Hôm 18.7, Indonesia đã thúc giục các hãng công nghệ đăng ký theo các quy tắc cấp phép mới, nếu không sẽ có nguy cơ bị chặn nền tảng của họ.

Indonesia dọa chặn Google, Facebook, Twitter, Instagram nếu không tuân thủ yêu cầu mới

Sơn Vân | 18/07/2022, 18:53

Hôm 18.7, Indonesia đã thúc giục các hãng công nghệ đăng ký theo các quy tắc cấp phép mới, nếu không sẽ có nguy cơ bị chặn nền tảng của họ.

Dữ liệu cho thấy nhiều hãng công nghệ lớn, trong đó có Google, Twitter và Meta Plaforms, vẫn chưa tuân thủ việc đăng ký trước thời hạn vào ngày 20.7 tới.

Yêu cầu đăng ký là một phần của bộ quy tắc, được phát hành lần đầu tiên vào tháng 11.2020, sẽ cho phép nhà chức trách ra lệnh cho các nền tảng gỡ bỏ nội dung bị coi là bất hợp pháp hoặc "gây rối trật tự công cộng" trong vòng 4 giờ nếu được coi là khẩn cấp và 24 giờ nếu không phải.

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Truyền thông Indonesia - Johnny G. Plate kêu gọi các công ty đăng ký theo các quy tắc cấp phép mới trước khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng. Bộ Truyền thông Indonesia cho biết vào tháng trước rằng các nền tảng có thể bị chặn nếu không tuân thủ.

Tính đến ngày 18.7, hơn 5.900 công ty trong nước và 108 công ty nước ngoài đã đăng ký, trong đó có ứng dụng video ngắn TikTok và công ty phát trực tuyến âm nhạc Spotify, theo dữ liệu của Bộ trưởng Truyền thông Indonesia.

Các nền tảng khác như Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta Platforms (công ty sở hữu Facebook, Instagram, WhatsApp), Twitter vẫn chưa đăng ký. Người phát ngôn của Facebook, Twitter, WhatsApp và Google không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.

Hệ thống cấp phép mới áp dụng cho tất cả các nhà khai thác dịch vụ điện tử trong và ngoài nước này. Chính phủ Indonesia cũng có thể buộc các công ty tiết lộ thông tin liên lạc và dữ liệu cá nhân của những người dùng cụ thể nếu cơ quan thực thi pháp luật hoặc chính phủ yêu cầu.

Chính phủ Indonesia cho biết các quy tắc mới đã được xây dựng để đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ internet bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng và nội dung trực tuyến được sử dụng theo cách "tích cực, hiệu quả".

Bất chấp lời đe dọa, một số nhà phân tích nghi ngờ liệu chính quyền Indonesia có chặn ngay lập tức các nền tảng do các công ty không tuân thủ điều hành hay không, đặc biệt là với mức độ sử dụng rộng rãi của một số nền tảng ở nước đông dân nhất Đông Nam Á, bao gồm cả các quan chức nhà nước.

indonesia-doa-chan-google-facebook-instagram-whatsapp-neu-khong-tuan-thu-yeu-cau-moi.jpg
Indonesia dọa chặn Google, Facebook, Twitter, Instagram, WhatsApp nếu không đăng ký các quy tắc cấp phép mới - Ảnh: Reuters

Với 270 triệu dân số trẻ và hiểu biết về kỹ thuật số, Indonesia là thị trường nằm trong top 10 trên toàn cầu về số lượng người dùng cho hàng loạt các công ty truyền thông xã hội, bao gồm cả TikTok, Twitter và Facebook.

Một số nhà hoạt động nói rằng các yêu cầu mới liên quan đến nội dung sẽ đe dọa quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận.

Nenden Arum, từ nhóm quyền kỹ thuật số Mạng lưới Tự do ngôn luận Đông Nam Á (SAFEnet), nhận xét: “Phân tích của chúng tôi cho thấy đây sẽ là quy định hà khắc nhất trong khu vực”.

Dù vậy, Bộ trưởng Johnny G. Plate cho biết yêu cầu đăng ký là hành chính chứ không phải về nội dung.

Theo Statista - công ty của Đức chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng, ước tính có khoảng 191 triệu người dùng mạng xã hội ở Indonesia tính đến tháng 2.2022. Chỉ Trung Quốc và Ấn Độ là có nhiều người dùng mạng xã hội hơn Indonesia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hôm 6.7 vừa qua, Thủ tướng Campuchia - Hun Sen tuyên bố không có kế hoạch cấm TikTok, nhưng yêu cầu người dùng cần tránh những lời thô bỉ. Thủ tướng Hun Sen đã kêu gọi phụ nữ trong nước sử dụng TikTok tôn trọng truyền thống và phẩm giá của Campuchia, không đăng nội dung tục tĩu.

Theo trang Khmer Times, Thủ tướng Hun Sen đưa ra phát biểu như vậy trong cuộc gặp với các đại biểu đoàn ASEAN Para Games trước khi họ lên đường tham dự ASEAN Para Games 11 được tổ chức tại thành phố Surakarta (Indonesia) từ ngày 23 đến 30.7.2022.

ASEAN Para Games là sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức mỗi hai năm tại khu vực Đông Nam Á dành riêng cho các vận động viên khuyết tật thể chất. Đại hội quy tụ tất cả 11 quốc gia trong khu vực, được điều hành và quản lý bởi Liên đoàn Thể thao Người khuyết tật ASEAN.

Lời kêu gọi của Thủ tướng Hun Sen được đưa ra sau khi ông quan sát thấy một số người nữ dùng TikTok đã sử dụng những từ ngữ xúc phạm, không phù hợp với các giá trị của phụ nữ nước này.

Thủ tướng Campuchia cho hay: “Tôi muốn gửi lời nhắn đến tất cả các bạn là phụ nữ sử dụng TikTok, một số là ví dụ tốt, một số người trong đó đang nói đùa… Một số thì quá tục tĩu, một số trở nên tục tĩu, vì vậy tôi cầu xin các bạn hãy giữ gìn truyền thống của mình”.

Bài liên quan
Chân dung ‘nữ hoàng tiền số’ bị cả Trung Quốc và Mỹ truy nã vì lừa đảo
Tự mô tả là Cryptoqueen (nữ hoàng tiền số), Ruja Ignatova đã bị thêm vào danh sách 10 kẻ đào tẩu bị truy nã gắt gao nhất của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Indonesia dọa chặn Google, Facebook, Twitter, Instagram nếu không tuân thủ yêu cầu mới