh, nhà sử học về công nghệ, không nghĩ điều đó có thể xảy ra, ít nhất là trong 10 năm tới. “Tôi cho rằng smartphone sẽ chiếm ưu thế trong ít nhất một thập kỷ nữa”, ông nói.

Thung lũng Silicon cố chấm dứt kỷ nguyên thống trị của iPhone bằng thiết bị AI mới

Thung lũng Silicon (Mỹ) đang đặt cược rằng ChatGPT và các công cụ generative AI khác sẽ mở đường cho một thiết bị di động kế thừa smartphone.

Hơn 15 năm sau khi iPhone ra mắt, ChatGPT và các dịch vụ AI khác có thể sớm hình thành nền tảng của loại thiết bị phần cứng mới và một cách tương tác hoàn toàn khác biệt giữa con người với máy tính.

Vào ngày 27.9, tại trụ sở chính của Meta Platform ở thành phố Menlo Park (bang California, Mỹ), Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã tiết lộ không chỉ bản cập nhật cho kính thực tế ảo Quest mà còn cả phiên bản mới của kính thông minh được phát triển bởi bộ phận Ray-Ban của hãng Luxottica Group SpA. Chiếc kính trị giá 299 USD này tích hợp loa, micro, camera và có thể phát trực tiếp video cũng như gọi điện thoại.

Kính thông minh Ray-Ban cho phép người dùng đặt câu hỏi cho trợ lý Llama AI của Meta Platforms, chẳng hạn như yêu cầu trợ lý này dịch biển quảng cáo hoặc hướng dẫn họ thực hiện một dự án sửa chữa nhà.

Phiên bản đầu tiên của kính, được đặt tên là Ray-Ban Stories và ra mắt vào năm 2021, bán rất chậm. Thế nhưng, Meta Platforms (cùng với Amazon, công ty cũng đã phát hành phiên bản mới Echo Frames được trang bị công nghệ trợ lý ảo Alexa) đang điều chỉnh lại sản phẩm xoay quanh generative AI.

Một ngày sau, có tín hiệu khác cho thấy Big Tech (hãng công nghệ lớn) đã sẵn sàng chế tạo các thiết bị xoay quanh AI. Một số ấn phẩm đưa tin rằng OpenAI (công ty khởi nghiệp đứng sau ChatGPT) đang đàm phán với LoveFrom, hãng thiết kế công nghiệp do huyền thoại thiết kế Apple - Jony Ive thành lập, về việc tạo ra một liên doanh xây dựng “iPhone của AI”.

Ngoài việc Masayoshi Son, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SoftBank Group, sẵn sàng đầu tư 1 tỉ USD vào liên doanh, trong khi Jony Ive (cựu Giám đốc thiết kế Apple) đã cảm thấy thất vọng về các yếu tố gây nghiện của smartphone và muốn sử dụng AI để tìm kiếm sự lựa chọn thay thế.

Humane, công ty khởi nghiệp được thành lập bởi Imran Chaudhri (nhà thiết kế cũ của Apple) và Bethany Bongiorno (cựu kỹ sư Apple), đã trình diễn “chiếc máy tính biến mất” có thể đeo được của mình tại hội nghị TED vào tháng 5. Trong video buổi nói chuyện trên YouTube, đã thu hút hơn 1,3 triệu lượt xem trong 4 tháng qua, một thiết bị không có màn hình giống như huy hiệu, có camera và loa gắn trên áo của Imran Chaudhri sẽ dịch giọng nói của anh sang tiếng Pháp, nhận cuộc gọi điện thoại, hiển thị văn bản lên tay bằng máy chiếu laser và khuyên chủ nhân không nên ăn một thanh kẹo do chế độ ăn kiêng của anh.

Imran Chaudhri nói: “Để mối quan hệ giữa con người và công nghệ thực sự phát triển vượt ra ngoài màn hình, chúng ta cần một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt”.

Humane đã huy động được 230 triệu USD từ Microsoft cùng Giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman và có lẽ sẽ sử dụng một phiên bản ChatGPT. Humane cho biết sẽ bắt đầu bán thiết bị có tên Humane Ai Pin vào ngày 9.11.

Bài liên quan
Nhiều người phàn nàn âm thanh trên dòng iPhone 15 rè và chói tai
Khi dòng iPhone 15 được bán ra chưa đầy hai tuần, đã có nhiều người dùng phàn nàn về vấn đề quá nhiệt. Song có vẻ ngày càng nhiều người không hài lòng với iPhone mới vì những lý do khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple có sức hút đáng kinh ngạc với Gen Z, nhiều người trẻ 'chịu áp lực' phải mua iPhone