Đó là hai trong những thông tin công nghệ đáng chú ý tối 19.7.

Apple trả 1.170 tỉ đồng cho vụ kiện bàn phím MacBook bị lỗi, Facebook thoát nguy cơ bị Indonesia chặn

Sơn Vân | 19/07/2022, 22:26

Đó là hai trong những thông tin công nghệ đáng chú ý tối 19.7.

Apple trả 50 triệu USD cho vụ kiện bàn phím MacBook bị lỗi

Apple đã đồng ý trả 50 triệu USD (hơn 1.170 tỉ đồng) để giải quyết một vụ kiện tập thể của những khách hàng cho rằng hãng biết và che giấu rằng bàn phím butterfly (bướm) trên MacBook dễ bị lỗi.

Thỏa thuận sơ bộ được đề xuất đã đệ trình vào tối 18.7 tại tòa án liên bang ở thành phố San Jose, bang California, Mỹ và cần có sự chấp thuận của thẩm phán.

Các khách hàng cho rằng bàn phím MacBook, MacBook Air, MacBook Pro bị dính phím và không phản hồi, cùng một lượng nhỏ bụi hoặc mảnh vụn có thể gây khó khăn cho việc gõ phím.

Họ cũng cho biết chương trình dịch vụ của Apple xử lý không thỏa đáng vì công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ thường cung cấp các bàn phím thay thế gặp vấn đề tương tự.

Thỏa thuận này bao gồm những khách hàng đã mua MacBook, MacBook Air và hầu hết mẫu MacBook Pro từ năm 2015 đến 2019 tại 7 bang của Mỹ: California, Florida, Illinois, Michigan, New Jersey, New York và Washington.

Apple phủ nhận hành vi sai trái trong việc đồng ý dàn xếp. Công ty không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về vấn đề trên.

Các luật sư cho khách hàng mong đợi khoản thanh toán tối đa là 395 USD cho những người thay thế nhiều bàn phím, 125 USD cho những người thay thế một bàn phím và 50 USD cho những người thay nắp phím.

Khách hàng vẫn đủ điều kiện 4 năm sửa chữa bàn phím miễn phí sau khi mua hàng của Apple.

Các công ty luật của khách hàng, Girard Sharp LLP và Chimicles Schwartz Kriner & Donaldson-Smith LLP, có thể yêu cầu khoản phí pháp lý lên tới 15 triệu USD. Số tiền này sẽ được khấu trừ từ quỹ giải quyết 50 triệu USD của Apple, các giấy tờ của tòa án cho thấy.

apple-tra-1147-ti-dong-cho-vu-kien-ban-phim-macbook-bi-loi.jpg
Thiết kế bàn phím butterfly dễ bị lỗi khiến Apple phải trả giá đắt

Vào ngày 11.5.2018, đơn kiện được gửi lên tòa án quận Bắc Califonia (Mỹ) nhắm vào các mẫu MacBook được sản xuất từ 2015 và MacBook Pro từ 2016.

Bàn phím butterfly của Apple là bàn phím có độ nông ngắn mà Apple cho biết sẽ cho độ phản hồi tốt hơn mẫu hình kéo xắt truyền thống. Apple cho biết thiết kế này giúp ngăn bớt bụi ở phía dưới các phím bấm dạng cánh bướm. Tuy vậy, hàng ngàn người dùng cho biết những trường hợp lỗi không hoạt động thường xảy ra khi xuất hiện một chút bụi. Có lẽ do thiết kế butterfly khiến bụi khi lọt xuống dưới không thể thoát ra ngoài và dẫn đến lỗi trên. Trong lá đơn kiện, người dùng MacBook gặp lỗi cho biết: “Chức năng chính của laptop đã bị xâm phạm và bàn phím cần phải được thay thế. Một khi MacBook không còn được bảo hành, chi phí cho việc sửa sẽ tiêu tốn người dùng hàng trăm USD”.

Vụ kiện này dựa vào việc liệu tòa án có tin rằng Apple biết về những khuyết điểm bàn phím butterfly bị cáo buộc từ ngày đầu tiên nhưng vẫn phát hành sản phẩm. Những người liên quan đến yêu cầu kiện tụng cho biết: “Apple biết rằng MacBook có khiếm khuyết trước khi hãng bắt đầu bán các mẫu bị ảnh hưởng. Khiếu nại về sự thất bại của bàn phím bắt đầu xuất hiện ngay sau khi MacBook 2015 được ra mắt. Dù nhận thức được lỗi trên bàn phím nhưng Apple vẫn trang bị cho MacBook, MacBook Pro tương lai với bàn phím butterfly và tiếp tục bán cho người tiêu dùng với mức giá cao”.

Facebook, Instagram, WhatsApp chấp nhận yêu cầu của Indonesia để tránh bị chặn

Facebook, Instagram và WhatsApp thuộc Meta Platforms đã đăng ký các quy tắc cấp phép mới của Indonesia với các công ty công nghệ, hồ sơ chính phủ cho thấy hôm 19.7, một ngày trước hạn chót để tuân thủ hoặc có nguy cơ bị chặn.

Việc đăng ký là bắt buộc theo các quy tắc được phát hành vào cuối năm 2020 sẽ cung cấp cho các cơ quan chức năng quyền hạn rộng rãi để buộc các nền tảng tiết lộ dữ liệu của một số người dùng nhất định và gỡ xuống nội dung bị coi là bất hợp pháp hoặc "gây rối trật tự công cộng" trong vòng 4 giờ nếu khẩn cấp và 24 giờ nếu không phải.

Hồ sơ của Bộ Truyền thông Indonesia về các nhà cung cấp nước ngoài cho thấy các đơn vị của Meta Platforms đã đăng ký hôm 19.7, nhưng Twitter vẫn chưa làm điều này.

Trong số các đơn vị của Alphabet, bao gồm cả YouTube và Google, chỉ có các dịch vụ đám mây của Google đã đăng ký vào hôm 19.7, theo Semuel Abrijani Pangerapan, một quan chức cấp cao Bộ Truyền thông Indonesia.

Google, Twitter và Facebook đã không phản hồi ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.

apple-tra-1147-ti-dong-cho-vu-kien-ban-phim-macbook-bi-loi1.jpg
Facebook, Instagram và WhatsApp đã đăng ký các quy tắc cấp phép mới của Indonesia để tránh bị chặn

Với 270 triệu dân số trẻ và am hiểu công nghệ, Indonesia là thị trường nằm trong top 10 về số lượng người dùng của hàng loạt công ty truyền thông xã hội, bao gồm cả Twitter, Facebook và TikTok.

TikTok, Netflix, Spotify đã đăng ký các quy tắc cấp phép mới của Indonesia, hồ sơ cho thấy.

Semuel Abrijani Pangerapan nói các công ty không tuân thủ sẽ thua lỗ về lâu dài và sẽ bị khiển trách, phạt tiền, cuối cùng bị chặn ở Indonesia.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các nền tảng sẽ có cơ hội để đảo ngược điều đó, nếu sau đó họ quyết định đăng ký.

"Nếu họ không đăng ký, đó là sự thiệt hại cho họ. Điều đó có nghĩa là họ không coi Indonesia là thị trường tiềm năng của mình", Semuel Abrijani Pangerapan nói trong cuộc họp báo.

Hệ thống cấp phép mới áp dụng cho tất cả các nhà khai thác dịch vụ điện tử trong và ngoài nước này. Chính phủ Indonesia cũng có thể buộc các công ty tiết lộ thông tin liên lạc và dữ liệu cá nhân của những người dùng cụ thể nếu cơ quan thực thi pháp luật hoặc chính phủ yêu cầu.

Chính phủ Indonesia cho biết các quy tắc mới đã được xây dựng để đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ internet bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng và nội dung trực tuyến được sử dụng theo cách "tích cực, hiệu quả".

Bất chấp lời đe dọa, một số nhà phân tích nghi ngờ liệu chính quyền Indonesia có chặn ngay lập tức các nền tảng do các công ty không tuân thủ điều hành hay không, đặc biệt là với mức độ sử dụng rộng rãi của một số nền tảng ở nước đông dân nhất Đông Nam Á, bao gồm cả các quan chức nhà nước.

Một số nhà hoạt động nói rằng các yêu cầu mới liên quan đến nội dung sẽ đe dọa quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận.

Nenden Arum, từ nhóm quyền kỹ thuật số Mạng lưới Tự do ngôn luận Đông Nam Á (SAFEnet), nhận xét: “Phân tích của chúng tôi cho thấy đây sẽ là quy định hà khắc nhất trong khu vực”.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Indonesia - Johnny G. Plate cho biết yêu cầu đăng ký là hành chính chứ không phải về nội dung.

Theo Statista - công ty của Đức chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng, ước tính có khoảng 191 triệu người dùng mạng xã hội ở Indonesia tính đến tháng 2.2022. Chỉ Trung Quốc và Ấn Độ là có nhiều người dùng mạng xã hội hơn Indonesia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bài liên quan
Tai nghe thực tế hỗn hợp Apple có thể thay đổi cuộc chơi, phiên bản thế hệ 2 sẽ nhẹ và tốt hơn
Tai nghe thực tế hỗn hợp AR/VR được đồn đại của Apple theo lịch trình sẽ ra mắt vào đầu năm 2023. Mẫu tai nghe thế hệ thứ hai với những nâng cấp đáng kể đã được phát triển cho năm 2024, trang ETNews đưa tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Băn khoăn về giá vàng miếng đấu thầu
Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ đưa nguồn cung vàng ra thị trường thông qua phương thức đấu thầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple trả 1.170 tỉ đồng cho vụ kiện bàn phím MacBook bị lỗi, Facebook thoát nguy cơ bị Indonesia chặn