Apple đã trở thành mục tiêu của vụ kiện khác từ một công ty có hành vi giống patent troll. Cụ thể hơn, Sonrai Memory Limited cáo buộc Apple đã vi phạm một cặp bằng sáng chế mà họ sở hữu.

Sau Google, Samsung, LG và Lenovo, đến Apple bị Sonrai Memory kiện vi phạm bằng sáng chế

Sơn Vân | 17/07/2022, 10:55

Apple đã trở thành mục tiêu của vụ kiện khác từ một công ty có hành vi giống patent troll. Cụ thể hơn, Sonrai Memory Limited cáo buộc Apple đã vi phạm một cặp bằng sáng chế mà họ sở hữu.

Patent troll (cạnh tranh không lành mạnh về bằng sáng chế) là cụm từ để chỉ những người hay tổ chức nào đó dùng các bằng sáng chế do mình nắm giữ (có thể do mua lại chứ không phải tự làm ra) để đem đi kiện các công ty khác vi phạm đến bằng sáng chế đó, với mục đích là để triệt hạ các đối thủ cạnh tranh hoặc kiếm tiền từ đó.

Được nộp tại tòa án phía tây bang Texas (Mỹ) vào ngày 15.7, đơn kiện của Sonrai Memory Limited cáo buộc Apple vi phạm hai bằng sáng chế mà họ sở hữu.

Một bằng sáng chế (6.874.014) có từ năm 2005. Bằng sáng chế còn lại (6.724.241) được cấp lần đầu tiên vào năm 2004.

Theo hồ sơ, được phát hiện bởi trang Patently Apple, các vi phạm liên quan đến một danh sách dài các sản phẩm Apple, bao gồm cả iPhone 6 và iPhone 6 Plus, iPad thế hệ thứ năm, tất cả thế hệ iPad Pro, cùng nhiều MacBook Air và MacBook Pro khác nhau.

Theo đơn kiện, Apple vi phạm bằng sáng chế 6.874.014 với công nghệ được sử dụng trong các chipset A-series, M-series và T-series. Trong khi đó, 6.724.241 liên quan đến SK Hynix NAND Flash, một con chip được sử dụng để xử lý lưu trữ.

Việc nộp đơn kiện của Sonrai Memory Limited yêu cầu bồi thường thiệt hại và án phí.

Apple thường xuyên là mục tiêu của các vụ kiện liên quan đến bằng sáng chế và trong một số trường hợp, các vụ kiện được thực hiện bởi patent troll (hay NPE).

Trong trường hợp của mình, Sonrai Memory Limited dường như thể hiện nhiều hành vi giống NPE. Công ty không được biết đến với việc tạo ra các sản phẩm thực tế hoặc cung cấp dịch vụ, ngoài các vụ kiện, nhưng đã mua lại các bằng sáng chế trong vụ kiện từ Hewlett-Packard và công ty bán dẫn Atmel.

Sonrai Memory Limited cũng đã nộp đơn kiện vi phạm bằng sáng chế tương tự chống lại Western Digital, Google, Samsung, LG, Lenovo và những hãng khác kể từ tháng 7.2021.

Có vẻ như cách Sonrai Memory Limited đăng ký công ty cũng rất giống NPE. Theo Thời báo Ireland, Sonrai Memory Limited và một số NPE có cùng địa chỉ ở thủ đô Dublin, cùng các giám đốc, đều nắm giữ bằng sáng chế về công nghệ và tham gia vào các vụ kiện tụng.

apple-bi-sonrai-memory-kien-vi-pham-bang-sang-che.jpg
Hết Western Digital và Google, Samsung, LG và Lenovo, đến lượt Apple bị Sonrai Memory kiện vi phạm bằng sáng chế

Hồi tháng 2.2021, CPC Patent Technologies nộp đơn kiện Apple lên tòa án phía tây bang Texas, tố cáo Apple vi phạm ba bằng sáng chế liên quan đến những công nghệ nhận diện sinh trắc học, được sử dụng trong công nghệ Touch ID và Face ID.

CPC Patent Technologies là công ty con của Charter Pacific Corporation, đơn vị tự nhận là đầu tư tập trung vào những công nghệ sinh trắc học.

Công ty Úc này đã mua những bằng sáng chế liên quan đến sinh trắc học sau khi Securicom phá sản vào năm 2019. Ba bằng sáng chế mà CPC Patent Technologies tố cáo Apple vi phạm bản quyền là 9.269.208, 9.665.705 và 8.620.039. Cả ba bằng chứng nhận sở hữu tài sản trí tuệ này đều thuộc về Christopher Burke, nhà sáng chế gốc Úc. Hai bằng sáng chế đầu tiên có liên quan tới công nghệ bảo mật dựa trên sinh trắc học của người dùng, được cấp vào năm 2003. Bằng sáng chế thứ ba được cấp vào năm 2005, liên quan tới công nghệ bảo mật sinh trắc học cho thẻ tín dụng và thẻ thông minh.

Theo đơn kiện, CPC Patent Technologies cho rằng iPhone X, iPad Pro, iPhone SE 2020 và nhiều sản phẩm khác của Apple đã vi phạm ba chứng nhận sở hữu tài sản trí tuệ nêu trên. Cụ thể hơn, những thiết bị mở khóa bằng Touch ID hay Face ID, qua đó cho phép người dùng xác thực danh tính để đăng nhập vào hệ thống thông qua dữ liệu sinh trắc của người dùng.

Những bằng sáng chế của Christopher Burke mô tả giải pháp đăng nhập hệ thống máy tính từ xa. Trong đơn kiện, CPC Patent Technologies cáo buộc Apple vi phạm tài sản sở hữu trí tuệ là điều hợp lý vì Face ID và Touch ID hoạt động trên cơ chế gửi dữ liệu sinh trắc vào Secure Enclave (thành phần phần cứng của các thiết bị di động Apple hiện đại) của chip xử lý để xác nhận thông tin.

Trong khi đó, bằng sáng chế 8.620.039 liên quan đến thẻ ngân hàng mô tả khả năng đọc thông tin thẻ và hệ thống lưu trữ danh tính với bức tường bảo mật bằng sinh trắc học. Qua đó, CPC Patent Technologies cho rằng Apple Card và hệ thống xác thực danh tính của Apple Wallet đã vi phạm bằng sáng chế này.

Trước đó, CPC Patent Technologies đã gửi thông báo cho Apple vào tháng 3.2020. Thế nhưng, Apple từ chối trả tiền bản quyền sử dụng công nghệ mà CPC Patent Technologies cho là dựa trên bằng sáng chế mà họ sở hữu. CPC Patent Technologies cuối cùng quyết định khởi kiện, đòi bồi thường và án phí.

Hồi tháng 7.2016, Apple đã giải quyết vấn đề của một patent troll là công ty Network-1 Technologies khi đồng ý trả 25 triệu USD cho vụ kiện vi phạm bằng sáng chế kéo dài từ năm 1999. Dù vụ kiện kéo dài nhưng nội dung của bằng sáng chế là tương đối đơn giản, chỉ xoay quanh vài chức năng hệ thống cơ bản.

Bằng sáng chế này có nguồn gốc tại Trường Đại học Yale (Mỹ) từ năm 1996 và tác giả của nó sau này đã thành lập công ty Mirror Worlds, đồng thời bắt đầu một trong những vụ kiện dài nhất lịch sử. Vụ kiện từng được phán quyết với số tiền phạt Apple đến 625 USD nhưng sau đó bị bác bỏ.

Các bằng sáng chế sau đó được bán cho Network-1 Technologies và công ty này lại tiếp tục thực hiện vụ kiện Apple mới. Sau hơn 17 năm, vụ kiện mới được giải quyết với việc Apple chấp nhận chi trả khoản tiền phạt 25 triệu USD. Apple cũng nhận được giấy phép bằng sáng chế từ Network-1 Technologies như biện pháp phòng tránh các vụ kiện tụng có thể xảy ra trong tương lai.

Cuối tháng 5.2016, Apple bị công ty VirnetX yêu cầu phải ngừng cung cấp hai dịch vụ FaceTime và iMessage vì lý do vi phạm bản quyền, đồng thời trả một khoản đền bù lên tới 523 triệu USD.

Cuộc chiến bằng sáng chế giữa Apple với VirnetX về FaceTime và iMessage diễn ra từ năm 2012 khi nhà sản xuất iPhone được yêu cầu trả 368,2 triệu USD bồi thường thiệt hại. Song theo phiên tòa xét xử lại vào đầu năm 2016, VirnetX yêu cầu Apple phải chi trả 523 triệu USD thiệt hại sau khi Apple tiếp tục cung cấp FaceTime và iMessage.

Đến đầu năm 2020, VirnetX cho biết Apple đã trả cho họ tổng cộng 454 triệu USD sau khi kết thúc cuộc chiến vi phạm bằng sáng chế kéo dài.

Bài liên quan
Lý do Apple, Xiaomi và nhiều hãng lớn chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất
Xiaomi đã giao lô thiết bị cầm tay đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam trong một phần của kế hoạch mở rộng sang Đông Nam Á khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau Google, Samsung, LG và Lenovo, đến Apple bị Sonrai Memory kiện vi phạm bằng sáng chế